- Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 05/2016, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Anh đã có dấu hiệu giảm, chỉ đạt 6,8 triệu USD, giảm 27,7% so với tháng cùng kỳ 2015 và không còn giữ ngôi vị số 1 về nhập khẩu tôm Việt Nam.
Theo VASEP, 5 tháng đầu năm 2016, tôm xuất khẩu sang Anh tăng 21,6% đạt trên 44 triệu USD do thị trường này tăng nhu cầu nhập tôm nước ấm khi nguồn cung tôm nước lạnh giảm và giá cao. Đây là lần đầu tiên doanh số tôm nước ấm vượt qua doanh số tôm nước lạnh trong 3 năm trở lại đây, tăng 15,4% về khối lượng và 9,6% về giá trị. Doanh số tôm nước ấm tăng một phần nhờ giá giảm, 4,7% đối với tôm nước ấm ướp lạnh (24,1 USD một kg) và giảm 5,9% đối với tôm nước ấm đông lạnh (17,2 USD một kg).
Trong khi châu Âu liên tục giảm nhập tôm từ Việt Nam, Anh luôn là thị trường tích cực trong năm 2015. Từ vị trí là thị trường lớn thứ 3 về nhập tôm Việt Nam trong khối EU năm 2014, Anh vươn lên thứ 2 từ đầu 2015. Bắt đầu từ tháng 8/2015, Anh vượt qua Đức trở thành thị trường dẫn đầu khối về nhập tôm từ Việt Nam.
Tháng 05/2016, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Anh đã có dấu hiệu giảm
Tuy nhiên, tính tới tháng 05/2016, Anh đã phải nhường lại vị trí này cho Đức khi giá trị tôm xuất sang quốc gia này 5 tháng đạt trên 46 triệu USD.
Với thị trường Anh, tháng 05/2016, tôm xuất khẩu sang nước này đã có dấu hiệu giảm, chỉ đạt 6,8 triệu USD, giảm 27,7% so với tháng cùng kỳ 2015. Trên thị trường Anh, Việt Nam phải cạnh tranh với Ấn Độ, chủ yếu về giá. Trong vài năm gần đây, Ấn Độ đã tăng thị phần tại các thị trường thuộc EU, đặc biệt là Anh.
Theo VASEP, ngày 23/06 vừa qua, việc người dân Anh bỏ phiếu đồng ý rời EU đã có tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này, Brexit chưa ảnh hưởng nhiều, vì Anh phải mất 2 năm nữa để hoàn tất các thủ tục rút lui khỏi khối. Trong khoảng thời gian này, Anh vẫn được đảm bảo các nghĩa vụ và quyền lợi trong khối như bình thường. Hơn nữa, dù Anh tách khỏi EU, thì các hệ thống tiêu chuẩn của họ vẫn tương đồng với khu vực này.
Anh là thị trường lớn trong khu vực EU đối với thủy sản Việt Nam, nhưng đây không phải là thị trường mang tính cửa ngõ, như: Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ…, mà là thị trường tiêu thụ. Hầu hết các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sang Anh đều được bán tới tay người tiêu dùng. Vì thế, dù Anh có rời EU hay không thì việc mua bán thủy sản giữa nhà nhập khẩu Anh với doanh nghiệp Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.
Tuy vậy, cũng có một chút lo ngại là khi Anh rời khỏi EU, thủy sản Việt Nam sang nước này sẽ không còn được hưởng những điều kiện ưu đãi về thuế như trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU khi hiệp định này chính thức được các thành viên EU thông qua. Sự kiện này cũng khiến đồng USD tăng giá, EUR và bảng Anh giảm giá, điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh về giá của thủy sản Việt Nam xuất sang Anh. Dự kiến tôm Việt Nam sang Anh trong tháng 06/2016 giảm nhẹ do biến động tỷ giá./.
Trong giai đoạn 2008-2015, tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam vào Anh đạt gần 17%/năm và đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015. Con số này tương đương với 15% giá trị xuất khẩu chiều từ Việt Nam tới EU. Đáng lưu ý, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Anh đều là các mặt hàng chủ lực đang đưa ra thế giới, như: thủy sản, nông sản, dệt may, điện thoại và linh kiện các loại... |
Bình luận