Bộ KHĐT từng cảnh báo về môi trường khi lập dự án Formosa
Không đánh đổi đầu tư bằng mọi giá
Tại buổi họp công bố kết quả nguyên nhân cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vào ngày 30/6, trả lời câu hỏi tại sao Formosa đã có rất nhiều tiền án gây ra với môi trường tại các nước khác mà vẫn lọt vào Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết Dự án này đã được thẩm định đúng quy trình thời điểm đó. Cụ thể là tuân thủ theo Nghị định 108 hướng dẫn chi tiết về thực hiện Luật Đầu tư năm 2005.
Theo quy định đó, thời điểm đó, chúng ta đã phân cấp cho UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan của Trung ương có vai trò đóng góp ý kiến thẩm định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh hỏi về dự án này và theo chức năng nhiệm vụ, Bộ đã có văn bản số 3871 ngày 29/5/2008 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh góp ý về nhiều nội dung.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông trích đúng nguyên văn của văn bản góp ý về phần môi trường như sau: “Phần đánh giá tác động môi trường của dự án còn sơ sài, chưa đề cập đến các yếu tố như nguồn gây tác động, đối tượng và quy mô bị tác động, đánh giá các tác động, biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa sự cố môi trường. Đề nghị nhà đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nhà nước xem xét phê duyệt theo quy định hiện hành”.
Vậy là có thể khẳng định rằng ngay thời điểm đóng góp ý kiến thẩm định cho UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cảnh báo.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng khẳng định sau sự cố này, chính sách đầu tư của Chính phủ Việt Nam vẫn nhất quán và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, đúng các cam kết của chúng ta đưa ra với cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách thu hút quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam gần đây nhất được thể hiện tại Nghị quyết số 103 của Chính phủ ngày 29/8/2013. Đây là nghị quyết được đưa ra sau hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và nghị quyết này đã đưa ra một số định hướng, trong đó định hướng chủ chốt là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đây là định hướng rất quan trọng trong Nghị quyết số 103 của Chính phủ.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định định hướng thu hút của Chính phủ là không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài. Sự cố của Formosa xảy ra là điều đáng tiếc và các cơ quan của Nhà nước, của Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm, coi đây là một bài học để rà soát theo từng chức năng nhiệm vụ của mình để bảo đảm việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Toàn cảnh buổi họp báo công bố nguyên nhân cá chết ở miền Trung
Điều tra khách quan khiến Formosa phải thừa nhận
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc điều tra sự cố môi trường nghiêm trọng này được chia ra làm 2 nhóm triển khai: Nhóm 1 xác định nguyên nhân, hình dung giải thích cái gì đang diễn ra trên biển 4 tỉnh miền Trung, tìm ra cơ chế gì đang gây ra hiện tượng hải sản và sinh vật chết hàng loạt? Điều này rất khó, phức tạp; Nhóm 2 xác định nguồn gây ô nhiễm. Hai nhóm độc lập nhưng có quan hệ biện chứng, có mối liên hệ chặt chẽ.
Riêng ở nhóm 1, các cơ quan chức năng đã tập trung 100 nhà khoa học trong và ngoài nước, trong nhiều lĩnh vực để tiến hành tìm nguyên nhân. Đồng thời thực hiện nhiều hoạt động khác nhau xác định từ các hình ảnh vệ tinh bắt đầu diễn biến sự việc, hồi tố lại các sự việc từ trước khi phát hiện ra ô nhiễm. Nhiều cán bộ khoa học căn cứ cả những hình ảnh vệ tinh, xuống biển tìm theo các dấu vết ô nhiễm để xác định bản chất vấn đề là gì…
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như Phenol, Cyanua, kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỉ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy. Bản thân các hợp chất đó có nhu cầu hút ôxy, nên đi đến đâu trên biển thì lấy ôxy đến đó, góp phần tạo độc tố gây ra cá chết. Toàn bộ sự việc này diễn ra vẫn còn dấu vết. |
Các nhà khoa học rất thận trọng, phân tích hàng nghìn thí nghiệm khác nhau và có đối chứng, kiểm chứng để bảo đảm tính pháp lý khi giải quyết. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là làm phải đúng theo trình tự khoa học nên Bộ cũng đã tổ chức Hội đồng khoa học nhà nước đánh giá, lấy ý kiến các nhà khoa học thế giới phản biện độc lập, khi có đầy đủ chứng cứ, kết quả chính xác mới tổ chức công bố.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay đã rà soát hàng trăm cơ sở có nguồn thải ra khu vực biển miền Trung, tập trung vào 3 đối tượng như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, các khu công nghiệp Hà Tĩnh. Quá trình kiểm tra đã hồi tố, thực hiện các phương pháp kiểm toán chất thải, kiểm toán năng lượng, phát hiện ra nhiều sai sót.
Qua kiểm toán năng lượng đã thấy hàng loạt vấn đề quản lý thử nghiệm vận hành lỏng lẻo, thiết kế và vận hành hệ thống xử lý nước thải đầu ra không bảo đảm yêu cầu, từ đó chúng tôi xác định chỉ lò luyện cốc phát thải phenol và cyanua. Đến bây giờ có thể nói đã có bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư chấp nhận nguồn thải từ lò luyện cốc Formosa. Nhà đầu tư này phải thừa nhận quá trình vận hành thử nghiệm của mình đã dẫn đến nước thải từ Công ty xả ra biển có chứa các độc tố Phenol, Cyanua, Hydroxit Sắt vượt quá mức cho phép.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà một lần nữa khẳng định đã làm đầy đủ, bảo đảm tính khoa học, bảo đảm tính pháp lý. Chính vì vậy, Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh, các nhà khoa học của Formosa Hà Tĩnh, các luật sư của Formosa Hà Tĩnh đều đã thừa nhận kết luận của chúng ta.
Nhiều lỗ hổng giám sát môi trường
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, theo Quy chuẩn quốc gia truyền thống thì có 2 quy chuẩn: Quy chuẩn 40 đối với nước thải công nghiệp; Còn Quy chuẩn 52 kiểm soát nước thải đối với ngành công nghiệp gang thép. Trên thực tế Quy chuẩn 40 có kiểm soát nhiều thông số hơn, còn Quy chuẩn 52 ở mức chỉ kiểm soát 12 thông số, tức là yêu cầu thấp hơn một chút, một số thông số như sắt… là chưa kiểm soát.
Về việc có khởi tố vụ án để điều tra vụ án hình sự hay không? Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, Việt Nam đang xây dựng một môi trường đầu tư để tạo hình ảnh. Việt Nam cũng có câu “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại”. Việc nhận lỗi của Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh cũng đã thể hiện thái độ trước việc vi phạm trên. Cho nên việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì đây là việc Chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc. Nếu như nhà đầu tư nhận lỗi trước nhân dân Việt Nam thì cũng mong rằng nhân dân Việt Nam có thái độ độ lượng và khoan hồng, thể hiện tấm lòng cao thượng của người dân Việt Nam. |
Đối với Dự án Formosa được áp dụng Quy chuẩn 52. Dự án này được cấp phép nguồn nước thải bao gồm các nguồn: Nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải từ cảng, nước thải từ sinh hóa, từ các xử lý luyện cốc xuống. Việc đưa ra Quy chuẩn 52 là tiêu chuẩn đối với ngành công nghiệp gang thép kiểm soát 12 thông số.
Như vậy có thể nói, về mặt quy chuẩn, ngay từ đầu ta chưa tiên lượng được đối với ngành công nghiệp gang thép với lượng nước thải lớn, cần phải tính toán xây dựng như thế nào cho hợp lý và phải bao quát được các thông số. Trong lượng nước thải ra, bao gồm cả nước thải từ cảng, dầu mỡ... thì Quy chuẩn 52 không thể bao quát được. Như vậy phải áp dụng cả Quy chuẩn 40 và 52 mới đúng.
Ở đây có một mặt hạn chế về Quy chuẩn 52, mặt khác là cách áp dụng có thể nói là chưa sát với tình hình và ta chưa tiên lượng được các nguồn thải của Formosa. Đây là một vấn đề.
Vấn đề thứ hai, về việc giám sát, trên thực tế giai đoạn vận hành, nguồn ta giám sát chặt chẽ nhất là nguồn nước thải sinh hóa từ sản xuất cốc. Nguồn đó bao gồm: cyanua, phenol và các kim loại nặng và nguồn này cần có hệ thống giám sát đạt tiêu chuẩn của Quy chuẩn 52 trước khi thải vào hệ thống chung. Nhưng trên thực tế mới trên giai đoạn thử nên ở khâu vận hành, chưa có cơ quan nào vào giám sát khi hệ thống vận hành. Khi họ nói hệ thống đã vận hành ổn định thì cơ quan Nhà nước mới đến. Đây chính là lỗ hổng về mặt pháp luật trong quá trình thẩm định giai đoạn vận hành nên ta đã không kiểm soát được ngay từ đầu các chất nguy hiểm. Nguồn từ các trạm xử lý nước thải sinh hóa phải đáp ứng Quy chuẩn 52 thì mới được đưa vào nguồn nước thải chung.
Về hệ thống giám sát tự động, trên thực tế cũng chưa có cơ quan nào đến để thẩm định, đánh giá và hệ thống này chỉ quan trắc được 6 thông số còn các nguyên tố đặc biệt như: phenol, cyanua và sắt không quan trắc được. Đây là các vấn đề trong quá trình thử nghiệm đã tồn tại và pháp luật rõ ràng là có lỗ hổng nên không có sự giám sát của Trung ương và địa phương trong quá trình lắp đặt và quá trình thử nghiệm. /.
Bình luận