Từ khóa: thu hút, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Hà Tĩnh

Summary

Attracting foreign direct investment (FDI) into a locality plays an important role in the development of that locality. Attracting FDI needs to clearly define the attraction target in order to have appropriate attraction strategies. The article analyzes the current situation of FDI attraction in Ha Tinh province in recent years. On that basis, proposing some relevant solutions on FDI attraction to realize the socio-economic goals of this locality.

Key words: attraction, foreign direct investment, Ha Tinh province

GIỚI THIỆU

Tỉnh Hà Tĩnh trong những năm qua đã và đang xây dựng địa phương trở nên hấp dẫn đối với thu hút FDI. Tuy nhiên, thu hút FDI vào Tỉnh về thực tế vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: chưa có những tiềm năng, lợi thế nổi bật; hỗ trợ sau cấp chứng nhận đầu tư còn hạn chế; việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư chậm... do vậy, việc thu hút FDI chưa đúng mục tiêu và chưa đạt hiệu quả tối ưu.

THỰC TRẠNG

Kết quả đạt được

Về số lượng dự án

Theo Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, năm 2021-2022, Hà Tĩnh đã thu hút được 2 dự án FDI với quy mô lớn, tổng số vốn đăng ký hơn 2.400 triệu USD. Tính đến năm 2022 , toàn Tỉnh có trên 70 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 16 tỷ USD; là tỉnh đứng thứ 9 cả nước về thu hút FDI. Các nhà đầu tư nước ngoài đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư vào Tỉnh, như: Công ty China Conch Venture Holdings Limited đầu tư dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại thị xã Hồng Lĩnh; Công ty Silavon SSP GmbH - Cộng hòa Liên bang Đức đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thép không gỉ tại Khu kinh tế Vũng Áng (khoảng 1 tỷ USD); Công ty Điện khí Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) và Công ty Samsung C&T (Tập đoàn Samsung Hàn Quốc) đề xuất đầu tư Nhà máy điện khí tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng với tổng mức đầu tư khoảng 1,5-1,8 tỷ USD; Công ty One Energy Asia Limited (thành lập tại Cayman Island, văn phòng đại diện tại Hồng Kông) và Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng 2 với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD; Công ty Cổ phần giải pháp năng lượng VINES đầu tư dự án sản xuất và thương mại công nghệ pin LITHIUM với tổng mức đầu tư 275 triệu USD...

Về số vốn đầu tư

Bảng 1: Tổng hợp thu hút các dự án FDI theo tổng vốn

Giai đoạn 2001-2014

Giai đoạn 2015-2022

Số dự án

Tổng vốn (Nghìn USD)

Số dự án

Tổng vốn (Nghìn USD)

Đăng ký

Thực hiện

Đăng ký

Thực hiện

38

13.270.063,602

12.397.576,94

41

2.934.475,534

545.182,144

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh

Số liệu ở Bảng 1 cho thấy, giai đoạn 2015-2022, Tỉnh thu hút được 41 dự án FDI với số vốn đăng ký 2.974.475,537 nghìn USD, trong đó năm 2021 là năm thu hút được 1 dự án với lượng vốn đăng ký lớn nhất trong giai đoạn trên đạt 2.187.000 nghìn USD. So sánh với giai đoạn trước đó (giai đoạn 2001-2014) có thể thấy, các tập đoàn kinh tế của nước ngoài đã và đang đầu tư vào Hà Tĩnh, trong đó dự án Khu công nghiệp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) là dự án FDI lớn nhất cả nước với số vốn đăng ký 7.989,00 triệu USD giai đoạn 2010 trở về trước, giai đoạn 2011-2016 đăng ký tăng thêm 2.559,00 triệu USD và thực hiện 8.898,91 triệu USD. Giai đoạn 2001-2014, tỷ lệ giải ngân cũng rất cao (trên 90%) cũng là do dự án lớn vốn lớn này, nhưng giải ngân với tốc độ rất nhanh.

Về nhà đầu tư

Giai đoạn 2015-2022, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 7 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Hà Tĩnh, bao gồm: Đài Loan, Hàn Quốc, Brunei, Trung Quốc, Singarpore, Đức, Mỹ (Bảng 2).

Bảng 2: Tổng hợp thu hút các dự án FDI theo nhà đầu tư

TT

Tên nhà đầu tư

Số dự án

Số vốn đăng ký

(Nghìn USD)

Số vốn thực hiện

(Nghìn USD)

1

Singarpore

4

145.575,653

52.597,530

2

Hàn Quốc

4

65.449,398

26.179,759

3

Đài Loan

23

240.767,762

88.775,033

4

Brunei

1

8.657,800

3.636,276

5

Trung Quốc

6

2.194.461,470

331.034,589

6

Đức

1

2.100,000

829,500

7

Mỹ

2

277.463,451

42.129,457

Tổng

41

2.934.475,534

545.182,144

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh

Bảng 2 cho thấy, giai đoạn 2015-2022 các nhà đầu tư chủ yếu là các nhà đầu tư Đài Loan, với 23 dự án tương đương vốn đăng ký 240.767,762 nghìn USD. Tuy nhiên, theo số vốn đăng ký, thì nhà đầu tư Trung Quốc có số vốn lớn nhất do năm 2021 thu hút được dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng 2 với số vốn đăng ký là 2.187.000 nghìn USD. Ngoài ra, các nhà đầu tư Mỹ, Singapore, Hàn Quốc cũng là những nhà đầu tư tiềm năng theo số vốn đăng ký.

Về địa bàn đầu tư

Bảng 3: Tổng hợp thu hút các dự án FDI theo địa bàn giai đoạn 2015-2022

TT

Tên huyện/thị

Số dự án

Số vốn đăng ký (Nghìn USD)

1

TP. Hà Tĩnh

2

2.252,57

2

Huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh

34

2.864.511,014

3

Huyện Cẩm Xuyên

2

23.411,95

4

Thị xã Hồng Lĩnh

1

15.000

5

Huyện Hương Sơn

1

23.300

6

Huyện Đức Thọ

1

6.000

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh

Bảng 3 cho thấy, giai đoạn 2015-2022, FDI đều tập trung chủ yếu vào huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (34 dự án với tổng số vốn đăng ký là 2.864.511,014 nghìn USD), ngoài ra có 7 dự án phân rải rác ở TP. Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Đức Thọ, huyện Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh.

Về lĩnh vực/ngành nghề đầu tư

Trong giai đoạn 2015-2022, các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng là chủ yếu (Bảng 4). Mặt khác, các dự án nằm trong KKT Vũng Áng cũng chủ yếu là các dự án công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ phụ trợ cho dự án này. Các dự án liên quan đến nông nghiệp không có đăng ký trong giai đoạn này.

Bảng 4: Tổng hợp thu hút các dự án FDI theo lĩnh vực/ngành nghề giai đoạn 2015-2022

TT

Lĩnh vực/ngành nghề

Số dự án

Số vốn đăng ký

(Nghìn USD)

1

Công nghiệp - Xây dựng

22

2.352.257,950

2

Nông nghiệp

0

0

3

Thương mại - dịch vụ

19

582.217,583

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh

Một số hạn chế, khó khăn

Việc lựa chọn đầu tư chưa được đánh giá một cách kỹ lưỡng về kỹ thuật công nghệ, xử lý môi trường, dẫn đến để xảy ra một số sự cố đáng tiếc. Điển hình như vụ việc xảy ra vào đầu tháng 4/2016, Formosa đã xả thải ra biển miền Trung, gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến cá chết hàng loạt dọc bờ biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Kết quả thu hút vốn FDI đạt thấp so với tiềm năng phát triển và nhu cầu của Tỉnh. Có ít dự án lớn mang tính đột phá với công nghệ hiện đại để làm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Bên cạnh đó, ít thu hút được các dự án FDI vào những lĩnh vực đặc biệt ưu tiên và là thế mạnh của Tỉnh, như: nuôi trồng, chế biến nông sản, nuôi trồng chế biến thủy sản, du lịch sinh thái... Chưa thu hút được nhiều dự án chất lượng từ các nhà đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ.

Tính năng động trong chính sách thu hút FDI của Tỉnh chưa cao, hình ảnh địa phương trong thu hút FDI chưa rõ nét. Mức độ hỗ trợ đối với các nhà đầu tư còn hạn chế, thụ động, nhất là mức độ hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng và liên quan đến chính sách đất đai, cũng như hỗ trợ thực hiện dự án sau khi được cấp phép có tiến độ triển khai chậm… Hoạt động vận động xúc tiến đầu tư chưa thực sự hiệu quả cao.

Những quy định thủ tục hành chính còn thiếu tính đồng bộ, nhiều quy định về thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu về tính rõ ràng, minh bạch, nhất là các quy định về yêu cầu, điều kiện của thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ chế, chính sách về đất đai áp dụng đối với lĩnh vực FDI vẫn còn những vướng mắc nhất định, dẫn đến những bất hợp lý về cách tính giá đất, thời gian giao đất hay chính sách và chế độ đền bù tài sản trên đất. Các văn bản hướng dẫn đối vói các hoạt động kinh doanh, xuất - nhập khẩu thiếu sự cụ thể và chi tiết đã gây không ít khó khăn cho hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng FDI vào Hà Tĩnh trong giai đoạn tiếp theo, theo tác giả, Tỉnh cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, để thu hút đầu tư từ những nước phát triển theo mục tiêu thu hút các nhà đầu tư tiềm năng của Tỉnh, như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan…, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Hà Tĩnh cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh về tính công khai, minh bạch, ổn định thể chế và thực hiện chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.

Thứ hai, cần hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp trong Tỉnh nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý từ đó để tạo nền tảng thu hút FDI. Bởi lẽ, khi các doanh nghiệp trong Tỉnh nâng cao được năng lực thì các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.

Thứ ba, có chính sách rõ ràng và có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư chiến lược, công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong Tỉnh, có chuỗi sản xuất toàn cầu. Đồng thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm thanh tra, giám sát trong việc lựa chọn, xác định những lĩnh vực nào của các dự án FDI có nguy cơ hủy hoại môi trường, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội...

Thứ tư, tích cực hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh thu hút FDI, tập trung vào các vấn đề như: cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp FDI sau cấp phép đầu tư, tận dụng và khai thác phát triển tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để tạo điểm khác biệt thu hút FDI, nâng cao tính năng động của chính quyền cấp tỉnh trong thu hút FDI, thực hiện các chính sách thu hút tốt đặc biệt trong các chính sách về đất đai./.

ThS. Trần Nữ Hồng Dung - Trường Đại học Hà Tĩnh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 31, tháng 11/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh (2022), Báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

2. Nguyễn Phúc Thọ, Lương Xuân Chính, Vũ Thanh Hương (2013), Giáo trình quan hệ quốc tế, Nxb Nông nghiệp.

3. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 1363/QĐ-TTg, ngày 08/11/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh (2022), Tổng hợp dự án đầu tư từ 2001-2022.

5. UBND tỉnh Hà Tĩnh (2022), Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương 2021-2022.

6. UBND tỉnh Hà Tĩnh (2022), Chương trình xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh năm 2022.