Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 vừa kết thúc. Trong phiên chất vấn sáng 01/11/2018, đại biểu Nguyễn Việt Thắng nêu vấn đề Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quản lý ngoại hối trong hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc có vi hiến hay không?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định Thông tư 19 hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật, rằng Hiến pháp và Pháp lệnh Ngoại hốiquy định trên lãnh thổ Việt Nam thì sử dụng đồng Việt Nam nhưng Pháp lệnh Ngoại hối cũng cho phép sử dụng ngoại tệ trong một số giao dịch (Đó là giao dịch vãng lai và thương mại biên giới).

Dẫn chiếu lại các quy định của pháp luật, thì đúng là tại Điều 10, Pháp lệnh Ngoại hối quy định, trong giao dịch vãng lai (xuất nhập khẩu) thì người cư trú (trong đó có thương nhân và cư dân biên giới) được lựa chọn VND, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các đồng tiền khác. Đồng thời, tại Điều 26 quy định việc sử dụng đồng tiền của nước có chung đường biên giới thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết.

Vậy Hiệp định Thương mại Biên giới với Trung Quốc có quy định việc sử dụng tiền tệ thanh toán phù hợp với Hiến pháp và Pháp lệnh Ngoại hốihay không, khi sử dụng VND trên lãnh thổ Việt Nam, còn sử dụng ngoại tệ (CNY, ngoại tệ khác) và VND trong giao dịch vãng lai?

Điều 8 của Hiệp định Thương mại Biên giới với Trung quốc (năm 2016) quy định rằng, việc thanh toán trong thương mại biên giới sử dụng VND, CNY hay ngoại tệ, do thương nhân và cư dân thỏa thuận, nhưng việc sử dụng các đồng tiền này phải phù hợp với quy định của pháp luật mỗi nước.

Còn theo Pháp lệnh ngoại hối, Điều 26 nguyên văn như sau: “Việc sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Như vậy, Pháp lệnh Ngoại hối cho phép sử dụng đồng tiền theo điều ước quốc tế; Còn Hiệp định với Trung quốc yêu cầu tuân thủ pháp luật trong nước. Thông tư 19 không được miễn yêu cầu tuân thủ luật pháp trong nước, mà hiệu lực cao nhất là Hiến pháp.

Luật Điều ước Quốc tế (ban hành năm 2005 và sửa đổi bổ sung năm 2016) yêu cầu các điều ước quốc tế sau khi ký kết phải được Chính phủ phê duyệt hoặc Quốc hội phê chuẩn. Vậy NHNN ban hành Thông tư 19 trên cơ sở Hiệp định thương mại với Trung quốc đã được phê duyệt hay phê chuẩn chưa, ý kiến của các bộ ngành hay Quốc hội về Hiệp định như thế nào?

Nghị định 14/2018 hướng dẫn về thương mại biên giới (không chỉ riêng với Trung Quốc như Thông tư 19), tại Điều 16 quy định những chủ thể được tham gia mua bán ở chợ biên giới, trong đó bao gồm: “Thương nhân, cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại khu vực biên giới hoặc có giấy phép của cơ quan công an có thẩm quyền cho cư trú ở khu vực biên giới”. Tức là tất cả thương nhân Việt Nam đều được mua bán ở chợ biên giới, không hạn chế.

Còn Thông tư 19 quy định ,các thương nhân này được sử dụng CNY (Điều 3). Điều này có nghĩa là thương nhân trên khắp nước Việt Nam đều có thể mua bán ở chợ biên giới bằng CNY. Như vậy, Thông tư 19 cho phép sử dụng CNY trên khắp Việt nam, chứ không chỉ giới hạn ở biên giới.

Luật Quản lý Ngoại thương yêu cầu quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu biên giới đất liền phải thống nhất, đồng bộ (Điều 54.3).

Luật Biên giới Quốc gia và Nghị định số 140/2004 quy định, chỉ có cửa khẩu quốc gia, không phận loại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu phụ, lối mở.

Thế nhưng, Thông tư 19 cho phép thanh toán bằng CNY, VND tiền mặt đối với xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở với Trung quốc (Điều 5), còn thanh toán qua cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính thì không quy định.

Thông tư 19 còn cho phép thương nhân, cư dân biên giới Trung Quốc được mua ngoại tệ tại ngân hàng biên giới để chuyển về nước (Điều 7 và Điều 11), nhưng đối với thương nhân và cư dân biên giới Lào và Campuchia chưa có quy định này.

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì dự thảo Thông tư 19 phải được gửi lấy ý kiến công chúng, những đối tượng chịu ảnh hưởng. Nhưng, Ngân hàng Nhà nước chỉ lấy ý kiến các cơ quan liên quan, giải trình cho Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI, một cơ quan trên nguyên tắc phải đại diện đa số doanh nghiệp, chưa nhận đươc công văn của NHNN về dự thảo Thông tư 19.

Như vậy câu trả lời của Thống đốc đã thỏa đáng chưa? Liệu đã đủ căn cứ để Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật, Bộ Tư pháp đưa Thông tư 19 vào diện kiểm tra hay chưa? Liệu cơ quan này có thể khẳng định Thông tư 19 cho phép thanh toán nhân dân tệ ở biên giới Việt Trung là hoàn toàn tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt nam hay không?

Quốc hội đã kết thúc kỳ họp nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể tiếp tục xem xét câu trả lời chất vấn trên hội trường nói trên của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư 19 nên được đưa ra thảo luận, chất vấn chuyên đề do Lãnh đạo Quốc hội chủ trì với các Ủy ban Pháp luật, Kinh tế, An ninh Quốc phòng và Đối ngoại. Tham dự nên có đại diện của các bộ, ban, ngành tương ứng và đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp, bao gồm VCCI là những cơ quan đại diện cho các đối tượng bị ảnh hưởng của Thông tư này?/.