Ngày 31/3/2021, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) công bố Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2020: Ứng phó và vượt qua đại dịch Covid-19 hướng tới phục hồi và phát triển. Báo cáo nêu rõ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% là rất khó khăn!

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% là rất khó khăn do đại dịch COVID-19

COVID-19 khiến mục tiêu tăng trưởng 2021 trở nên khó khăn

So với các nước trong khu vực, kế hoạch và dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 khả quan hơn. Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cho cả năm 2021 là 6,5%.

Các dự báo của các tổ chức quốc tế (như IMF, WB) đối với mức tăng trưởng của Việt Nam thậm chí còn cao hơn (IMF dự báo tăng trưởng 6,7% và WB dự báo tăng trưởng 6,8%).

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo thận trọng hơn với mức tăng trưởng 6,3%. Lạm phát được Chính phủ đặt mục tiêu và các tổ chức quốc tế dự báo ở mức dưới 4% trong năm 2021.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của NEU cũng chỉ rõ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% theo kế hoạch của Chính phủ là rất khó khăn trong bối cảnh diễn biến của đại dịch COVID-19 còn rất khó lường.

Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2021, dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn tại Việt Nam, nhiều địa phương trong giai đoạn giãn cách, các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn chưa thể trở về trạng thái bình thường.

Động lực tăng trưởng kinh tế 2021 là gì?

Theo các chuyên gia của NEU, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn tiếp tục đến từ khu vực kinh tế đối ngoại. Sản xuất và xuất khẩu của khu vực FDI đóng vai trò quan trọng đến tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn và các ngành dịch vụ khó có cơ hội tăng trưởng cao do đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, NEU cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế đối ngoại cũng còn phụ thuộc nhiều vào cú sốc từ bên ngoài và khả năng hồi phục còn bất định của kinh tế thế giới.

“Đầu tư công cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng 2021, bù đắp cho đầu tư khu vực ngoài Nhà nước khó khăn do đại dịch, đảm bảo tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư trong nhiều năm qua. Tuy vậy, dư địa tài khóa không còn nhiều, nên khả năng mở rộng mạnh mẽ đầu tư công để tăng trưởng sẽ khó có thể kéo dài”, báo cáo nêu rõ.

Các chuyên gia của NEU cũng nhận định, lạm phát năm 2021 sẽ đạt được mục tiêu dưới 4%, do thu nhập và theo đó nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng còn khó khăn; trong khi đó, giá dầu và các hàng hóa cơ bản trên thế giới dự báo có mức tăng thấp; ổn định giá trị VND so với USD cũng giúp hạn chế được lạm phát nhập khẩu.

Tuy nhiên, mức lạm phát có thể cao hơn năm 2020 do một số nguyên nhân như: (i) sự lên giá của bất động sản và chứng khoán trong năm 2020 làm tăng tài sản của những nhà đầu tư, đồng thời các dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021, theo đó gia tăng nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn so với năm 2020, lan tỏa đến tăng giá cả tiêu dùng; (ii) lộ trình tăng giá các mặt hàng quản lý của Nhà nước có thể sẽ tiếp tục trong năm 2021 sau khi bị trì hoãn trong năm 2020.

Báo cáo của NEU cũng chỉ rõ, thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là khả năng chống chịu của nền kinh tế sẽ như thế nào nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới, mà sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Các chuyên gia của NEU nhận định, quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm.

Theo đó, thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

9 khuyến nghị chính sách vượt qua đại dịch COVID-19

Trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế năm 2020, nhóm chuyên gia đề xuất 9 nhóm giải pháp chính sách vượt qua đại dịch COVID-19.

Trước tiên, ở cấp độ định hướng vĩ mô, Việt Nam có rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa. Do vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Đồng thời, chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết.

“Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức; tiếp đến, là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng”, các chuyên gia của NEU đề xuất.

Thứ hai, các chính sách hỗ trợ lợi nhuận hoặc hàng hóa xa xỉ là chưa phù hợp cần được thiết kế lại. Đối với khu vực doanh nghiệp, nếu nguồn lực tài chính cho phép, để hỗ trợ đúng đối tượng và thiết thực hơn, các chính sách nên được thiết kế lại hướng vào hỗ trợ chi phí thay vì lợi nhuận.

Thứ ba, các chính sách hỗ trợ thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí hiện đang được thực hiện một cách dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây lãng phí ngân sách. Do vậy, các chuyên gia của NEU đề xuất, Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch.

Thứ tư, các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được xếp thứ tự ưu tiên hàng đầu. Dịch COVID-19 còn có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào; do vậy, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì.

“Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ, Chính phủ cần có những đánh giá kịp thời việc thực hiện chính sách để phát hiện những bất cập, từ đó kịp thời điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ cũng như cách thức thực hiện các chính sách hỗ trợ này”, báo cáo nêu rõ.

Đặc biệt, đối tượng thụ hưởng nên được mở rộng và chú trọng tới nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động thuộc khu vực phi chính thức.

Trong dài hạn, Việt Nam nên xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật hàng năm các thông tin về người lao động để các gói hỗ trợ tương tự trong tương lai (nếu có) sẽ được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, và ít tốn kém nguồn lực.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của NEU cũng đề xuất, Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong việc đào tạo kỹ năng cho người lao động trong thời gian giãn việc, nghỉ việc. Đồng thời, người lao động, dù tạm thời chưa có việc làm, nên được phép tiếp tục duy trì tham gia BHXH, từ đó được bảo đảm các quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thứ năm, để tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Nhóm nghiên cứu đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục cập nhật, tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch để điều chuyển cho các dự án quan trọng; cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương và các dự án khẩn cấp khác.

Thứ sáu, liên quan đến các công cụ của chính sách tiền tệ, trong thời kỳ đại dịch, công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung thường là ít hiệu quả trong việc kích thích tổng cầu. Trong thời gian tới, các nỗ lực chính sách nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động.

Số doanh nghiệp tiếp cận và được hỗ trợ tiền tệ còn hạn chế so với mục tiêu đặt ra, có không ít doanh nghiệp phàn nàn, đánh giá thấp về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ. Do vậy, “các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch và các rào cản không cần thiết cần được rà soát gỡ bỏ”, báo cáo chỉ rõ.

Thứ bảy, tương tự như các gói hỗ trợ tín dụng khác, chính sách giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của COVID-19 cũng cần được rà soát và điều chỉnh để các doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn.

Ngoài ra, Ngân hang Nhà nước cũng cần giám sát chặt chẽ dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, phi sản xuất để đảm bảo cơ cấu tín dụng lành mạnh và an toàn hệ thống trong tương lai.

Thứ tám, liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, mặc dù đã đạt được một số kết quả ban đầu nhưng còn nhiều khó khăn liên quan đến việc thu hồi nợ. Khi thời hạn cơ cấu lại nợ hết hiệu lực, rất có thể nhiều khoản nợ xấu sẽ bộc lộ.

“Do vậy, các ngân hàng cần chủ động đánh giá đầy đủ về những rủi ro có thể phát sinh từ các khoản nợ đã được cơ cấu lại, trích lập dự phòng đầy đủ nếu cần thiết”, nhóm nghiên cứu đề xuất.

Thứ chín, mặc dù không phải là chính sách ưu tiên và không được thiết kế riêng để giảm thiểu tác động của COVID-19, nhưng để đảm bảo đời sống cho người dân và tính công bằng thì về lâu dài việc thiết kế lại hệ thống thuế thu nhập cá nhân là cần thiết.

Bởi lẽ, theo nhóm nghiên cứu, hệ thống thuế thu nhập cá nhân hiện tại được thiết kế từ nhiều năm trước với biểu thuế quá dày, mức thu nhập khởi điểm chịu thuế rất thấp, điều kiện để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp với diễn biến của nền kinh tế hiện tại.

Trong quá trình thực thi chính sách, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Chính phủ cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Ngoài ra, “Chính phủ cũng cần lưu ý một số rủi ro sau: (i) rủi ro thể chế làm chậm tiến độ kích thích tiêu dùng và đầu tư; (ii) rủi ro tham nhũng và sợ trách nhiệm làm giảm hiệu lực và hiệu quả của gói kích thích kinh tế; (iii) rủi ro chệch mục tiêu, không hướng vào đúng và trúng đối tượng cần được nhận hỗ trợ”, nhóm nghiên cứu của NEU cũng cảnh báo./.