Nhập siêu chưa phải là vấn đề quá lo lắng đối với một nền kinh tế được cho là gia công để xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế như Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn gốc của nhập siêu nước ta là do cấu trúc kinh tế lệch lạc, quá chú trọng vào công nghiệp chế biến - nơi mà hầu hết là gia công, lắp ráp.

Nhập siêu tăng cao có đáng lo ngại?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2015, nhập siêu cả nước đạt 3,75 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu, gần sát mục tiêu 5% cho cả năm nay. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 6,07 tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 9,83 tỷ USD, tăng 44% (3 tỷ USD) so với mức 6,8 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014 với một số nhóm hàng nhập khẩu tăng cao như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 686 triệu USD; sắt thép các loại tăng 571 triệu USD; vải các loại tăng 113 triệu USD…

Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân nhập siêu cao chủ yếu là do nhu cầu đầu tư hạ tầng nhiều công trình, nhu cầu sản xuất nên máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đang tăng khá. Trả lời phỏng vấn Báo Hải quan, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nặng gia công nên nói nhập khẩu nhiều là sản xuất tích cực cũng không sai. Song, phần Việt Nam nhận được trong chuỗi giá trị của sản phẩm là rất thấp (chỉ là phần gia công).

Ngoài ra, năm 2015 cũng là năm nước ta ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng với các nước đối tác, cùng với đó là sự tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Do vậy, nhu cầu đầu tư để mở rộng sản xuất của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ tăng, khiến cho nhập khẩu tăng. Đây là yếu tố không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, điều lo ngại là trong tổng số nhập siêu của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn - điều mà không phải bây giờ mới được cảnh báo. Theo đó, riêng thị trường này nhập siêu đạt 16,7 tỷ USD, trong đó nhập nhiều nhất là: máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất...

Chuyên gia Bùi Trinh cũng nhận định, nhập siêu của Việt Nam là do cấu trúc kinh tế lệch lạc, quá chú trọng vào công nghiệp chế biến - nơi mà hầu hết là gia công, lắp ráp. Ngoài ra, việc nền kinh tế hầu như không có sản phẩm hỗ trợ nên nếu muốn sản xuất thì phải nhập nguyên vật liệu và máy móc thiết bị. Các sản phẩm mang mác nhãn Việt Nam nhưng cấu thành lên nó hầu hết từ nước ngoài, phần của Việt Nam chỉ là sức lao động kết tinh trong đó.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhập siêu tăng mạnh sau 3 năm liên tục xuất siêu đã phản ánh đúng “bệnh” của nền kinh tế, tức là chính sách điều hành chưa có những biện pháp xử lý căn cơ, khiến cán cân xuất - nhập khẩu lên xuống không chắc chắn.

Trong khi đó, xuất khẩu lại không tăng được ở mức tương xứng, cho thấy sự chuẩn bị của doanh nghiệp trong hội nhập rất kém, đã không tận dụng được cơ hội từ các hiệp định để xuất khẩu.

Đặc biệt là, nông, lâm, thủy sản, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay. Đây là nhân tố quan trọng khiến cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 9,3%, thấp hơn nhiều so với mức gần 15% của cùng kỳ năm ngoái.

Chính vì thế, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ tăng mạnh trở lại của nhập siêu, có thể đe dọa và tạo sức ép đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô ngày càng lớn.

Cần tìm giải pháp cân bằng

Nhập siêu được dự báo sẽ căng thẳng hơn trong nửa cuối năm, khi kinh tế tiếp tục phục hồi vững chắc hơn. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là 165 tỷ USD, 6 tháng cuối năm phải đạt từ 87,3 tỷ USD trở lên (bình quân 1 tháng phải đạt 14,55 tỷ USD), cao hơn mức 77,75 tỷ USD của 6 tháng đầu năm (bình quân 1 tháng đạt 12,95 tỷ USD). Đây là những áp lực rất lớn.

Bởi vậy, nhiệm vụ của nền kinh tế trong những tháng cuối năm và cả những năm tiếp theo là làm sao thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, giảm nhập siêu.

Vì vậy, trước mắt cần “giải cứu” xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Sau đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cũng tương tự.

Trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu dầu thô sẽ tăng lên, xuất khẩu cũng tăng trưởng mạnh hơn khi nhu cầu cuối năm tăng cao, những công trình đầu tư xây dựng lớn đi vào khởi động, nên mục tiêu kiểm soát nhập siêu 5% rất khó khăn.

Vì thế, bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng không thiết yếu, công tác đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả, hàng nhái cần tăng cường để thúc đẩy sản xuất trong nước.

Về lâu dài, đã đến lúc cần xây dựng hệ thống các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là việc tự chủ được khâu nguyên liệu ở các mặt hàng chính, như: dệt may, da giầy, máy móc thiết bị… Đặc biệt, cần tránh phụ thuộc vào một thị trường như Trung Quốc , thay bằng mở rộng nhập khẩu máy móc thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn từ: Mỹ, EU, Nhật Bản… để tận dụng các FTA đã và đang chuẩn bị ký kết, đặc biệt là TPP…

Ngoài ra, cần giải quyết khâu quản lý về đầu tư, nâng sức cạnh tranh và tái cơ cấu doanh nghiệp, cũng như ngăn chặn có hiệu quả hàng lậu, hàng giả. Đặc biệt, khi công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, thiếu hụt đầu vào cho sản xuất, một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu được đưa vào theo các dự án FDI, càng đòi hỏi các biện pháp kiểm soát phải hiệu quả hơn nữa./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baodautu.vn/ap-luc-xuat-khau-va-nhap-sieu-d29355.html

http://www.vietnamplus.vn/tang-truong-kinh-te-dang-phai-doi-mat-voi-3-thach-thuc-lon/329711.vnp