Tóm tắt

Trong thời gian qua, các chính sách bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU đã tạo ra sức ép và có những tác động đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở kết quả phân tích, tác giả đề xuất một số giải pháp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và Chính phủ nhằm thúc đẩy xuất khẩu, vượt qua các chính sách bảo hộ thương mại của các thị trường trọng điểm trong thời gian tới.

Từ khóa: xuất khẩu, bảo hộ thương mại, kim ngạch xuất khẩu, nhập siêu

Summary

In recent years, protectionism policies in export markets such as the United States, Japan, and the EU have created pressure and had significant impacts on Vietnam’s exports. On the basis of the analysis results, the author proposes a number of solutions for exporting enterprises and the Government to promote exports and overcome trade protectionism policies of key markets in the coming time.

Keywords: export, trade protectionism, export turnover, trade deficit

THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính từ năm 1986 đến năm 2011, Việt Nam là quốc gia nhập siêu kinh niên. Thậm chí, giai đoạn 2007-2011, nhập siêu của Việt Nam đều vượt 10 tỷ USD/năm. Đáng chú ý, năm 2008, Việt Nam nhập siêu kỷ lục tới gần 20 tỷ USD. Sau đó, Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu liên tục từ năm 2012 (trừ năm 2015). Đặc biệt, xuất siêu của Việt Nam năm sau tăng cao hơn năm trước, vượt xa mục tiêu Chiến lược đề ra là tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và phấn đấu xuất siêu từ năm 2021. Trong thời kỳ thực hiện Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2021, định hướng đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 72,24 tỷ USD năm 2010 lên 336,31 tỷ USD trong năm 2021. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gấp 4,7 lần sau 11 năm. Trung bình trong cả giai đoạn 2011-2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 187,14 tỷ USD/năm (Hình 1).

HÌNH 1: KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2010-2021

Đơn vị: Tỷ USD

Xuất khẩu của Việt Nam trước xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD, Việt Nam có 8 mặt hàng xuất khẩu top đầu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm tới 69,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng vượt bậc điển hình như: sắt thép các loại tăng 124,3%; xơ, sợi dệt các loại tăng 50,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 41%...

Xét về tốc độ tăng trưởng, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2010-2021 đạt trung bình 16,2%/năm. Giai đoạn 2012-2015, tăng tưởng xuất khẩu giảm hơn so với giai đoạn trước (Hình 2).

HÌNH 2: TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2010-2021

Đơn vị: %

Xuất khẩu của Việt Nam trước xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đến giai đoạn 2016-2017, tăng trưởng xuất khẩu tăng trở lại nhờ sự nỗ lực trong việc mở cửa thị trường, sự cải tiến trong công tác xúc tiến tiêu thụ hàng hóa và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Năm 2019 và 2021, do chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 nên tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm so với các năm trước. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 và 2020 đạt lần lượt là 8,58% và 6,36%. Tuy nhiên, đến năm 2021, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu hồi phục, đạt 19,5%.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 có dấu hiệu phục hồi trở lại nhờ vào việc các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu vừa chống dịch, vừa tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại ở cả thị trường xuất khẩu, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam so với năm trước đó.

Sang đến năm 2022, xuất khẩu tiếp tục đạt những kỷ lục mới với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 372 tỷ USD, tăng 10,6%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao; tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11,2 tỷ USD, gấp hơn 3,3 lần năm 2021, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo phân loại tiêu chuẩn thương mại quốc tế (SITC) liên tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tinh chế. Điều này tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Hàng nguyên liệu thô năm 1991 chiếm trên 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, đến năm 2015 giảm còn 34,8% và năm 2020 chỉ còn chưa đến 15%. Hàng chế biến và chế biến sâu (trong đó có hàng chế tạo) năm 1991 chỉ chiếm khoảng 8%, năm 2015 là 81,3% và năm 2020 lên tới 85,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhìn chung, tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều có kim ngạch xuất khẩu năm sau tăng hơn năm trước, đồng thời xuất hiện một số mặt hàng mới. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giữ được vị trí khá ổn định và có mức tăng cao, như: nông sản, hàng điện tử, điện thoại, hàng dệt may, giày dép... Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thị trường thế giới, như: gạo xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, hạt điều đứng thứ 2 thế giới, cà phê đứng thứ 4 thế giới.

Đến năm 2021, Việt Nam đã phát triển quan hệ thương mại với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại với tất cả các nước công nghiệp phát triển (G7), các khu vực kinh tế lớn và các định chế, thể chế kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ toàn cầu.

Hầu hết kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường, như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... đều tăng trưởng hai con số trở lên. Trong nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (Tổng cục Thống kê, 2022).

SỨC ÉP VÀ RỦI RO BẢO HỘ THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM

Cùng với việc tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, theo đó, các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh. Một mặt, điều này làm cho hàng xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh hơn trên nhiều thị trường. Mặt khác, điều này cũng gây áp lực cho các doanh nghiệp trong nước tại thị trường nhập khẩu, do đó buộc chính phủ các nước nhập khẩu phải sử dụng các công cụ chính sách để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước, trong đó có công cụ phòng vệ thương mại - là công cụ được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép.

Bên cạnh đó, tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình chính trị đang diễn ra phức tạp trên thế giới đã tác động đến các nền kinh tế trên thế giới, khiến nhiều quốc gia phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân, cắt giảm nhân lực. Điều đó đã khiến thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp buộc các quốc gia phải đẩy mạnh hơn nữa phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nội địa. Các quốc gia hiện có chủ trương phát triển ngành sản xuất nội địa hơn sau đại dịch, vì vậy việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước là điều cần thiết.

Ngoài ra, các nước thường có xu hướng kiện nhiều nước (các nước có thị phần xuất khẩu lớn vào nước điều tra, hoặc nước thứ ba bị nghi ngờ có sự chuyển tải hàng hóa nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại). Việt Nam đang là quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác, như: Trung Quốc, Ấn Độ... Đây là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại.

Với bối cảnh trên, những vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến tháng 11/2022, hàng hóa của Việt Nam đã phải gánh chịu 225 vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi vào thị trường châu Âu và Hoa Kỳ, trong đó, riêng Hoa Kỳ là 51 vụ, chiếm 23% (TQ, 2022). Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đến nay tập trung vào điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại với nước ta, như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc... Trong đó, đáng chú ý là các vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại chiếm đa số.

Tính đến hết tháng 11/2022, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, tổng cộng 51 vụ, chiếm gần 23% tổng số các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như: thép, gỗ, thủy sản, dệt may, lốp xe, đến các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu nhỏ như mật ong, máy cắt cỏ, đệm mút, túi dệt, bìa kẹp hồ sơ... Trong số 51 vụ việc nói trên, phần lớn là các vụ điều tra chống bán phá giá 21 vụ việc; chống lẩn tránh: 19 vụ việc; chống trợ cấp: 8 vụ việc; tự vệ: 2 vụ việc. Đáng chú ý thời gian gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam có xu hướng gia tăng. Tính từ khi Hoa Kỳ đã sửa đổi quy định pháp luật về điều tra chống lẩn tránh thuế (ban hành ngày 20/9/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11/2021), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra 10 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế với Việt Nam. Trong đó một số mặt hàng bị điều tra có kim ngạch xuất khẩu lớn trong thời kỳ điều tra như: pin năng lượng mặt trời (khoảng 1,4 tỷ USD); tủ gỗ (khoảng 2,7 tỷ USD) (TQ, 2022).

Theo tác giả, những khó khăn mà bảo hộ thương mại đang tác động lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như sau:

Thứ nhất, giá thành hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài bị đẩy lên cao và sức ép cạnh tranh thị phần với sản phẩm nội địa tăng. Trên thực tế, để bảo hộ sản phẩm trong nước và chống hành vi bán phá giá từ Việt Nam, hàng loạt quốc gia đã áp dụng hàng loạt thuế lên các mặt hàng của Việt Nam như thuế chống bán phá giá, thuế quan tự vệ, thuế chống trợ cấp.

Thứ hai, bảo hộ thương mại tăng cường siết chặt tiêu chuẩn kỹ thuật và hàng rào pháp lý là trở ngại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ ba, bảo hộ thương mại còn gây thiệt hại về kinh tế, uy tín của doanh nghiệp khi các cuộc điều tra về bảo hộ thương mại nổ ra. Các cuộc điều tra này thường kéo dài thậm chí đến vài năm, các doanh nghiệp phải hao tổn chi phí, thời gian để tham gia điều tra, vừa phải cân bằng và điều hòa doanh nghiệp tồn tại. Một khi một mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra, kéo theo hàng loạt mặt hàng khác cũng bị điều tra. Từ đó, làm giảm uy tín mà doanh nghiệp và quốc gia đã và đang xây dựng.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững, vượt qua các chính sách bảo hộ thương mại của các thị trường trọng điểm trong thời gian tới, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

Thứ nhất, xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg, ngày 01/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316), thông qua hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi thông tin, cập nhật số liệu nhằm đưa ra cảnh báo kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu có giải pháp phòng ngừa vụ việc.

Thứ hai, chủ động tiếp cận sớm với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra đối với doanh nghiệp.

Thứ ba, Bộ Công Thương cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan trực tiếp cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài để cơ quan điều tra nước ngoài hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên những cáo buộc thiếu khách quan và không chính xác. Bộ Công Thương cũng trực tiếp can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài khi phát hiện trong hoạt động điều tra có điểm chưa phù hợp với các quy định của WTO. Nếu dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO là rõ ràng và biện pháp phòng vệ thương mại được nước ngoài áp dụng gây bất lợi lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ có những tham mưu, đề xuất với Chính phủ để chính thức khiếu nại và đưa vấn đề ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về quy định pháp luật Việt Nam, quốc tế về phòng vệ thương mại và các cam kết của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nâng cao kiến thức, không bị động khi vụ việc xảy ra.

Thứ năm, thông qua hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công Thương cần thường xuyên cung cấp thông tin cơ bản về nhu cầu sản phẩm, xu hướng thị trường để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, từ đó có kế hoạch đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tránh xuất khẩu quá tập trung vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro bị điều tra, áp thuế.

Về phía các hiệp hội và các doanh nghiệp

- Nâng cao năng lực ứng phó phòng vệ thương mại. Trong bối cảnh các quy định về phòng vệ thương mại của các nước có xu hướng ngày càng khắt khe hơn, việc chủ động nâng cao năng lực ứng phó phòng vệ thương mại với hiệp hội và doanh nghiệp là cần thiết, để không chỉ chủ động ứng phó khi vụ việc xảy ra mà có thể xây dựng các lộ trình phát triển, xuất khẩu phù hợp, để giảm thiểu nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại trong tương lai.

- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan có liên quan. Việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các cơ quan liên quan khác đóng vai trò quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về các chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực phòng vệ thương mại; kịp thời trao đổi, cập nhật các thông tin về chính sách phòng vệ thương mại của các nước; phối hợp xây dựng các phương án ứng phó vụ việc hiệu quả.

- Các doanh nghiệp cần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm khi xuất khẩu. Trong bối cảnh các nước có xu hướng áp dụng các quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, thì giải pháp lâu dài, hữu hiệu nhất là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất trong nước. Việc nâng cao giá trị gia tăng cần được thực hiện theo cả chiều rộng và chiều sâu, như nâng cao năng lực khai thác, sản xuất nguyên liệu đầu vào, đồng thời hướng tới sản xuất các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao… Chỉ với định hướng này, thì các doanh nghiệp xuất khẩu có thể phát triển bền vững, giảm thiểu được nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh của các nước nhập khẩu./.

ThS. PHAN THU GIANG
Trường Đại học Thương mại
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 07 - Tháng 3/2023)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công Thương (2022), Tổng quan tình hình PVTM Việt Nam năm 2021, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021.

2. Quốc hội (2017), Luật Quản lý ngoại thương, số 05/2017/QH14, ngày 12/6/2017.

3. TQ (2022), Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi đối phó với biện pháp PVTM của EU và Hoa Kỳ, truy cập từ https://dangcongsan.vn/phong-ve-thuong-mai-va-canh-bao-som-doi-voi-hoat-dong-thuong-mai-cua-viet-nam/viet-nam-van-gap-kho-khan-khi-doi-pho-voi-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-cua-eu-va-hoa-ky-628320.html.

4. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1659/QĐ-TTg, ngày 02/10/2021 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

5. Tổng cục Thống kê (2010-2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các năm, từ năm 2010 đến năm 2022.