Năm 2016, mức thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ ở mức 1,6% GDP
Đó là nội dung chính của báo cáo kinh tế vĩ mô vừa được ngân hàng HSBC công bố gần đây.
Thâm hụt thương mại hàng hóa đã thấy rõ
Thâm hụt thương mại hàng hoá đã xấu hơn trong năm 2015, ở mức 4,6 tỷ USD trong tháng 11. Một mức thâm hụt nới rộng theo mùa trong tháng 12
có khả năng sẽ đẩy con số cả năm vượt mức 6 tỷ USD, tăng từ mức 0,6 tỷ USD trong năm 2014.
Tình trạng này xuất phát từ việc hoạt động nhập khẩu gia tăng chứ không phải là do xuất khẩu suy giảm. Gần đây, nhu cầu trong nước đã hồi phục mạnh phản ánh tình hình nền kinh tế vay nợ trở lại. Tăng trưởng tín dụng vẫn theo đúng kế hoạch đạt mức tăng 17% trong năm nay.
Cụ thể, sau khi hồi phục trở lại trong tháng 10, Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam lại một lần nữa rơi xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 11, cho thấy hoạt động sản xuất có sự sụt giảm nhẹ. Đà tăng khó có khả năng diễn ra trong thời gian gần.
Đơn đặt hàng xuất khẩu mới mặc dù vẫn cải thiện, nhưng vẫn nằm ở mức thấp của bốn tháng qua.
Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận đang bắt đầu chịu sức ép với nguyên nhân do nhu cầu yếu: giá đầu ra giảm nhanh hơn trong tháng 11, trong khi giảm giá đầu vào đã đỡ được phần nào.
Chỉ số phụ việc làm suy giảm trở lại cho thấy các nhà sản xuất đang ngày càng thận trọng hơn trong việc tăng thêm số lượng nhân viên.
Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu sẽ có khả năng chậm hơn nữa trong suốt quý I/2016, khi mà từ đầu năm đến nay đã giảm từ mức 8,5% trong tháng 10 xuống còn 8,3% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái và 13,4% trong năm 2014.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lực kéo chính xuất phát từ nhu cầu ở khu vực đồng tiền chung châu Âu thấp hơn (thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam), từ các nước ASEAN và Nhật Bản.
Xuất khẩu sang Mỹ - vẫn là điểm đến số một cho hàng hóa Việt – đã chậm lại so với năm 2014, nhưng vẫn giữ mức tăng mạnh 17,6%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc đã tăng 28,8% trong 11 tháng đầu năm 2015, phản ánh tình hình FDI vừa khởi động (trong năm 2015, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam).
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia HSBC, không nên quá bi quan về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.
Bởi, trong tháng 11, FDI đã thực hiện từ đầu năm đến nay đang theo đúng kế hoạch khi giữ mức cao kỷ lục 13 tỷ USD và có thể vượt qua ngưỡng 15 tỷ USD trong năm 2015.
Trong thời gian tới, các hoạt động đầu tư mới sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, ngay cả khi nhu cầu toàn cầu đang khó khăn. Dự báo xuất khẩu sẽ hồi phục đạt mức 13,1% trong năm 2016 so với cùng kỳ.
Những nỗ lực tự do hóa trương mại gần đây sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp tục nắm bắt thị phần thị trường toàn cầu, tăng thêm cơ hội cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của HSBC, tin tốt là một phần quan trọng của con số tăng 13,7% từ đầu năm đến nay của hoạt động nhập khẩu có liên quan đến nhu cầu nhập khẩu thiết bị cố định.
Nhập khẩu máy móc thiết bị vẫn duy trì mức tăng mạnh trong năm 2015 và vẫn đang trên đà phát triển gần mức tăng trưởng 25% của năm ngoái. Điều đáng lưu ý là hoạt động nhập khẩu máy móc đã thực sự đi song song với nguồn vốn FDI được thực hiện.
Song, xem xét kỹ về tài khoản thương mại, thì lại thấy nhập khẩu thiên về tiêu dùng cũng tăng.
Nhập khẩu xe hơi hoàn chỉnh đã tăng 96,7% so với năm ngoái, thêm khoảng 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng nhập khẩu từ đầu năm đến nay.
“Mối nghi ngại của chúng tôi rằng việc thâm hụt thương mại nới rộng không chỉ bởi vì nhu cầu cho các đầu vào dự án FDI nhiều hơn khi chúng ta nhìn vào khoảng cách khá lớn giữa cán cân thương mại của khối đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước”, các chuyên gia của HSBC nhận định.
Trong quá khứ, thâm hụt thương mại của các doanh nghiệp trong nước,
đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn nhà nước, đã mở rộng về hướng tiêu thụ tín dụng và đầu tư. Vay nợ trở lại cũng đang khiến cho thâm hụt tăng thêm.
“Mặc dù chưa ở mức báo động, tăng trưởng tín dụng vẫn đang thể hiện mạnh hơn trong năm 2015 thúc đẩy nhu cầu trong nước và đẩy mức tăng trưởng từ đầu năm đến quý III/2015 đạt 6,5% so với cùng kỳ, tăng so với mức 5,6% trong suốt thời điểm năm ngoái”, báo cáo nêu rõ.
Tiêu thụ đã đặc biệt mạnh, trong quý III/2015 tăng 9,1% tính từ đầu năm so với cùng kỳ.
Mức cải thiện của tín dụng, cùng với sự phấn khích hơn về những thay đổi trong quy định sở hữu nước ngoài của Việt Nam cũng đã châm ngòi cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chính Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Cho đến nay, tín dụng cho với lĩnh vực bất động sản hồi phục còn khá nhẹ, ở mức 14,6% tính từ đầu năm đến tháng 9 so với cùng kỳ và không giống với thời kỳ đầu cơ thái quá dẫn đến sự sụp đổ của thị trường bất động sản trong năm 2008 và lặp lại trong năm 2012.
Thực tế, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang rất tích cực hồi phục thị trường bất động sản, bởi vì giá nhà cửa phục hồi sẽ thúc đẩy giá trị ký quỹ của các ngân hàng và giúp lĩnh vực ngân hàng thoát khỏi vấn đề nợ xấu đang tồn tại.
Quý III/2016, tăng lãi suất thêm 0,5%
Các chuyên gia của HSBC dự báo, lạm phát sẽ tăng từ mức thấp kỷ lục 0,5% trong năm 2015 lên mức 4,8% vào cuối năm 2016.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng nhu cầu nội địa tăng dần sẽ dẫn tới áp lực lạm phát cao hơn trong năm 2016.
Nhờ vào giá cả hàng hóa toàn cầu thấp hơn, mức lạm phát toàn phần trung bình đang có vẻ tăng chậm lại ở mức thấp kỷ lục 0,5% trong năm 2015 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi năm 2014 là 4,1%.
Tuy nhiên, báo cáo CPI tháng 11 đã đưa ra một vài dấu hiệu thăm dò là lạm phát đang bắt đầu thoát khỏi mức đáy.
Cụ thể, sau khi đã rơi vào ngưỡng giảm phát nhẹ vào đầu thu vừa qua, lạm phát toàn phần đã tăng đạt 0,3% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào giá nhiên liệu và mức lạm phát cơ bản có sự phục hồi nhẹ ở mức 1,6% so với cùng kỳ từ mức 1,4%
Điều này chắc chắn không phải là nguyên nhân chính để đưa ra bất kỳ lời cảnh báo nào trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, với tăng trưởng mạnh có khả năng sẽ tiếp tục trong những quý tới, các chuyên gia cho rằng, lạm phát sẽ phục hồi ở mức 3,1% vào cuối nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ, một phần là nhờ những hiệu ứng cơ bản.
“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tăng lên mức 4,9% vào cuối năm 2016 so với cùng kỳ. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chuyển sang biện pháp quản lý thắt chặt vào năm sau và kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% nữa trong quý III/2016 đưa mức lãi suất thị trường mở lên 5,5%”, các chuyên gia nhân định.
Cùng với việc tăng các mức lãi suất trong quý III/2016, thì nguy cơ thắt chặt đang đến gần.
Kể từ năm 2011, Việt Nam đang có mức thặng dư tài khoản vãng lai khá thoải mái nhờ vào sự thay đổi mạnh trong cán cân thương mại hàng hóa và nguồn kiều hối ổn định.
Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa bị xói mòn đã dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng thu hẹp lại.
Đặc biệt, trong quý I/2015, cán cân tài khoản vãng lai đã rơi vào ngưỡng thâm hụt 1 tỷ USD, mức thâm hụt đầu tiên trong gần bốn năm qua. Công
bằng mà nói thì sự sụt giảm này mang tính thời vụ.
Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC cũng cho rằng, những mức thâm hụt này sẽ dần trở nên bình thường trong những quý.
Trong năm 2016, dự báo cán cân tài khoản vãng lai sẽ rơi vào ngưỡng thâm hụt tương đương khoảng 1,6% GDP từ mức thặng dư ước tính 0,2% trong năm 2015 và 5,1% trong năm 2014.
Về mặt vốn, HSBC kỳ vọng nguồn vốn FDI dồi dào sẽ tiếp tục hỗ trợ cán cân thanh toán chung của Việt Nam.
“Tuy nhiên, điều này có lẽ không đủ”, các chuyên gia lưu ý.
Bởi, cân bằng cán cân thương mại đang chịu áp lực bởi thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng mỏng và dòng vốn đổ ra ngoài nước ngắn hạn.
Trạng thái căng thẳng trên thị trường ngoại tệ cùng với sự thay đổi bất thường của đồng Nhân dân tệ trong tháng 8 đã tạo thêm áp lực đối với cán cân thanh toán.
Dữ liệu từ IMF cho thấy, nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã giảm 6,7 tỷ USD trong quý III/2015 còn 30,3 tỷ USD vào cuối tháng 9 vừa qua, tương ứng với 2,1 tháng nhập khẩu (trong khi đó vào tháng 6 là 2,6 tháng).
Việc thâm hụt tài khoản vãng lãi có thể trở lại trong năm 2016 có nghĩa rằng cán cân thanh toán có thể vẫn chịu nhiều áp lực trong năm 2016 và cả 2017. “Thách thức vĩ mô của Việt Nam bị giới hạn về thời gian, tuy nhiên, NHNN có thể chọn chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm sau để duy trì định hướng tăng trưởng bền vững”, báo cáo viết./.
Bình luận