Hải quân Việt Nam khẳng định chủ quyền trên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Hải quân Việt Nam khẳng định chủ quyền trên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Sự leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông

Những chủ trương, chính sách và những hành động nhằm tăng cường kiểm soát thực tế Biển Đông theo tinh thần xây dựng “cường quốc biển” của Trung Quốc đối với vùng biển này tiếp tục làm cho Biển Đông là một trong những vùng biển nóng nhất tại châu Á - Thái Bình Dương.

Những hành động mang tính quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là đối với Việt Nam và Philippines những năm đầu thập niên thứ hai thế kỷ XXI, cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một kịch bản “làm chủ thực tế tại Biển Đông”.

Trung Quốc cũng đang tìm cách chế ngự các nước láng giềng thông qua sự kết hợp giữa hợp tác và ép buộc. Chính sách của Trung Quốc là có thể đoán trước và rất nhất quán, nó là sự đan xen giữa trấn an và mở rộng ảnh hưởng.

Trung Quốc dứt khoát từ chối quốc tế hóa các tranh chấp tại Biển Đông thông qua các đàm phán đa phương. Bằng cách giải quyết song phương, Trung Quốc có thể chia rẽ và thuyết phục; các cơ chế đa phương có thể đặt Trung Quốc trong một vị thế yếu hơn.

Hiện tại, đối với Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách thời sự và rất khó khăn phức tạp. Năm 2013, 2014, tiếp tục là thời gian mà Việt Nam phải đối mặt với những sức ép từ bên ngoài liên quan đến chủ quyền biển đảo tại Biển Đông, đặc biệt là vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương -981 tại vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngày 9/10/2015, Bộ Giao thông Trung Quốc đã tổ chức lễ khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động hai ngọn hải đăng trên đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Đầu năm 2016, Trung Quốc một lần nữa đưa giàn khoan HD981 vào trong vùng chồng lấn trên Biển Đông.

Sau đó, vào giữa tháng 2/2016, sau khi đã xây dựng trái phép một căn cứ máy bay trực thăng tại đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai tên lửa tại quần đảo này, tiếp tục những hành động phi pháp của Trung Quốc ở những đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.

Và, hành động của Việt Nam

Trên thực tế, Việt Nam có đủ sức mạnh nội lực để thực hiện cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc trên đất liền, cũng như chủ quyền biển đảo tại Biển Đông. Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều giải pháp mang tính tổng hợp và trước mắt nhằm giải quyết những khó khăn hiện tại.

Đặc biệt, Việt Nam đã tập trung biện pháp thực thi “Luật Biển Việt Nam”, tăng cường cuộc đấu tranh pháp lý.

Năm 2012, Việt Nam ban hành Luật Biển Việt Nam. Bộ luật biển đầu tiên này của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.

Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo của Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của Việt Nam. Trong các nội dung của Luật Biển Việt Nam, nội dung quy định phạm vi các vùng biển Việt Nam thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, việc nhấn mạnh và quy định chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với các quần đảo, như: Hoàng Sa và Trường Sa là những nội dung rất quan trọng của Luật Biển Việt Nam, mà cả trong nước và quốc tế đều hết sức quan tâm

Cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước Việt Nam đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: “Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.

Ngoài việc ban hành và thực thi Luật Biển, Việt Nam còn ban hành và thực thi một số Nghị định khác nhằm khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông. Có ý nghĩa quan trọng là Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ban hành 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Theo đó, các nhóm hành vi vi phạm hành chính được quy định trong Nghị định này bao gồm: Vi phạm các quy định về quản lý vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; vi phạm các quy định về hàng hải ngoài vùng nước cảng biển; vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tập trung đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quốc tế xung quanh cuộc đấu tranh pháp lý về vấn đề Biển Đông.

Việt Nam đã tham dự Hội nghị lần thứ 23 các nước thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Luật Biển Việt Nam được giới thiệu chính thức tại Hội nghị và Việt Nam khẳng định các quy định của Luật này hoàn toàn phù hợp với các quy định được nêu trong UNCLOS năm 1982(6).

Quan điểm của Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, tuân thủ DOC, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với quan điểm và lợi ích chung của các nước ASEAN đến nay đã được tất cả các nước ASEAN đồng tình, ủng hộ.

Trên thực tế, Việt Nam đã và đang nhận được sự nhất trí và sự ủng hộ về quan điểm giải quyết vấn đề an ninh, tranh chấp lãnh thổ và xung đột tại Biển Đông của nhiều nước, trong đó có các cường quốc như Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Với chiến lược toàn cầu, Hoa Kỳ đã tuyên bố trở lại châu Á- Thái Bình Dương, trong đó Hoa Kỳ đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam, trong đó có hợp tác quốc phòng.

Giống với Hoa Kỳ, Nga cũng đang thực hiện chiến lược trở lại châu Á. Việt Nam là nước có quan hệ tốt đẹp với Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Hiện tại các học giả Nga hoàn toàn ủng hộ lập trường giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam.

Các chuyến viếng thăm lẫn nhau thường xuyên của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định ý chí chính trị và lòng tin cùng sự ủng hộ lẫn nhau quan trọng.

Ấn Độ cũng là cường quốc châu Á có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Nước này luôn ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Giống như Nga, các công ty năng lượng Ấn Độ đang cùng với Việt Nam khai thác một số giếng dầu tại Biển Đông, mà không ngại sự phản ứng từ nước thứ ba. Ấn Độ có quan hệ tốt với Việt Nam trong hợp tác quân sự, giúp đào tạo các quân nhân vận hành tàu ngầm Kilo…

Quan hệ Nhật Bản –Việt Nam là một trong những mối quan hệ song phương thuận lợi trong số các mối quan hệ với các nước châu Á. Nhật Bản và Việt Nam cùng chung quan điểm giải quyết vấn đề biển, đảo theo cơ chế đa phương và dựa trên luật pháp quốc tế chung, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng hiện nay, những biện pháp đã và đang thực hiện của Việt Nam là hiệu quả và có được sự đồng tình cao của dư luận thế giới./.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2012). Luật Biển Việt Nam, số 18/2012/QH13, ngày 21/06/2012

2. TS. Đỗ Minh Cao, Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông (2014). Việt Nam và Biển Đông hiện trạng và khuynh hướng, truy cập từ vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=490