Năm tiếp theo sẽ kết thúc bằng số 7. Không riêng những người mê tín mới cảm thấy lo lắng vì con số này, bởi các số liệu thống kê nhắc nhở chúng ta rằng, đó có thể là năm của cuộc khủng khoảng tài chính tiếp theo.

Ngày chứng khoán sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử Phố Wall xảy ra năm 1987. Khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997. Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ Đại khủng hoảng bắt đầu năm 2007, với sự sụp đổ của các nhà băng Northern Rock tại Anh và New Century Financial tại Mỹ.

Thực tế, có những dấu hiệu cho thấy các cuộc khủng hoảng thường đến theo chu kỳ nhất định. Và hiện tại, một trong những “điều kiện cần” cho cuộc khủng hoảng tiếp theo dường như đã xuất hiện. Có thể “điểm danh” các yếu tố này như sau:

Các khoản nợ khổng lồ

Ngòi châm của đa số cuộc khủng hoảng tài chính là nợ, đang tăng lên nhanh. Theo số liệu của IMF, ở mức 225% GDP, nợ của toàn khu vực công và tư nhân (ngoài ngành tài chính) hiện ở mức cao nhất mọi thời đại. Nợ có thể giúp tăng trưởng nhưng cũng có thể biến con nợ trở nên mong manh dễ vỡ, khi họ liều mạng vay thêm dù không có khả năng trả nợ. Khi con nợ vỡ nợ, ngân hàng sẽ bị liên lụy rất nhiều, thậm chí đổ vỡ theo. Từ đó, hiệu ứng domino ập xuống hệ thống tài chính toàn cầu.

Nếu so với lần khủng hoảng gần nhất, các ngân hàng trên thế giới đã dần khỏe mạnh hơn. Thế nhưng, vẫn có trường hợp ngoại lệ. Ngân hàng lớn nhất ở Đức – Deutsche Bank, cổ phiếu giảm 62% so với mức đỉnh vào 2015 và CEO của ngân hàng vẫn chưa tìm ra được lối thoát. Đức từng phản đối kịch liệt với các gói cứu trợ cho các ngân hàng ở khu vực Nam Âu và tuyên bố không thay đổi quan điểm.

Cổ phiếu Deutsche Bank trượt dốc không phanh

Còn ở Italy, các khoản nợ xấu của ngân hàng đã chiếm đến 25% GDP. Tại Mỹ, giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất vẫn ở mức thấp một cách khó chịu. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ khó trả nợ bằng việc thanh lý tài sản nếu khủng hoảng nổ ra.

Và trong bối cảnh lãi suất siêu thấp như hiện nay, các ngân hàng cũng khó đứng vững. Lợi nhuận giảm đáng kể, không chỉ vì lãi suất cho vay quá thấp, mà còn do sự chênh lệch giữa lãi suất ngắn và dài hạn bị thu hẹp.

Tệ hại hơn khi các ngân hàng còn bị kìm hãm bởi luật lệ. Theo tiêu chuẩn mới từ Ủy ban giám sát ngân hàng Basel đã giới hạn chặt tỷ lệ đòn bẩy mà ngân hàng có thể dùng. Còn luật khác thì bắt các ngân hàng phải ghi nhận khoản lỗ ước tính nhanh hơn. Dù cho các quy định đó thực ra để đảm bảo an nguy cho hệ thống và ngăn chặn khủng hoảng, nhưng các ngân hàng khó chịu đựng lâu hơn nữa.

Nghiên cứu của IMF cũng cho thấy mức nợ toàn cầu, bao gồm cả các khoản nợ của các chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp phi tài chính đạt kỷ lục 152.000 tỷ USD trong năm 2015, mức cao hơn nhiều so với trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Về lý thuyết, để giảm các khoản nợ, các hộ gia đình sẽ cắt giảm tiêu dùng và các công ty sẽ cắt giảm đầu tư. Một khi các khoản nợ đã rút về mức độ chấp nhận, chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ phục hồi trở lại; các nền kinh tế sẽ tăng tốc. Tuy nhiên, theo Washington Post, điều này đã không xảy ra từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trái lại, nợ lại tiếp tục tăng. Trên cơ sở toàn thế giới, mức nợ 152.000 tỷ USD năm 2015 tăng so với 112.000 tỷ USD trong năm 2007, thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính và 67.000 tỷ USD trong năm 2002.

Các nền kinh tế trước khủng hoảng năm 2008 có mức tăng trưởng dựa vào số tiền vay nợ. Điều này không chỉ đúng với tình trạng bong bóng nhà ở tại Mỹ và châu Âu, mà còn đúng với việc ồ ạt đầu tư vào hàng tiêu dùng và các nhà máy. Tuy nhiên, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng dựa vào tiền đi vay nhiều khả năng sẽ gây thiệt hại cho cả người đi vay và người cho vay dẫn đến suy giảm kinh tế và dần dần rơi vào khủng hoảng.

Như vậy, theo IMF sẽ xảy ra “vòng lẩn quẩn”: nợ cao dẫn đến không khuyến khích cho vay dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng chậm sau đó làm cho con nợ càng khó khăn hơn để trả nợ.

Phá giá tiền tệ tại nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi

Phá giá tiền tệ mạnh và có ảnh hưởng lớn nhất tới khu vực và thế giới trong hai năm qua là Trung Quốc. Năm 2015, đồng Nhân dân tệ (CNY) của nước này đã phá giá tới 4,6% và tiếp tục mất thêm 6% vào năm 2016 (tính đến ngày 9/12/2016) mặc dù đã tham gia vào giỏ dự trữ tiền tệ quốc tế kể từ ngày 1/10/2016. Tiếp bước của Trung Quốc, một loạt các quốc gia Đông Nam Á phá giá tiền tệ mạnh trong năm 2015 như Malaysia (22,1%), Indonesia (10,9%), Thái Lan (9,3%), Việt Nam (4,7%), Philippines (4,5%). Năm 2016, thị trường tiền tệ châu Á có phần ổn định hơn, nhưng đồng PHD của Philippines vẫn mất giá thêm 6,1%, Malaysia là 3% (tính đến ngày 9/12/2016).

Tại châu Âu, đồng EUR mất tới 10,6% giá trị năm 2015 và cho tới ngày 9/12 mất thêm 2,2% nữa. Đồng Bảng Anh sau sự kiện Brexit đã chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất, mất tới 17,3% năm 2016 sau khi đã mất giá 4,2% năm 2015. Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia kinh tế và các tổ chức tài chính quốc tế, khi giá trị đồng nội tệ bị mất tới 10% thì được coi là khủng hoảng tiền tệ đã xẩy ra tại thị trường tiền tệ nước đó.

Khác với dấu hiệu của một số cuộc khủng hoảng trước là tăng trưởng bùng nổ, giá hàng hóa, tài sản tăng vọt trước khi khủng hoảng xảy ra, lần này, tăng trưởng kinh tế trì trệ, giá hàng hóa suy giảm mạnh, giá các thị trường tài sản bất ổn kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, những dấu hiệu được coi là cơ bản nhất như tăng trưởng tín dụng, nợ xấu, bất cân đối lớn của hệ thống các ngân hàng thương mại và tài chính quốc gia (thu/chi và nợ) của Chính phủ các nước, phá giá đồng nội tệ mạnh,.. lại xuất hiện dày đặc với quy mô rủi ro lớn. Do vậy, nếu không có các chính sách, biện pháp ngăn chặn khủng hoảng hoặc giảm thiểu lây nhiễm rủi ro, tổn thất do khủng hoảng gây ra, thì cuộc khủng hoảng (nếu xảy ra) sẽ có sức tàn phá hủy diệt ghê gớm trên diện rộng, bởi nó có thể diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế, hệ thống tài chính thế giới đang suy kiệt, các xung đột địa chính trị, bất ổn xã hội ngày một lớn và khó lường.

Rủi ro từ các nền kinh tế lớn

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016 tiếp tục suy giảm ở Mỹ và Anh (sau khi rời khỏi EU). Dự báo của IMF cho biết các nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ tăng trung bình 1,6% trong năm 2016, giảm so với con số 2,1% trong năm 2015 và giảm so với dự báo trước đây 1,8%.

Riêng nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, dự báo cũng chỉ tăng trưởng 1,6% trong năm 2016 so với mức dự báo trước là 2,2% do đầu tư kinh doanh yếu kém. Tăng trưởng ở Anh được dự đoán sẽ giảm xuống còn 1,8% trong năm 2016 và 1,1% trong năm 2017, giảm so với mức 2,2% trong năm 2015. Khu vực đồng euro sẽ chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm 2016, so với 2% trong năm 2015. Tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản, số 3 thế giới, dự kiến ​​sẽ ở mức 0,5% trong năm 2016, bằng với mức trong năm 2015.

Trong số các nguy cơ, Trung Quốc có thể là phần “đáng sợ” nhất đối với cuộc khủng hoảng kế tiếp. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được thúc đẩy bởi các sự gia tăng nhanh chóng hoạt động cho vay kinh doanh và tiêu dùng, theo Nhà kinh tế trưởng châu Á tại Bloomberg Intelligence Tom Orlik. Do đó, Samuel Malone, Giám đốc phân tích mô hình đặc biệt tại Moody’s Analutics cho rằng, các ngân hàng Trung Quốc là “mối nguy cơ chính, là ngòi nổ đầy tiềm năng”. Chưa kể, tín dụng đen (shadow banking) của Trung Quốc có kích cỡ khổng lồ và ít được kiểm soát. Những tổn thất tại lĩnh vực này sẽ nhanh chóng được chuyển hóa sang các ngân hàng truyền thống khác./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://trithucvn.net/kinh-te/phan-2-dau-hieu-cua-mot-con-bao-lon-khung-hoang-tai-chinh.html?utm_content=buffer326a2&utm_medium=social&utm_source=facebook.com&utm_campaign=buffer

http://sggp.org.vn/thegioi/2016/10/438014/

http://bnews.vn/lieu-the-gioi-co-xay-ra-khung-hoang-ngan-hang-moi-/22382.html

http://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/3-ngoi-no-cho-cuoc-khung-hoang-kinh-te-sap-toi-167703.html