08 tháng đầu năm: mưa lũ gây thiệt hại 5.465 tỷ đồng
Tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cho biết: do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết và thiên tai từ đầu năm nay diễn biến thất thường và cực đoan gây nhiều hậu quả nặng nề trong các nước ở khu vực Đông Nam Á.
Riêng tại Việt Nam, từ tháng 03/2015 đã xảy ra mưa lũ lớn trái mùa tại 03 tỉnh miền Trung, đỉnh lũ của một số sông lên trên mức báo động 3, rét bất thường ở Sapa, nắng nóng gay gắt xảy ra trên diện rộng và kéo dài ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ, hạn hán nghiêm trọng tại Nam Trung bộ, giông lốc đặc biệt lớn tại TP. Hà Nội, mưa lịch sử về cường suất tại Sơn La sau bão số 1 tại Quảng Ninh vào cuối tháng 07, đầu tháng 08, sạt lở bờ sông, bờ biển, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn sớm hơn và sâu hơn so với cùng kỳ đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
Về con số thiệt hại, ông Hoàng Văn Thắng cho biết: Tính sơ bộ, thiệt hại từ đầu năm 2015 đến nay do thiên tai gây ra là 98 người chết, 18 người mất tích, 112 người bị thương, trên 1.130 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi. Bên cạnh đó còn có những thiệt hại nghiêm trọng về nông - lâm -thủy sản, ước tính hàng nghìn tỷ đồng… Tổng thiệt hại về tài sản khoảng 5.465 tỷ đồng.
Tại tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Cảnh cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tác động của biến đổi khí hậu, cùng mùa mưa năm 2014 kết thúc sớm, đã gây nên tình hình khô hạn, thiếu nước trên diện rộng của Tỉnh. Thiệt hại do thiên tai gây ra trong 08 tháng đầu năm trên địa bàn Tỉnh đã làm 03 người chết, mất tích, 263 căn nhà bị sập, tốc mái… Tổng giá trị thiệt hại toàn Tỉnh khoảng 22.124,12 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong 08 tháng đầu năm, trên biển đã xảy ra 77 vụ tai nạn, sự cố
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng cho biết, trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh vừa qua đã gây thiệt hại nặng nền cho Tập đoàn. Hiện nay, ước thiệt hại vật chất trực tiếp khoảng trên 1.200 tỷ đồng; thiệt hại lớn nhất là khôi phục đường lò 455 tỷ đồng, sửa chữa thiết bị 250 tỷ đồng…
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, những diễn biến bất thường của thiên tai, việc phòng ngừa và khắc phục hậu quả đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, như: việc xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp thiên tai tại một số địa phương còn nhiều khó khăn, chưa sát thực tế; hệ thống thoát nước nhiều đô thị còn chưa đảm bảo; công tác cứu nạn, cứu hộ còn chưa kịp thời; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai còn hạn chế…
Đến nay, mới chỉ có 20 tỉnh, thành phố quyết định thành lập và hoạt động quỹ phòng chống thiên tai…
Đánh giá về những bất cập, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, qua kiểm tra ở một số địa phương thực tế cho thấy, chính quyền địa phương vẫn cấp phép xây dựng cho dân ở vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở; Dân ở vùng núi tự phát xây dựng ở các vùng dễ xảy ra thiên tai…
Chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận, qua những đánh giá, phân tích về tình hình biến đổi khí hậu, biến động về thời tiết, cần cấp bách xây dựng các kế hoạch, giải pháp để ứng phó tốt hơn với tình trạng cực đoan và bất thường của thời tiết.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp cần nâng cao chất lượng về công tác dự báo và xây dựng các phương án phòng chống thiên tai. Đặc biệt, các địa phương phải làm tốt công tác chuẩn bị trước mùa mưa lũ, tránh ý thức chủ quan, bất cẩn dẫn đến những thiệt hại về người và tài sản.
Các đoàn công tác tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại các vùng dễ xảy ra sạt lở, ngập lụt, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiếu thông tin cảnh báo. Các địa phương, đơn vị cần chủ động xây dựng phương án ứng phó với mưa lũ một cách linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với diễn biến của mưa bão, sự cố trên từng địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong công tác tìm kiếm cứu nạn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng lưu ý những trường hợp áp thấp nhiệt đới và bão hình thành trên biển đông là những trường hợp nguy hiểm nhất và phải được báo động nhanh nhất đến với bà con ngư dân bám biển. Vì vậy, lãnh đạo các cấp và chính quyền địa phương cần phải tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngư dân trong mùa mưa bão./.
Bình luận