10 diễn giả sẽ tham dự Hội thảo: “Đổi mới sáng tạo, kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam”
Hội thảo nhằm tạo sự kết nối và thúc đẩy nỗ lực đổi mới sáng tạo từ chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp |
Theo chương trình sự kiện, Hội thảo có 10 diễn giả đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, UNDP, các doanh nghiệp và chuyên gia về đổi mới sáng tạo. Cụ thể như sau:
+ Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
+ Bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam;
+ Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
+ Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát;
+ Ông Ngô Long Giang, Giám đốc khối Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán MB;
+ Bà Nguyễn Thy Nga, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-startup;
+ Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Vietinbank Capital;
+ Ông Nguyễn Tuấn Lương, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, UNDP;
+ Ông Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ;
+ PGS.TS Trần Ngọc Ca, Chuyên gia cao cấp, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (tham dự theo hình thức trực tuyến).
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hội thảo nhằm mục tiêu tạo nên những kết nối giá trị từ nền tảng chính sách đến các câu chuyện của doanh nghiệp để cùng nhân lên niềm tin và nỗ lực đổi mới sáng tạo, nhằm vượt qua thách thức đại dịch và tiếp tục phát triển.
Hội thảo được tổ chức với sự tài trợ Vàng của Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS), tài trợ Bạc bởi Đạm Phú Mỹ, cùng hai doanh nghiệp hỗ trợ là Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Công ty Chứng khoán MB.
Vào đầu năm 2021, bằng việc tổ chức Triển lãm quốc tế về đổi mới, sáng tạo Việt Nam và khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lan toả tinh thần đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động của người dân, doanh nghiệp, khơi dậy khát vọng phát triển, cống hiến và không ngừng đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp đặc biệt là thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam.
Về chính sách pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có một số văn bản quan trọng, trong đó có Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC). Nghị định 94/2020 quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC và cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại NIC, trong đó có việc được huy động và nhận tài trợ từ các chương trình tài trợ nghiên cứu của Chính phủ và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh; được hưởng các ưu đãi cao nhất về thuế được quy định tại pháp luật về thuế.
Trước đó, năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP quy định Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có số vốn điều lệ tối thiểu là 2.000 tỷ đồng, thực hiện chức năng cho vay trực tiếp hoặc cho vay gián tiếp thông qua giao vốn cho ngân hàng thương mại, tài trợ vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV… Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cùng với đó, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số 2021-2030, nhằm thực thi Quyết định số 749/QĐ-TTg do Thủ tướng phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2025, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tối thiểu 100.000 DN được nhận các hỗ trợ từ Chương trình, được kết nối các giải pháp, giúp các doanh nghiệp số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo; phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp…
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, tại Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/3/2021, quy định, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
Bên cạnh những nỗ lực từ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân đổi mới, hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, vì một Việt Nam xanh, thịnh vượng và không ai bị bỏ lại phía sau.
Sự hợp sức từ các bên liên quan đang tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kết nối, nắm bắt và gia tăng nguồn sức mạnh tài chính, tri thức, nhân lực nhằm đổi mới sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, những nền tảng phát triển có ích cho cộng đồng.
Quý bạn đọc quan tâm tham dự Hội thảo theo link zoom:
https://us02web.zoom.us/j/86110131588?pwd=NEpYMFc5MEdCOG1MVXlnVkdOWUk4Zz09 ID cuộc họp: 861 1013 1588
Pass: 123.
Hội thảo được truyền tải trực tuyến tại Tạp chí Kinh tế và Dự báo điện tử, www.kinhtevadubao.vn
Bình luận