3 kịch bản phát triển của tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030
Tại Dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thái Bình đã đưa ra 3 kịch bản phát triển trong thời kỳ 2021-2030.
Nguồn: UBND tỉnh Thái Bình |
Kịch bản 1: Phát triển nhanh, bền vững theo trọng tâm
Kịch bản này được dự báo trong tình hình dịch được kiểm soát tốt, các yếu tố của môi trường kinh tế cả trong và ngoài nước tương đối thuận lợi. Đối với tỉnh Thái Bình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông kết nối, hạ tầng khu, cụm công nghiệp cơ bản đồng bộ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực. Thái Bình tiếp tục tham gia vào các cụm ngành và chuỗi giá trị của vùng ĐBSH. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh về thu hút ầu tư trong vùng khá gay gắt, mức độ lan tỏa công nghiệp đến tỉnh chưa đạt kỳ vọng...
Theo kịch bản này, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 13,0%/năm; tỷ lệ lấp đầy Khu kinh tế ở mức khá, đạt khoảng 25%.
Kịch bản 2: Tăng trưởng vừa phải
Kịch bản này được dự báo môi trường bên ngoài diễn biến tương đối bất lợi cho kinh tế cả nước nói chung, kinh tế tỉnh Thái Bình nói riêng. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột chiến tranh Nga - Ucraina và các khu vực khác trên thế giới tiếp tục leo thang và căng thẳng. Thương mại, đầu tư quốc tế phục hồi chậm. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chưa phục hồi như xu hướng trước khi đại dịch. Mô hình tăng trưởng của Thái Bình không có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước. Các ngành sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại nhưng ít có đột phá. Hệ thống hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình và các khu, cụm công nghiệp được hoàn thiện và thu hút đầu tư nhưng quy mô không lớn như kỳ vọng...
Theo kịch bản này, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 12,4%/năm; tỷ lệ lấp đầy khu kinh tế ở mức trung bình khá, ước đạt khoảng 20%.
Kịch bản 3: Tăng trưởng cao và phát triển đột phá
Kịch bản này được dự báo tỉnh Thái Bình được hưởng lợi từ nhiều tác động thuận lợi trong và ngoài tỉnh. Tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát nhanh hơn, cùng với nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, thời tiết..., kéo theo dòng vốn FDI và xuất khẩu hàng hóa quay lại trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh. Công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh mẽ tại vùng ĐBSH, lan tỏa mạnh đến Thái Bình, trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh. Việc hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối trong và ngoài tỉnh, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp sẽ tiếp tục giúp Thái Bình thu hút được các nguồn vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước... Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực sẽ góp phần nâng cao hiệu suất, chất lượng sản xuất và dịch vụ. Các dự án, giải pháp đột phá hầu hết được hoàn thành vượt chỉ tiêu.
Tỉnh Thái Bình đón nhận quá trình lan tỏa phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo từ các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Các tuyến giao thông quan trọng kết nối trong và ngoài tỉnh được hoàn thành; đường bộ ven biển nối Hải Phòng - Thái Bình tạo sự kết nối thông suốt giữa Khu kinh tế Thái Bình với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm và đạt kết quả tốt; các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư được tháo gỡ; thu hút đầu tư tăng mạnh, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Thái Bình tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp trong vùng; công nghiệp chế biến, xuất khẩu tăng trưởng nhanh.
Phát triển công nghiệp gắn với tổ chức hoạt động sản xuất theo các cụm liên kết ngành (Cluster). Địa bàn phát triển trọng điểm là khu vực phía Bắc của Khu kinh tế; các khu công nghiệp trong Khu kinh tế triển khai đồng bộ. Hành lang phát triển công nghiệp theo Quốc lộ10 tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng, gắn với hành lang công nghiệp mới theo tuyến đường từ TP. Thái Bình đi Cầu Nghìn, đường Thái Bình - Hà Nam. Đô thị hóa tập trung quanh các khu vực phát triển công nghiệp trọng điểm... Cùng với sự phát triển công nghiệp, các ngành dịch vụ cũng có sự tăng trưởng nhanh, nhất là các dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh như vận tải, kho bãi, tài chính... Tích lũy nội bộ nền kinh tế tăng lên, thu nhập người dân tăng dẫn đến các ngành dịch vụ thương mại, tiêu dùng cũng có sự tăng trưởng tích cực.
Các dự án nông nghiệp công nghệ cao hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ tạo xung lực mới cho phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiệu quả.
Theo kịch bản này, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP thời kỳ 2021-2030 đạt trên 13,4%/năm; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trong khu kinh tế ở mức cao, kỳ vọng là khoảng 35%.
Lựa chọn Kịch bản 3: Khát vọng phát triển của Thái Bình
Căn cứ thực trạng, định hướng phát triển và quyết tâm, tỉnh Thái Bình lựa chọn Kịch bản 3 (tăng trưởng cao và phát triển đột phá) là phương án cơ sở cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; thể hiện sự quyết tâm cao và khát vọng phát triển của tỉnh Thái Bình.
Cơ sở để lựa chọn kịch bản phát triển được UBND tỉnh Thái Bình lý giải là do:
Thứ nhất, tiềm năng, lợi thế Khu kinh tế Thái Bình và khu công nghiệp (hiện hữu và mới thành lập) là rất lớn, có nhiều điều kiện để đột phá. Bên cạnh đó, khả năng mở rộng không gian lấn biển sẽ tạo dự địa về không gian và quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ hai, các dự án kết nối giao thông (đường bộ ven biển; đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng...) đang và sẽ triển khai, góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng liên kết một cách mạnh mẽ với các địa phương trong vùng và cả nước.
Thứ ba, tỉnh Thái Bình tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư để tận dụng tối đa vị trí địa lý, đặc biệt là vị trí tiếp giác với tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh...
Theo kịch bản chọn, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP thời kỳ 2021-2030 đạt trên 13,4%/năm (giai đoạn 2021-2025 tăng 10,4%/năm, giai đoạn 2026-2030 tăng 16,5%/năm); trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 18,0%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2%/năm; dịch vụ tăng 12%/năm.
Cơ cấu kinh tế theo GRDP đến năm 2025: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,3%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 49,9%; Dịch vụ chiếm 32,8% (không tính thuế và trợ cấp). Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 đạt trên 237 nghìn tỷ đồng.
Tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 đạt trên 14%/năm. Cơ cấu kinh tế theo GRDP đến năm 2030: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9,1%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 62,1%; Dịch vụ chiếm 28,8%. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 đạt hơn 600 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 đạt trên 10%/năm. Số lao động tăng đều trong cả giai đoạn, trong đó lao động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng mạnh, lao động nông nghiệp giảm nhẹ do năng suất tăng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tỉnh.
Tại dự thảo Quy hoạch, Thái Bình đánh giá một cách tổng quan sự phát triển của các ngành trong 10 năm qua, từ đó đề xuất 8 nhóm quy hoạch gồm: Phát triển mối liên kết vùng; phân vùng và trục hành lang phát triển; phát triển đô thị, nông thôn; phát triển hệ thống giao thông và dịch vụ logistics; phương án phát triển không gian kinh tế; định hướng quy hoạch không gian biển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một số đề xuất khác. Đồng thời, tỉnh Thái Bình xây dựng 12 phương án nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chiến lược đột phá trong quy hoạch phát triển tỉnh, nhất là các quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, quy hoạch thành phố Thái Bình, quy hoạch phát triển khu kinh tế, phương án phát triển không gian biển và các lĩnh vực quy hoạch khác…/.
Bình luận