6 tháng đầu năm: Cả nước có 64.531 doanh nghiệp thành lập mới
Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 06/2018, cả nước có 12.209 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 132.108 tỷ đồng, tăng 10,7% về số doanh nghiệp và tăng 26,0% về số vốn đăng ký so với tháng 05/2018.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký trong Quý II có xu hướng tăng so với các quý cùng kỳ trong giai đoạn 5 năm 2014-2018 (Biểu đồ). So sánh giữa Quý II/2018 và Quý II/2014, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 2 lần, số vốn đăng ký tăng 2,8 lần và tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp tăng 1,4 lần. Như vậy, từ khi Luật Doanh nghiệp 2014 được ban hành và có hiệu lực từ 01/7/2015 đến nay, qua hơn 4 năm triển khai cho thấy tốc độ phát triển doanh nghiệp thực sự ấn tượng qua các quý.
Biểu đồ: Tình hình đăng ký doanh nghiệp theo Quý
Về số vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm, tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế là 1.841.190 tỷ đồng tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 648.967 tỷ đồng tăng 8,9% và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 1.192.223 tỷ đồng tăng 38,8% với 21.377 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn tăng 18,1%.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 64.531 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 648.967 tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nay là 508.542 lao động, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo vùng lãnh thổ, Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất là 27.279 doanh nghiệp, chiếm 42,3% tổng số doanh nghiệp thành lập của cả nước; tiếp đó là khu vực Đồng bằng sông Hồng có 19.181 doanh nghiệp, chiếm 29,7% tổng số doanh nghiệp thành lập của cả nước… đây là 2 trung tâm kinh tế lớn của cả nước khi chiếm tới 72,0% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên có lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp nhất so với các khu vực khác với 1.570 doanh nghiệp, chỉ chiếm 2,4% trên tổng số doanh nghiệp.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề như: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa, ô tô, xe máy có 21.822 doanh nghiệp, chiếm 33,8% tổng số doanh nghiệp thành lập; xây dựng có 8.714 doanh nghiệp, chiếm 13,5% tổng số doanh nghiệp thành lập; công nghiệp chế biến, chế tạo có 8.041 doanh nghiệp, chiếm 12,5% tổng số doanh nghiệp...
Qua xem xét về số lượng và tốc độ gia tăng doanh nghiệp theo lĩnh vực hoạt động cho thấy, ngành bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất nhưng xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2017 thì ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ cao nhất là 44,2%.
Về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong 6 tháng đầu năm 2018 có 16.449 doanh nghiệp, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động chủ yếu tập trung ở các ngành, như: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 5.934 doanh nghiệp, chiếm 36,1% trên tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; xây dựng có 2.569 doanh nghiệp, chiếm 15,6% trên tổng số doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 2.202 doanh nghiệp, chiếm 13,4% trên tổng số doanh nghiệp (Bảng 1).
Bảng 1: Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động theo lĩnh vực hoạt động
Về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, cả nước có 52.803 doanh nghiệp. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 17.984 doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2017. Còn số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 34.819 doanh nghiệp, tăng 48,0% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 6 tháng tăng cao là do hiện nay cả nước đang triển khai công tác chuẩn hóa làm sạch dữ liệu nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động. Việc loại bỏ các dữ liệu doanh nghiệp không còn hoạt động nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch hơn về thông tin và trong thời gian tới, công tác này còn được đẩy mạnh hơn nữa.
Theo vùng lãnh thổ, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng ở tất cả các khu vực so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, tăng cao nhất là Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ 36,8% với 973 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh; Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cùng tăng 31,0%; Tây Nguyên tăng 19,8%; Đồng bằng sông Cửu Long tăng 19,6% và Đông Nam Bộ tăng 16,4%.
Còn theo lĩnh vực hoạt động, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tập trung chủ yếu ở những ngành kinh tế, như: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải kho bãi; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống…
Về số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2018 của cả nước là 6.629 doanh nghiệp tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Xét về số lượng, trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp giải thể chủ yếu là ở những vùng, như: Đông Nam Bộ có 2.510 doanh nghiệp, chiếm 37,9% và Đồng bằng sông Hồng có 1.560 doanh nghiệp, chiếm 23,5%.
Về tỷ lệ doanh nghiệp giải thể trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2017 chỉ giảm ở 02 khu vực là Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Các khu vực khác đều có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp giải thể tập trung chủ yếu ở những ngành nghề kinh tế, như: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng…(Bảng 2).
Bảng 2: Tình hình doanh nghiệp giải thể theo lĩnh vực hoạt động
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể trong 6 tháng qua giảm ở 04 ngành so với cùng kỳ năm 2017,bao gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; khai khoáng; sản xuất phân phối điện, nước, ga; vận tải kho bãi. Các ngành, nghề còn lại đều có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2017./.
Bình luận