Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dễ ảnh hưởng bởi những thách thức trong và ngoài nước

Trong bản cập nhật báo cáo kinh tế công bố thường niên, Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2018, ADB dự báo trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,9% cho năm 2018, thấp hơn so với mức 7,1% được dự báo trong tháng 4. ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam ở mức 6,8%.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, phát biểu: “Tăng trưởng kinh tế đạt được trên tất cả các lĩnh vực, với động lực là ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rông, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định , tiêu dùng trong nước được duy trì tốt, và đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước”.

Cụ thể, tăng trưởng của ngành sản xuất chế tạo ở mức cao, 14,4%. Doanh số bán lẻ bán lẻ tăng 10,9% trong khi đó lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 29,1% và cho vay của ngân hàng tăng 18%. Trong báo cáo ADB đặc biệt nhấn mạnh, lĩnh vực nông nghiệp phục hồi cũng chính là những động lực mạnh mẽ góp phần giúp tăng trưởng của Việt Nam sẽ duy trì được mức tăng trưởng cao. Lý giải điều này, ADB đã chỉ ra do điều kiện thời tiết tốt hơn và cầu xuất khẩu tăng mạnh, sản lượng nông, lâm thuỷ sản tăng 4% trong Quý I/2018. Gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2018 dự báo lạm phát sẽ đạt mức trung bình 3.7% trong năm nay, tăng lên so với mức 3,5% của năm 2017 và đạt tới 4% trong năm 2019 do sự gia tăng cầu nội địa và giá cả hàng hoá toàn cầu.

Ông Eric Sidgwick cho rằng, nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu nội địa được duy trì, điều kiện kinh doanh được cải thiện, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng chi tiêu công trong nửa cuối năm nay được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong đầu tư.

Lý giải vì sao hạ dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2018, đại diện ADB cho biết, đó là do xuất khẩu, nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ trong nửa cuối năm.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dễ ảnh hưởng bởi những thách thức trong và ngoài nước. Tăng trưởng giảm nhẹ ở các nền kinh tế lớn, như: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến tổng cầu thương mại thế giới.

Căng thẳng thương mại leo thang toàn cầu cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang hơn nữa thì có thể gây căng thẳng cho tổng cầu thương mại thế giới. Việt Nam là quốc gia có độ mở của nền kinh tế tới gần 190% (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP), do đó xuất khẩu rất dễ bị ảnh hưởng; các kênh đầu tư, tài chính cũng bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc điều chỉnh và phá giá đồng nhân dân tệ.

Áp lực lạm phát có thể sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn do giá dầu quốc tế tăng và giá lương thực tăng. Do đó, ADB đã điều chỉnh lạm phát của Việt Nam lên 4% trong năm 2018 và 4,5% cho 2019, tăng so với ước tính trong tháng 4 tương ứng là 3,7% và 4%.

Trước những quan ngại này, chuyên gia của ADB nhấn mạnh, rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam có xu hướng gia tăng, nguy cơ chịu những tác động xấu từ căng thẳng thương mại leo thang trên toàn thế giới. Những tác động này không chỉ ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu mà còn kìm hãm FDI. Do đó, ADB khuyến cáo, Việt Nam cần nghiên cứu sâu thêm để có thể lượng hóa được những ảnh hưởng này tới kinh tế, từ đó có những đối sách, điều hành phù hợp./.