Áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 là rất lớn
CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước
Giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng Bảy tăng 3,59% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,14%.
So với tháng trước, CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% |
Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%.
So với tháng trước, CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% (khu vực thành thị tăng 0,42%; khu vực nông thôn tăng 0,37%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm giao thông giá giảm 2,85% do giá xăng dầu trong nước giảm.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7/2022 tăng 3,14%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, phương pháp biên soạn CPI của Tổng cục Thống kê được thực hiện theo đúng hướng dẫn của quốc tế. Để tính CPI, hằng tháng, 63 địa phương tổ chức thu thập giá 752 mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện theo 3 kỳ tại 40.000 điểm điều tra. Do đó, số liệu CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực. |
Lạm phát cơ bản tháng 7/2022 tăng 0,58% so với tháng trước, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Lạm phát đang được kiểm soát tốt nhưng dư địa không còn nhiều
Các cơ quan quản lý và nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định rằng, lạm phát đang được kiểm soát tốt nhưng dư địa không còn nhiều, bên cạnh đó áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.
Trao đổi với báo chí vào cuối tháng 6/2022, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng, áp lực lạm phát những tháng cuối năm là rất lớn, cụ thể ở 4 vấn đề sau: Thứ nhất, giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao mà Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất; đặc biệt là giá xăng dầu; Thứ hai, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm; Thứ ba, cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao; Thứ tư, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo đúng lộ trình của Nhà nước. Theo bà Oanh, nếu không có những giải pháp nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% như đề ra sẽ trở nên rất thách thức.
TS. Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, hiện nay, lạm phát của kinh tế Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, dư địa không còn nhiều, bên cạnh đó áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.
Đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá của cơ quan quản lý nhà nước
Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra giải pháp. Trong đó đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp giảm thuế để chia sẻ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn giá xăng dầu tăng cao.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần chú trọng công tác bảo đảm nguồn cung, nhất là giai đoạn cuối năm.
Bộ Công Thương và các địa phương cần tăng cường kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường nhằm ổn định giá của mặt hàng này.
Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định số 81 và giá dịch vụ y tế theo lộ trình để điều chỉnh cho phù hợp.
Không điều chỉnh giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý vào cùng một tháng. Và khi điều chỉnh học phí cần điều chỉnh giãn ra giữa các địa phương để tránh tạo áp lực cao lên lạm phát.
Về tổng thể, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát./.
Bình luận