Bắc Ninh nỗ lực nâng cao chỉ số PCI
Nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng tốt
Nhiều năm qua, Bắc Ninh đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo bảng xếp hạng PCI năm 2018, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố với 64,5 điểm, tăng 2 bậc và tăng 0,14 điểm so với năm 2017 và nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng tốt. Tính riêng trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 4 sau Quảng Ninh (xếp thứ 1), Hà Nội (xếp thứ 9), Vĩnh Phúc (xếp thứ 13).
Đây là năm thứ 4 liên tiếp, điểm PCI của tỉnh Bắc Ninh có sự tăng trưởng. Nếu như năm 2015, Bắc Ninh chỉ đạt 59,91 điểm, thì lần lượt các năm 2016, 2017 đạt 60,35 và 64,36 điểm và năm 2018 tăng lên 64,5 điểm.
Năm 2018, điểm PCI của tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố.
Đối với các chỉ số thành phần, Bắc Ninh có 5 chỉ số tăng điểm so với năm 2017 là: Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Trong khi đó 5 chỉ số giảm điểm gồm: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhìn từ phổ điểm của các chỉ số thành phần có thể nhận thấy, chất lượng điều hành, năng lực cạnh tranh của Tỉnh tiếp tục được giữ vững và phát triển, tạo được niềm tin giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Tỉnh. Đặc biệt, năm 2018, điểm trung bình của chỉ số Cạnh tranh bình đẳng đã được cải thiện đáng kể, nếu như liên tiếp 4 năm trước ở dưới mức trung bình, thì năm 2018 đã tăng 1,45 điểm lên mức trên trung bình. Cùng với đó, chỉ số Đào tạo lao động năm thứ 4 liên tiếp tăng điểm, chỉ số Tính năng động của chính quyền Tỉnh cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao hơn…
Để đạt được những kết quả trên, những năm qua, Bắc Ninh đã tập trung cải cách hành chính. Đặc biệt, vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, từ đó rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính của từng ngành, thực hiện tốt mô hình “một cửa liên thông hiện đại” ở cấp huyện, các ngành cấp tỉnh, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, tài chính. Bên cạnh đó, công bố Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương.
Ngoài ra, Bắc Ninh cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu để tạo nên những sản phẩm cạnh tranh, có chất lượng cao xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, tổ chức cho các doanh nghiệp có nhiều cơ hội quảng bá, giao thương sản phẩm tại các hội chợ trong tỉnh, ngoài tỉnh và khu vực…
Mặc dù đạt được sự cải thiện đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính… song nhìn chung đánh giá của doanh nghiệp dân doanh về những cải thiện trong môi trường đầu tư và kinh doanh ở Bắc Ninh vẫn còn những vấn đề cần đặt ra. Cụ thể, sự cải thiện các chỉ số thành phần PCI của Bắc Ninh chưa thật sự đồng đều. Năm 2018, các tỉnh, thành phố cần đạt trung bình 6,54 điểm/chỉ số để trở thành địa phương có chất lượng điều hành tốt. So sánh với mốc điểm này, điểm các chỉ số thành phần của Bắc Ninh dưới mốc còn nhiều (7/10 chỉ số), chỉ có 3 chỉ số là Chi phí gia nhập thị trường (7,22 điểm), Chi phí thời gian (7,12 điểm) và Đào tạo lao động (7,69 điểm) là đạt trên 7 điểm, thuộc nhóm tốt. Tuy nhiên, các chỉ số tăng điểm song mức độ tăng không nhiều, nhiều chỉ số ở mức trung bình và vẫn còn 5 chỉ số thành phần sụt giảm điểm.
Cần cải thiện hơn nữa tổng điểm PCI
Với quyết tâm xây dựng chính quyền lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ, mục tiêu tỉnh Bắc Ninh đề ra là cần cải thiện hơn nữa tổng điểm PCI, tập trung chính vào cải thiện điểm số và nâng hạng của các chỉ số chính. Trong đó, ưu tiên tập trung và cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của các chỉ số vẫn đang nằm dưới mức 6 điểm, như: Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng và Tính năng động của chính quyền.
Để làm được điều này, đòi hỏi tỉnh Bắc Ninh cần tập trung đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và hoạt động của UBND Tỉnh.
Cần rà soát lại môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ; xây dựng chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa trên địa bàn, thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh và thực hiện các quy định của nhà nước.
Công khai, minh bạch hóa thông tin trên website, đặc biệt là đăng tải đầy đủ các thông tin, như: quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu; rút ngắn, loại bỏ những thủ tục cản trở việc đầu tư của các chủ dự án vào tỉnh, đặc biệt là các ngành: đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản, thuế, hải quan...; kiểm soát các hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn, kể cả các cuộc thanh kiểm tra của cơ quan trung ương…
Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành chính, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức. Khuyến khích và giao nhiệm vụ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố… phát huy sáng kiến, mô hình tốt trong triển khai nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng hình ảnh cơ quan nhà nước thân thiện, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả./.
Bình luận