Báo cáo do Ban IV phối hợp cùng Báo điện tử VnExpress thực hiện thông qua khảo sát trực tuyến vào cuối tháng 4/2023 để nhận diện tình hình người lao động, qua đó phản ánh một bức tranh toàn diện về nền kinh tế ở thời điểm này và nửa cuối năm 2023.

Ban IV kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn
Báo cáo khảo sát tình hình người lao động tháng 5/2023 của Ban IV

Kết quả khảo sát cho thấy, thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban IV, trong tổng số 8.343 người lao động tham gia khảo sát trên cả nước, có 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm. Tỷ lệ này đã giảm so với trong bối cảnh Covid-19 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% tại thời điểm tháng 10/2021), nhưng vẫn còn khá cao, cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.

Ban IV kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn
Thực trạng bức tranh tình hình người lao động theo kết quả khảo sát. Nguồn: Ban IV

Xét theo ngành kinh tế chính, các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn và nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%. Còn xét theo địa phương thì TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là những tỉnh/thành phố có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.

Ban IV kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn
Cơ cấu tình trạng việc làm của người lao động tại các thành phố lớn

Nhận diện nguyên nhân không có việc làm của người lao động, có 32,4% người lao động không có việc cho biết nguyên nhân họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh, trong khi có 27,1% đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí do không có đơn hàng. Đáng chú ý, xu hướng số lượng người lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp không những không giảm, mà còn tăng lên diễn ra từ quý IV/2022 sang quý I/2023, và dự báo còn tiếp diễn trong các quý còn lại của năm 2023, bởi theo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp mới đây của Ban IV, trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 71,3% doanh nghiệp dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên.

Ban IV kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn
Cơ cấu tình trạng việc làm của người lao động theo loại hình doanh nghiệp/tổ chức

Liên quan đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, có 14% người lao động tham gia khảo sát đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này, 61% cho biết nguyên nhân là do không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc, trong khi 14% vì lo lắng vào sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội. Khi được hỏi về khả năng đóng lại bảo hiểm xã hội, 48% số lao động từng rút bảo hiểm xã hội cho biết không muốn đóng lại.

Về vấn đề nhà ở cho người lao động, khảo sát cho thấy còn nhiều khó khăn khi mua nhà ở xã hội và “điều kiện để được mua nhà ở xã hội” hiện là rào cản lớn nhất với 39% người lao động tham gia khảo sát có cùng nhận định này. 3 khó khăn lớn khác ở góc nhìn của người lao động là: Thiếu tài chính sẵn có cho khoản đóng góp ban đầu (33%); Khó cạnh tranh suất mua (32%); Hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp (27%).

Ban IV kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn
Cơ cấu tình trạng việc làm của người lao động theo ngành kinh tế

Trên cơ sở tình hình thực tiễn và qua kết quả khảo sát, Ban IV đưa ra một số kiến nghị giải pháp tới Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn hiện nay. Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, cùng với hàng loạt chính sách kiến nghị về tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động mua nhà ở xã hội, Ban IV kiến nghị đồng thời các giải pháp hỗ trợ về tạo việc làm và về giải pháp đóng, rút bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

Theo đó, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, gia tăng việc làm cho người lao động trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, Ban IV cho rằng, việc quan trọng nhất vẫn là phải trợ lực cho doanh nghiệp để duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Các nhóm giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ gián tiếp cho người lao động, điển hình như: Kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng; giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới; tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng và các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ, đồng thời cân nhắc các khoản vay ưu đãi như cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động hoặc để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, giữ chân người lao động…; không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và người lao động”, Ban IV kiến nghị tại báo cáo gửi Thủ tướng.

Ban IV kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn
Nguyên nhân người lao động không có việc hoặc mất việc làm

Cụ thể, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của người lao động tham gia khảo sát, Ban IV đề xuất chính quyền cấp trung ương và địa phương cắt giảm các thủ tục hành chính phức tạp, hạn chế các đợt thanh tra, kiểm tra để các doanh nghiệp được yên tâm hoạt động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất tạo việc làm cho người lao động. Chính quyền cấp trung ương và địa phương hỗ trợ người lao động tham gia các khóa học nâng cao trình độ, tay nghề, ngoại ngữ.

Liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội và rút bảo hiểm xã hội một lần, kết quả khảo sát cho thấy xu hướng này còn chưa dừng lại khi mà người lao động vẫn có nguy cơ bị mất việc rất cao trong nửa cuối năm 2023 và phần lớn trong số họ ít có nguồn tài chính dự trữ để duy trì cuộc sống trước mắt. Để hỗ trợ người lao động đồng thời giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Ban IV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan xem xét nghiên cứu, cho người lao động sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh.

Cho phép doanh nghiệp, người lao động không phải thu, nộp kinh phí công đoàn cho cơ quan công đoàn cấp trên tới ít nhất là hết năm 2024 và giãn, hoãn các khoản thuế, phí khác để doanh nghiệp và người lao động dồn nguồn lực này cho người lao động trang trải trực tiếp các nhu cầu cuộc sống, nhằm giảm áp lực/kỳ vọng vào khoản tiền rút từ bảo hiểm xã hội.

Về căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội, kết hợp với xác lập các biện pháp quản lý hiệu quả khác nhằm đảm bảo các mục tiêu toàn diện của chính sách, đồng thời giảm áp lực về chi phí đóng cho cả người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh đối diện rất nhiều thách thức, khó khăn.

Cụ thể, liên quan các giải pháp về bảo hiểm xã hội, đề xuất cho phép lao động nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi, khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm sẽ được hưởng chế độ hưu trí. Giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, đồng thời tạo điều kiện để người lao động có thể dùng một phần thu nhập tham gia vào các quỹ bảo hiểm khác để có thể đa dạng hóa các nguồn tiền tích lũy, ví dụ như tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Cho người lao động có quyền lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần theo nguyện vọng chính đáng. Ví dụ lao động phổ thông sau 45 tuổi rất khó để tìm việc làm để đóng bảo hiểm xã hội.

Theo ban IV, nếu hạn chế rút một lần như quy định hiện tại, thì nên căn cứ số tuổi để cho phép rút, ví dụ lao động phổ thông thì họ đã đi làm từ 18 tuổi, từ 20-45 tuổi thì phải theo quy định hiện hành là không được rút để tránh mất cân bằng quỹ an sinh; nhưng sau 45 tuổi thì cho họ 2 quyền lựa chọn: rút bảo hiểm xã hội một lần và đóng tiếp để hưởng lương hưu. Ban IV cũng kiến nghị Bảo hiểm xã hội nên cho người lao động đóng đủ từ 20 năm trở lên có quyền nghỉ hưu sớm, với tỷ lệ hưởng thấp hơn so với tỷ lệ hưởng đúng tuổi, đúng số năm. Nghiên cứu cơ chế cho phép vay từ Bảo hiểm xã hội hoặc dùng sổ bảo hiểm xã hội để thế chấp vay, vì điều này có thể thay thế cho việc rút bảo hiểm xã hội một lần./.