Biến động tiền tệ "phủ mây đen" lên thị trường cà phê thế giới
Đồng Real khởi đầu tháng 9 bằng dao động giảm mạnh xuống mức thấp nhất mới so với đồng USD trong vòng hơn 12 năm qua sau khi số liệu sản lượng công nghiệp tháng 7 của Brazil công bố kết quả xấu hơn kỳ vọng với mức giảm 1,5% và Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) duy trì lãi suất cơ bản không đổi ở mức 14,25%, sau 7 lần tăng lãi suất cơ bản liên tục với nỗ lực ngăn chặn lạm phát leo thang.
Giá cà phê arabica giao tháng 12 đã giảm 6,2% trong tháng 9 – Nguồn: Barchart
Giá cà phê arabica tương lai tại New York suy yếu dẫn dắt thị trường cà phê robusta tương lai tại London giảm giá theo. Đà giảm giá cà phê còn nhận được hỗ trợ khi các đồng tiền của các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới thuộc top 4 đồng loạt giảm giá xuống mức đáy nhiều năm qua.
Sau mấy phiên đầu tháng không mấy lạc quan, các thị trường cà phê bắt đầu dao động thận trọng do thông tin thời tiết tác động và đồng real tạm thời phục hồi sau mấy phiên liền sụt giảm, sau khi có tin Tổng thống Brazil bà Dilma Rousseff tái khẳng định đảm bảo Bộ trưởng Tài chính Joaquim Levy tiếp tục đương nhiệm để củng cố hệ thống tài chính nhằm tránh bị hạ tín nhiệm xuống hạng rác.
Giá cà phê robusta giao tháng 11 đã giảm 3,2% trong tháng 9 – Nguồn: Barchart
"Giao dịch cà phê thận trọng do rủi ro có mưa trong thời gian tới tại các vùng sản xuất cà phê Brazil, sau đó là thời điểm cà phê ra hoa cho vụ 2016 và tiếp sau đó có thể có một đợt khô hạn," Carlos Mera, nhà phân tích hàng hóa cao cấp tại Ngân hàng Rabobank cho biết.
Nhà đầu tư cũng chú ý đến mô hình thời tiết El Nino làm tăng kỳ vọng sản lượng cà phê năm nay sụt giảm tại Việt Nam và Indonesia, và cũng có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất cà phê tại Colombia. Các dự báo cho biết hiện tượng El Nino có thể tăng cường về cuối năm, từ đó về dài hạn có thể ảnh hưởng đến các vùng sản xuất cà phê ở rìa Thái Bình Dương.
Hiện tại thời tiết tại miền đông nam Brazil khô ấm sẽ hỗ trợ cho giai đoạn cuối thu hoạch cà phê niên vụ 2015/16 dự kiến kết thúc trong vài tuần tới. Các dự báo thời tiết dài hạn hơn cho thấy khả năng có mưa nhẹ trong tháng 9 với lượng mưa đáng kể trong tháng 10.
Giá cà phê nhận được hỗ trợ sau khi đồng Real tăng giá do Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) công bố sẽ can thiệp tiền tệ để bán 3 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối quốc tế nhằm ngăn chặn đà giảm giá đồng nội tệ.
Tuy nhiên, sau đó giá cà phê chịu áp lực giảm mạnh trở lại do các quỹ đầu cơ bán cà phê khi đồng Real của Brazil giảm giá mạnh xuống mức thấp nhất mới trong vòng gần 13 năm so với đồng USD sau khi hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's hạ tín nhiệm của Brazil xuống hạng rác.
Đồng real đã giảm 7% trong tháng 9 – Nguồn: Barchart
"Tình hình có liên quan đến bức tranh vĩ mô khi trái phiếu chính phủ Brazil bị S&P hạ xuống hạng rác về cơ bản có ảnh hưởng tiêu cực đối với đồng real," Bob Phillips, Giám đốc công ty nhập khẩu cà phê xanh Caturra Coffee Corp ở Elmsford, New York cho biết.
"Tôi cho rằng đó là phản ứng đối với tình hình chung." Phillips cũng cho rằng giá cà phê giảm chủ yếu do lực bán của các quỹ chứ không hẳn do các nhà sản xuất, những người có thể gặp thuận lợi nhờ đồng real suy yếu.
Hiện tại sức bán trên các thị trường cà phê chậm lại sau khi Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) vào ngày 10/9/2015 đã có động thái bơm 1,5 tỷ USD vào hệ thống tài chính Brazil để ngăn chặn đà giảm giá triền miên của đồng nội tệ.
Theo báo cáo định kỳ tháng 9 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong năm qua, các đồng tiền tại một số nước xuất khẩu, đáng chú ý nhất là Brazil và Colombia, đã giảm giá đáng kể so với đồng USD, theo minh họa ở biểu đồ bên dưới. Kể từ tháng 9/2014, đồng Real của Brazil (BRL) và đồng peso của Colombia (COP) đều giảm giá hơn 50%, phản ánh tình hình kinh tế trong nước suy thoái cũng như các khuynh hướng kinh tế vĩ mô toàn cầu suy giảm.
Đồng Rupiah của Indonesia cũng giảm gần 20% và thậm chí VND của Việt Nam (thường được neo giá so với đồng USD trong biên độ tương đối hẹp) đã giảm khoảng 6% trong năm qua.
Ảnh hưởng giảm giá từ các đồng tiền này làm tăng sức ép giảm giá cà phê do khuyến khích người nông dân và các nhà xuất khẩu sẵn sàng bán cà phê nhiều hơn ra thị trường quốc tế, thậm chí giá cà phê thế giới duy trì xu thế giảm.
Điều này có thể được thấy rõ ở xuất khẩu cà phê Brazil từ đầu năm 2015 đến nay. Trong khi sản lượng cà phê niên vụ 2014/15 giảm xuống mức thấp nhất 3 năm tại mức 45,3 triệu bao theo số liệu của Conab (công ty cung ứng quốc gia của Brazil) thì xuất khẩu cà phê cùng niên vụ đã đạt mức kỷ lục 36,9 triệu bao, với tiêu thụ trong nước khoảng 21 triệu bao.
Nguyên nhân xuất khẩu cà phê tăng như vậy là do sử dụng nguồn cà phê dự trữ tích lũy qua hai mùa trước đó, tỷ giá hối đoái đồng real giảm khuyến khích khối lượng xuất khẩu tăng. Theo biểu đồ dưới đây, khối lượng xuất khẩu cà phê tháng qua 3 tháng gần nhất giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn so với niên vụ 2012/13 và niên vụ 2013/14.
Ngoài ra, Conab đã công bố khảo sát dự trữ cà phê cuối vụ 2014/15 của bộ phận tư nhân (ngày 31/3/2015) đã giảm 849.000 bao tức giảm 5,6% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt 14,4 triệu bao. Có thể nguồn dự trữ này đã giảm trong những tháng gần đây do tiêu thụ cho xuất khẩu.
Nhìn chung, giá cà phê tiếp tục chịu tác động bởi các khuynh hướng kinh tế vĩ mô, trong khi có rất ít thông tin cơ bản hỗ trợ các thị trường cà phê. Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm nhẹ trong 6 tháng qua cho nên thị trường thế giới vẫn đủ nguồn cung trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, hiện tượng El Niño được kỳ vọng phát triển trong vài tháng tới có thể khiến cho triển vọng sản lượng cà phê thiếu chắc chắn.
“Người trồng cà phê tại Brazil có mọi điều kiện thuận lợi để xuất khẩu nhiều hơn và các đồng nội tệ tại các thị trường mới nổi suy yếu thêm có thể sẽ ảnh hưởng đến giá cà phê đến quý 1 năm tới,” Artur Manoel Passos, một nhà kinh tế và phân tích hàng hóa tại công ty Itau Unibanco Holding SA ở Sao Paulo nhận định. Passos là nhà phân tích dự báo cà phê chính xác nhấn trong quý 2 năm nay, theo dữ liệu xếp hạng của hãng Bloomberg.
Vụ cà phê mới năm nay của Brazil ước tính thu hoạch xong khoảng 95% và sẽ sớm kết thúc trong vài tuần tới. Trong thời gian gần đây có nhiều số liệu ước tính sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2015/16 nhưng con số có thể chấp nhận được theo giới thương nhân và các hiệp hội cà phê rơi vào khoảng ít nhất 48 triệu bao dù có ước tính vượt 50 triệu bao. Công ty Cung ứng Quốc gia Brazil (CONAB) sẽ cập nhật ước tính mới nhất vào ngày 15/9/2015, dự kiến đây là thông tin tác động mạnh đến các thị trường cà phê, bên cạnh quyết định lãi suất cơ bản và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp diễn ra hai ngày 17-18/9/2015.
Sau ngày 07/9/2015 là ngày lễ Lao động tại Mỹ đánh dấu kết thúc mùa hè, hoạt động rang xay cà phê ở khu vực Bắc Mỹ trở lại hoạt động bình thường, hứa hẹn hoạt động cà phê vật chất sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.
Tình trạng kháng giá tại thị trường cà phê Việt Nam diễn ra trong thời gian dài, đặc biệt trong suốt tháng 8. Dự trữ cà phê robusta chứng nhận đạt chuẩn sàn ICE Futures Europe tại London tăng 18.833 bao tức tăng 0,55% trong hai tuần giao dịch tính đến ngày 31/8/2015, đăng ký dự trữ ở mức 3.413.500 bao. Mức tăng dự trữ tương đối khiêm tốn như thế xác nhận tình trạng kháng giá tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ còn vài tuần nữa sẽ tới thời điểm thu hoạch cà phê vụ mới tại Việt Nam (đầu tháng 10) với dự trữ cà phê chuyển vụ có thể khá cao so với năm trước tạo sức ép khiến các nhà xuất khẩu cần phải bán bớt cà phê để dọn kho chuẩn bị trữ cà phê vụ mới. Hiện tại các nhà xuất khẩu cà phê tại Việt Nam đang cố gắng bán cà phê để chuẩn bị kho trữ cà phê niên vụ 2015/16 và một bộ phận người trồng cà phê bắt đầu bán cà phê do kỳ vọng giá tăng của họ đã không thỏa mãn, giới thương nhân cho biết.
"Các nhà sản xuất cà phê Việt Nam dần dần bán cà phê khi thời điểm thu hoạch cà phê vụ mới đến gần hơn," Carlos Mera, nhà phân tích hàng hóa cao cấp tại Ngân hàng Rabobank nhận định.
Nhiều nhà đầu cơ và một số nông dân giàu có tại Việt Nam bắt đầu trữ cà phê vào cuối tháng 2 năm nay khi giá trong nước ở khoảng 40.000 đồng/kg với kỳ vọng giá sẽ tăng. Tuy nhiên giá cà phê tại Việt Nam đã suy yếu kể từ đó do ảnh hưởng thị trường cà phê robusta tương lai tại London liên tục sụt giảm.
Vào cuối tháng 8, người nông dân tại Việt Nam vẫn nắm giữ 320.000 tấn cà phê, tương đương 20% sản lượng niên vụ 2014/15, theo ước tính trung bình của 8 thương nhân do Bloomberg khảo sát, so với mức 90.000 tấn (5% sản lượng niên vụ 2013/14) ở cùng kỳ năm ngoái.
Sức bán cà phê tại thị trường nội địa Việt Nam kỳ vọng tăng dần nhưng các nhà xuất khẩu vẫn phải cân nhắc để đảm bảo có nguồn cà phê cho các cam kết kỳ hạn của mình.
"Chúng tôi không thể bán nhiều cà phê trong tháng qua," một nhà xuất khẩu tại Đắc Lắc cho hay. "Với lực mua yếu như bây giờ, hầu hết các nhà xuất khẩu sẽ giữ cà phê cho tháng 10 do cà phê vụ mới chỉ có được từ tháng 11"
Nếu không có gì thay đổi thì dự trữ cà phê chuyển vụ của Việt Nam năm nay có thể lên đến 7 - 9 triệu bao đến thời điểm bắt đầu thu hoạch cà phê vụ mới. Đó là con số đáng kể và nếu thị trường cà phê robusta tương lai tại London không có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn đến trung hạn thì sức bán cà phê tại Việt Nam có thể tăng lên về giai đoạn cuối năm.
Bình luận