Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 1 trong 3/17 đơn vị có Chỉ số cải cách hành chính tăng cao trong năm 2022
Có 14/17 có giá trị PAR INDEX năm 2022 giảm so với năm 2021, trong đó, Bộ Ngoại giao có giá trị giảm nhiều nhất (-15.35%).
Sáng ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp tập trung vào chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP |
Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển
Cũng tại phiên họp, các cơ quan đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, được Đảng xác định từ Đại hội XIII và Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai.
"Chúng ta xác định, đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 6 nội dung: công tác xây dựng pháp luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Báo cáo cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC cho biết, năm 2022 có 2 đơn vị có Chỉ số CCHC trên 90% là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PAR INDEX 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ với điểm Chỉ số CCHC là 91,77%. Đây là lần thứ 7 NHNN đứng đầu PAR INDEX sau 6 năm đứng đầu liên tiếp (2014-2020), riêng năm 2021 xếp vị trí thứ 3.
Báo cáo cũng cho biết, giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2022 là 84,05%, giảm 2,02% so với năm 2021 (giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2021 của các bộ là 86,07%). Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2030” được ban hành tại Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022, với nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần mới được đưa vào đánh giá để phù hợp với Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cũng như các chỉ đạo mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC.
"Đây cũng là một trong những nguyên nhân các bộ chưa đạt kết quả cao trong Chỉ số CCHC năm 2022", Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chỉ ra.
Nguồn: Chỉ số CCHC 2022 |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng
Kết quả đánh giá năm 2022 cho thấy, có 03/17 đơn vị có Chỉ số cải cách hành chính tăng cao hơn so với năm 2021, đó là: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thông tin và Truyền thông. Có 14/17 có giá trị PAR INDEX năm 2022 giảm so với năm 2021, trong đó, Bộ Ngoại giao có giá trị giảm nhiều nhất (-15.35%).
Cụ thể, về kết quả PAR INDEX năm 2022 các bộ, cơ quan ngang bộ có 03 nhóm:
Chỉ số cải cách hành chính trên 90%, bao gồm 02 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp.
Chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90%, bao gồm 11 đơn vị, bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công Thương.
Chỉ số cải cách hành chính dưới 80% có 04 đơn vị là: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao.
Cũng theo Bảng xếp hạng chỉ số này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng 2 bậc từ 12 (năm 2021) lên 10 (2022).
Bảng xếp hạng mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính cao nhất cả nước năm 2022. |
Người dân cho rằng vẫn còn tình trạng tiêu cực của công chức trong giải quyết công việc
Trong khi đó, với chỉ số SIPAS, từ ý kiến phản hồi của 36.095 người dân từ khắp các vùng, miền trong cả nước, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, phân tích dữ liệu khảo sát và xây dựng một bộ chỉ số gồm 37 chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá của người dân; 45 chỉ số phản ánh mức độ hài lòng của người dân và 10 chỉ số phản ánh nhu cầu, mong đợi của người dân.
Theo đó, người dân quan tâm đến 8 nhóm chính sách ở các mức độ rất khác nhau. Người dân quan tâm nhiều nhất đến chính sách khám, chữa bệnh, với mức độ rất quan tâm là 71,82%, quan tâm một chút là 25,8% và không quan tâm là 2,34%; quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế thấp nhất, với mức độ rất quan tâm chỉ là 57,07%, quan tâm một chút là 37,49% và không quan tâm là 5,44%.
Người dân rất sẵn lòng tham gia ý kiến góp ý đối với chính sách. Trong số 36.095 người dân tham gia khảo sát trong cả nước, 40,93% sẵn sàng tham gia ý kiến góp ý chính sách nếu được biết thông tin; 29,62% sẵn sàng tham gia nếu được tạo điều kiện thuận tiện; 24% khẳng định chắc chắn sẽ tham gia vì bản thân họ mong muốn.
Không ít người dân cho rằng, vẫn còn tình trạng tiêu cực của công chức trong giải quyết công việc cho người dân, mặc dù với các mức tiêu cực khác nhau. 12,28% người dân được khảo sát cho rằng, vẫn có tình trạng một số ít công chức gây phiền hà sách nhiễu và 1,33% cho rằng có tình trạng nhiều công chức gây phiền hà sách nhiễu.
10,05% người dân được khảo sát cho rằng có tình trạng một số người dân phải chi tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết và 1,77% cho rằng có tình trạng nhiều người dân phải trả tiền này.
Trong 63 tỉnh, thành phố, tỉnh có chỉ số hài lòng của người dân đối với với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất là 87,59% và tỉnh có chỉ số thấp nhất là 72,54%. Kết quả tỉnh Quảng Ninh xếp thứ nhất với mức độ hài lòng đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước là 87,59%, đây là lần thứ 4 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đứng thứ nhất chỉ số SIPAS. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương, Thanh Hóa. Đứng tốp cuối bảng chỉ số SIPAS là các tỉnh: Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Đối với Chỉ số PAR INDEX năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ở ngôi vị dẫn đầu đối với cấp tỉnh với 90,1 điểm. Tiếp đó là Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng. 5 tỉnh đứng cuối bảng là Phú Yên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bình Thuận, Bắc Ninh./.
Bình luận