Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Lắng nghe DN để tham mưu điều chỉnh kịp thời các chính sách mới
Ngày 27/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022.
"Phải chủ động, tích cực nhận diện vấn đề, quyết định nhanh, tham gia cuộc chơi từ đầu, từ sớm, không thể lỡ cơ hội và đi sau khi trật tự mới đã được thiết lập. Do vậy, phải tham mưu điều chỉnh kịp thời các chính sách", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Ảnh: Đức Trung |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá khả quan, nhiều ngành/lĩnh vực có sự phục hồi ấn tượng, nhưng những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt vẫn rất lớn.
Đặc biệt, tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực có nhiều biến động và tiềm ẩn rất phức tạp, khó lường. Đó là, xung đột vũ trang, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao; lạm phát cao đi kèm điều chỉnh chính sách tiền tệ khác nhau ở nhiều nước; gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở một số nền kinh tế lớn; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, suy thoái kinh tế ở một số quốc gia.
"Phải chủ động, tích cực nhận diện vấn đề, quyết định nhanh, tham gia cuộc chơi từ đầu, từ sớm, không thể lỡ cơ hội và đi sau khi trật tự mới đã được thiết lập. Do vậy, phải tham mưu điều chỉnh kịp thời các chính sách", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đơn giá cho nhân công đã tăng 30%, nhưng vẫn “khan” nhân lực
Phát biểu đầu tiên trong các đại biểu hiệp hội, ông Vũ Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) kêu rằng, trong tất cả các lĩnh vực thì ngành xây dựng “đang chịu khổ nhất, khổ trăm bề”.
Lý giải vì sao, ông Hiệp cho biết, tất cả các chi phí đầu vào của ngành xây dựng từ sắt, thép, xi măng, cát, hay các loại chi phí vận chuyển như giá xăng, dầu… đều tăng chóng mặt.
Cho rằng, giá vật liệu xây dựng tăng quá cao, mà chưa có biện pháp gì ngăn chặn và bù giá cho các nhà thầu, ông Hiệp “thú thật, bây giờ các nhà thầu hiện nay càng làm càng lỗ”.
Ông Vũ Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC): “thú thật, bây giờ các nhà thầu hiện nay càng làm càng lỗ”. Ảnh: Đức Trung |
Ông Hiệp cũng chia sẻ thêm một điểm khó khăn nữa đó là nhân công lao động hiện nay trong ngành xây dựng đang rất khan hiếm.
“Đặc điểm của ngành xây dựng là sử dụng nhiều lao động thời vụ, con số này chiếm tới 70%. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, số lượng lao động của nhóm này quay lại không được như số lượng ban đầu. Dù cho đơn giá cho nhân công đã tăng 30% nhưng vẫn không tìm kiếm được nguồn nhân lực”, ông Hiệp chia sẻ.
Một vấn đề Chủ tịch VACC “kêu” tại Hội nghị, đó là các doanh nghiệp xây dựng đang vướng luật phòng cháy chữa cháy.
Ông Hiệp cho biết, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy của nước ta hiện cao hơn các nước phát triển, “gần như cao nhất thế giới”. Đã thế lại có quy định phải nhập khẩu độc quyền một số sản phẩm như sơn chống cháy, kính chống cháy…
Khẳng định rằng, doanh nghiệp xây dựng bây giờ “không có cái gì là không phải trả tiền”, Chủ tịch VACC cho hay, ngành xây dựng rất mong có một cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ, cứu cho ngành xây dựng.
Bà Phạm Thị Tình - đại diện Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam thì phản ánh, sau thời gian dài nghỉ việc, tay nghề của lao động đi xuống, doanh nghiệp phải mất thời gian và chi phí đào tạo lại. Chưa kể một khó khăn nữa là, giá nhân công trong lĩnh vực này tăng nhưng vẫn không đủ sức "giữ chân" lao động.
Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, lượng lao động ngành du lịch sụt giảm khoảng 55-60%, nhiều khách sạn, đặc biệt là khách sạn 5 sao thận trọng, chưa mở lại.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, lượng lao động ngành du lịch sụt giảm khoảng 55-60%. Ảnh: Đức Trung |
Áp lực giá xăng dầu đẩy gánh nặng chi phí cho DN
Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) Nguyễn Duy Minh cho rằng, giá xăng dầu rất quan trọng. Toàn bộ hàng hóa nội địa bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, giá vận tải tăng lên và tác động tới toàn bộ giá hàng hóa cung cấp ra thị trường.
“Hiện nay, giá cả đang tăng lên cả trong nước và quốc tế. Do vậy, việc làm việc với các hãng tàu về vấn đề giá là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải tính đến phát triển dịch vụ hậu cần, kho bãi tại cảng, trung tâm của các thị trường lớn chủ lực cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh rằng, giá xăng dầu tăng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp thủy sản, sự việc tàu dừng không đi biển là có.
Đại diện các doanh nghiệp phản ánh nhiều khó khăn đang gặp phải trong thực tế, tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT |
“Hiện chi phí cảng biển tăng, cước phí tàu tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới doanh nghiệp. Đơn cử như chi phí 1 container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ mất khoảng 400 - 440 triệu đồng. 1 doanh nghiệp mỗi tháng chi phí cho dịch vụ loigictics lên tới vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng cần có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logisics trong thời gian tới”, ông Nam kiến nghị.
DN ngành da giày, túi xách tồn kho khoảng 40%
Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh năm nay vẫn chưa thể khẳng định được gì nhiều.
Bởi hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 chưa được khống chế hẳn, thậm chí tại nhiều quốc gia tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tăng giá năng lượng, giá nguyên, vật liệu. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá bông đã tăng 19%, cùng với đó giá xăng, dầu cũng tăng mạnh khiến doanh nghiệp dệt may đứng trước những khó khăn.
Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách đối mặt với tỷ lệ tồn kho cao (chiếm khoảng 40%). Ảnh: Đức Trung |
Trong khi đó, xung đột giữa Nga - Ukraine khiến giá cả leo thang, làm lạm phát tại một số thị trường tăng cao, ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của doanh nghiệp dệt may…
Mặc dù những tháng đầu năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp da giày có nhiều đơn hàng hơn, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn, nhưng bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách lại đối mặt với tỷ lệ tồn kho cao (chiếm khoảng 40%).
“Cùng với đó là chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero Covid-19”, bà Xuân cho biết.
DN trước sức ép tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7
Bên cạnh những khó khăn liên quan đến giá cả nguyên vật liệu, hàng tồn kho tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng, bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp còn đang đối mặt với vấn đề tăng lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1/7/2022, bởi dựa vào đó, người lao động tại nhiều doanh nghiệp cũng gây sức ép đòi tăng lương, tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Điều đáng buồn, theo bà Hương, đó là các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ dành cho doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 rất tốt, nhưng đến nay chưa có một doanh nghiệp điện tử nào được hưởng.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Ảnh: MPI). |
Các DN cần gì từ Nhà nước?
Chi phí logistics đã và đang là “gánh nặng” trên vai các doanh nghiệp xuất khẩu và tình trạng này còn có thể nặng nề hơn trong năm nay.
“Quan tâm và cải thiện để kéo giảm chi phí này xuống, nếu không kéo giảm được thì chúng ta không cạnh tranh được với các nước. Do vậy, cần các giải pháp đồng bộ, có những việc làm được ngay là chuyển đổi số và các doanh nghiệp có thể hỗ trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng hỗ trợ cho được. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Từ những thách thức trên, để tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp, bà Hương đề xuất, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, bởi doanh nghiệp không thể vay ngân hàng khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Tại Hội nghị, nhiều hiệp hội, ngành hàng như Hiệp hội Logistics Việt Nam, Hiệp hội Hàng không Việt Nam... cũng đồng loạt kiến nghị việc cần nghiên cứu để tiếp tục giảm giá xăng dầu, giảm giá nguyên, vật liệu hơn nữa.
Bởi, giá xăng dầu quá cao như hiện nay sẽ tác động đến nhiều loại hàng hoá nguyên, nhiên liệu sản xuất là đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời tác động đến những mặt hàng hoá tiêu dùng thiết yếu và đời sống người lao động.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị, các hiệp hội có văn bản đề xuất chính thức gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vòng 2 ngày tới. Ảnh: Đức Trung |
Còn theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để phục hồi thị trường du lịch, các doanh nghiệp du lịch đã nỗ lực rất nhiều, nhiều chi phí dịch vụ giảm, trong khi chi phí về vận tải lại tăng mạnh đặc biệt là giá vé máy bay tăng rất cao, ảnh hưởng tới việc giá tour.
“Để bán được tour tốt, doanh nghiệp phải cân đối rất nhiều, nhưng nếu du lịch và hàng không ngồi lại được với nhau để cùng tính toán mức giá vé phù hợp thì sẽ hỗ trợ cùng nhau trong việc khôi phục lại thị trường du lịch”, ông Bình nói.
Về nhân sự, ông Bình đề nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp về đào tạo nguồn nhân lực ở những điều kiện cơ bản nhất, nhờ vậy doanh nghiệp sẽ có nền tảng để phát triển tiếp.
Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh thì cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần quan tâm tái quy hoạch, quy hoạch mới về logistics, trong đó cho các doanh nghiệp chủ hàng đầu tư vào tỉnh/vùng phù hợp.
Vì thế, theo ông Minh, giải pháp dài hạn chính là quy hoạch ngành hàng, chuỗi giá trị và quy hoạch vùng. Cùng với đó, hỗ trợ chuyển đổi số mạnh cho ngành dịch vụ logistics cũng sẽ giúp cắt giảm chi phí.
Logistics quốc tế liên quan chặt chẽ đến lợi thế cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư FDI, ông Minh đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để có kế hoạch làm việc với các hãng tàu để bình ổn giá cước và phụ phí vận tải quốc tế.
Ngoài những khó khăn trên, các hiệp hội, ngành hàng cũng nêu vướng mắc trong tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng, cần có cơ chế thúc đẩy kinh tế chia sẻ như kết nối nguồn vốn của doanh nghiệp, huy động sử dụng các nguồn lực.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị, các hiệp hội có văn bản đề xuất chính thức gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vòng 2 ngày tới, để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới. “Đối với các nội dung dài hạn, Bộ tiếp thu và sẽ lựa chọn đề án, nhiệm vụ phù hợp để đưa vào”, Thứ trưởng Phương khẳng định. Thứ trưởng chia sẻ cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn./.
Bình luận