Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Tạo điều kiện phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Trang/MPI
86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế, đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%, đẩy thêm nửa tỷ người trên thế giới bị lâm vào cảnh đói nghèo. GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sụt giảm mạnh, như: Mỹ âm 5,9%, Anh âm 6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu âm 7,5% .
Trong khi đó, Việt Nam đã nỗ lực đạt được “trạng thái tích cực”, khi tăng trưởng GDP quý I/2020 đạt 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Lực lượng doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hiện đang bị tổn thương nặng nề. Các doanh nghiệp phải đối mặt với “khó khăn kép” vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, dẫn đến tính trạng thua lỗ; nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Theo khảo sát nhanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối tháng 4 vừa qua đối với gần 130.000 doanh nghiệp, đã có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019.
Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.
Số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2020 cũng cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, thể hiện qua việc giảm mạnh về số doanh nghiệp thành lập mới, quy mô doanh nghiệp bị thu hẹp, cùng với đó số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh (tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019).
Doanh nghiệp nỗ lực thích ứng với tình hình mới
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam đã được phát huy hơn bao giờ hết. Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động. Các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động có giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Đặc biệt, “cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức; nhiều doanh nghiệp đã chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của doanh nghiệp, chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, điển hình như: Chỉ thị số 11 - đây là nền tảng định hướng cho các chính sách cụ thể như Nghị quyết số 42, Nghị định số 41 của Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các chính sách vừa qua đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Thể hiện qua 88% doanh nghiệp được khảo sát đã nhận định các nhóm giải pháp Chính phủ ban hành theo Chỉ thị số 11 là phù hợp và kịp thời.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều mong mỏi và kỳ vọng vào những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước, để đồng hành cùng doanh nghiệp chớp lấy cơ hội trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở nước ta.
Điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị của doanh nghiệp là Chính phủ cần thực hiện triệt để việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách; thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi.
“Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ
Mặc dù hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước đã được đẩy lùi và kiểm soát thành công, tuy nhiên trên thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, như:
(I) Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp;
(Ii) Hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ;
(iii) Các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn.
“Thực tiễn này đã đặt ra câu hỏi lớn cho tất cả chúng ta: Cần phải làm gì? hành động gì? để có thể vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Việt Nam luôn tìm được hướng đi đúng và tạo nên kỳ tích trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Từ góc nhìn quốc tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới và phát triển bứt phá. Đây thực sự là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược.
Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do mới, như: CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ.
“Chính vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, trong bối cảnh đất nước đang đứng trước triển vọng lớn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất: Cần quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đã áp dụng đối với công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.
Trong trạng thái mới của nền kinh tế, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần thích nghi với điều kiện vừa phục hồi dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có những suy nghĩ trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội, tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước, mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, cần chủ động tìm hiểu thông tin và trang bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để nắm bắt cơ hội tạo dựng thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều dư địa trong hoạt động đầu tư, là khu vực chiếm lĩnh thị trường lớn và tập trung nhiều dự án lớn. Do đó, cần cần nghiên cứu một cách sâu sắc, nghiêm túc các cơ hội và thách thức để định hình được chiến lược phát triển của mình; xác định việc đổi mới khoa học, công nghệ, mở rộng thị trường là xu hướng tất yếu phải tập trung nguồn lực để thực hiện.
Song song với đó, cần thực hiện quản trị chuyên nghiệp hóa nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể trở thành lực lượng tiên phong, đảm đương vai trò dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực, tạo sự lan tỏa và lôi kéo các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước cùng phát triển.
Đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục phát huy tính bền bỉ, dẻo dai, sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, để duy trì sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động; nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong và ngoài nước.
Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần củng cố nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tầu, ưu tiên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị của mình; cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn lớn với mục tiêu thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.
Đối với doanh nghiệp FDI, cần xác định là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, xây dựng mối quan hệ tương sinh với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế./.
Bình luận