Xây dựng đề án chiến lược quốc gia về trọng dụng nhân tài

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều nay (ngày 4/11), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải đáp nhiều vấn đề “nóng”, mà như “chấm điểm” của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương là, với tinh thần cầu thị, không né tránh, phần trả lời chiều nay của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã hoàn thành tương đối tốt…, theo Văn phòng Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi chất vấn: “Trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh là thuật dùng người cũng là luật trị quốc. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14, trong đó chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Bộ trưởng với nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã làm gì để biến chủ trương này thành pháp luật, thành quy tắc xử sự có tính chất áp dụng chung?

Bộ trưởng Nội vụ nhận trách nhiệm trong quá trình xây dựng vị trí việc làm chưa đảm bảo yêu cầu
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân chất vấn về chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là truyền thống của dân tộc ta, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về thu hút và trọng dụng nhân tài đã được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết, trong các văn kiện Đại hội Đảng… Đến thời điểm này, các địa phương đã thu hút sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ được khoảng gần 3.000 người, nhưng đây là con số quá ít ỏi vào làm việc trong khu vực công.

“Thời gian tới, Bộ Nội vụ xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút và trọng dụng nhân tài, đồng thời sẽ có cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn…”, bà Trà cho hay.

Tranh luận về chậm giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) tranh luận: Bộ trưởng cần báo cáo rõ hơn về tình hình tinh giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn vừa qua với Quốc hội và cử tri. Trong báo cáo của Bộ trưởng có nêu, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chậm ban hành và hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, Bộ trưởng không nêu địa chỉ rõ ràng. Do vậy, đề nghị Bộ trưởng giải trình rõ vấn đề này, cũng như trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Nội vụ nhận trách nhiệm trong quá trình xây dựng vị trí việc làm chưa đảm bảo yêu cầu
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang tranh luận về tinh giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập

Trả lời phần tranh luận trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, vừa qua các cơ quan đã nỗ lực sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, theo đó, giảm trên 7.400 đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời đẩy mạnh tự chủ, tự chủ thường xuyên và cả tự chủ một phần. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của các đơn vị trong toàn hệ thống, nhưng còn có những vấn đề liên quan đến đẩy mạnh thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập.

“Hiện đã có nghị định hướng dẫn về tự chủ tài chính và về mặt tổ chức bộ máy. Theo đó, trong các nghị định có giao thẩm quyền cho các bộ theo chức năng phải xây dựng được quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp và xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật để đảm bảo thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, đúng như đại biểu đã nêu là dù các nghị định đã được xây dựng từ năm 2020, nhưng đến nay một số bộ vẫn còn chậm…”, bà Trà thẳng thẳn.

Truy trách nhiệm về giảm biên chế về lượng nhưng chưa tăng về chất

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong việc tham mưu giải quyết tinh giản biên chế tuy đã đạt chỉ tiêu số lượng, nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức?

Bộ trưởng Nội vụ nhận trách nhiệm trong quá trình xây dựng vị trí việc làm chưa đảm bảo yêu cầu

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận trách nhiệm trong quá trình xây dựng vị trí việc làm, khung năng lực chưa thật sự kịp thời, chưa đảm bảo được yêu cầu đặt ra và cho biết thời gian tới sẽ nỗ lực khắc phục.

Giải đáp câu hỏi trên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong quá trình sắp xếp tinh giản đã bước đầu gắn với cơ cấu và xác định được vị trí việc làm. Cho nên khi tuyển dụng đầu vào công chức hay viên chức đều đã xác định việc làm, vị trí việc làm. Tuy nhiên, để có được một vị trí việc làm thật chuẩn, đảm bảo được bao quát là nhiệm vụ cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục làm việc với Ban Tổ chức Trung ương về vấn đề này.Về nội dung có liên quan, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) làm thế nào để giảm được 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện Kết luận số 40-KL/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026, trong đó xác định rõ mục tiêu từ 2022 đến năm 2026 chúng ta phải thực hiện được hai chỉ tiêu quan trọng nêu trên.

“Đây là bài toán cần sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống trị, đồng sức, đồng lòng, trước hết tiếp tục thực hiện thật tốt cải cách tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó sắp xếp lại tổ chức bộ máy đơn vị hành chính bên trong của tất cả các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh cho đến Trung ương. Công việc quan trọng nữa đó là sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã…”, bà Trà trả lời chất vấn.

Nhóm vấn đề thứ hai, đó là tập trung hoàn thiện xong vị trí việc làm, khung năng lực của vị trí việc làm để xác định rõ biên chế của các cơ quan, đơn vị hành chính cũng như cơ quan, đơn vị sự nghiệp. Vấn đề thứ ba là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính để số người không nhiều nhưng vẫn phải đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra…/.