Hiện nay, quy định khái niệm “thực phẩm dinh dưỡng” và “sản phẩm sữa” vẫn đang rất mập mờ, khó hiểu. Thực tế, trên thị trường, có đến hàng chục tên gọi khác nhau được đặt cho sản phẩm mà người tiêu dùng quen gọi là sữa. Ví dụ như: Vinamilk Step 1, 2, 3 là “sản phẩm dinh dưỡng”; nhưng Optimum 1 - 3 là “thực phẩm dinh dưỡng”. Các sản phẩm của Dumex có tên là “thực phẩm dinh dưỡng công thức”. Hipp và Enfamil thì gọi tên sản phẩm của mình là “sản phẩm dinh dưỡng công thức”.

Trong khi đó, ở các nước trên thế giới, sữa là sản phẩm có thể thay thế sữa mẹ, còn thực phẩm dinh dưỡng là bổ sung dinh dưỡng, nhưng ở Việt Nam, không thể phân biệt được hai dòng sản phẩm này.

Sữa có hàm lượng protein cao tới 34%, trẻ em uống vào sẽ bị rối loạn tiêu hóa. Do đó, các nhà sản xuất thường phải loại bớt dạng đạm khó tiêu này và bổ sung thêm đạm dễ tiêu hơn và các chất có lợi cho sự phát triển của trẻ. Quá trình thêm - bớt này khiến sữa trở thành thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức dinh dưỡng... và thoát khỏi danh mục quản lý giá.

Trước tình trạng tên gọi “nhập nhằng” nói trên, ngày 1/7/2014, Cục quản lý giá, Bộ Tài Chính gửi văn bản kèm danh mục 30 sản phẩm sữa không nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy đinh, yêu cầu Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế xác minh lại.

Kết quả là 12/30 sản phẩm được khẳng định là nằm trong danh mục sữa phải bình ổn giá và vẫn còn đến 18 sản phẩm được hỏi không phải là sữa và không thuộc diện bình ổn giá.

Theo đề nghị của Cục Quản lý Giá Cục An toàn thực phẩm đã rà soát lại hồ sơ của 18 sản phẩm còn lại và đã khẳng định cả 30 sản phẩm đều nằm trong danh mục sữa phải thực hiện bình ổn giá theo quy định.

Đây là các sản phẩm mới công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm, như: I am kid vani loại hộp 350gr và 660gr, Optimum step 1 HT, Dielac Pedia 1+ HT loại hộp 400gr và 900gr...

Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) giải thích với báo giới, dù là sản phẩm dinh dưỡng, công thức, hay thực phẩm bổ sung, nhưng trong thành phần có sữa dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi đều phải áp giá./.