Người lao động trong nền kinh tế GIG: cơ hội và thách thức cho thị trường lao động Việt Nam
Từ khóa: lao động Gig, nền kinh tế hợp đồng, kinh tế Gig, quan hệ lao động
Summary
The Gig economy has been growing and spreading all over the world. The emergence of the Gig economy offers many opportunities, but also brings with it countless challenges that workers and employers face. The Gig economy strongly affects the labor market, labor relations and sustainable development of enterprises. The article focuses on clarifying opportunities and challenges for Vietnamese workers and employers in the context of the current development of the Gig economy.
Keywords: Gig labor, contract economy, Gig economy, labor relations
ĐẶT VẤN ĐỀ
Khác với nền kinh tế truyền thống, người lao động trong nền kinh tế Gig có thể linh hoạt/tự do tiếp nhận các công việc thay vì công việc cố định, nhận các hợp đồng ngắn hạn, thực hiện công việc theo yêu cầu. Theo đó, các công ty/doanh nghiệp chỉ thuê lao động để thực hiện một “hợp đồng công việc” cụ thể, vào thời điểm cụ thể, thay vì trở thành nhân viên dài hạn như ở nền kinh tế truyền thống. Như vậy, người lao động trong nền kinh tế Gig sẽ như những nhà cung cấp độc lập, họ có thể đáp ứng được “hợp đồng” của nhiều công ty/doanh nghiệp cùng một lúc và sử dụng công nghệ kĩ thuật số để kết nối với những người mua dịch vụ của họ.
Hiện nay, xu hướng tăng trưởng của các công ty/doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế Gig đã tạo ra nhiều sự lựa chọn việc làm hơn cho những lao động tìm kiếm sự tự do và linh hoạt trong bối cảnh mức lương trì trệ, biến động thu nhập sụt giảm do chịu ảnh hưởng từ thiên tai, địch họa. Những lao động ở nền kinh tế Gig có thể là các nhà tiếp thị, nhà thiết kế, nhà kinh tế phát triển, chuyên gia và cố vấn chuyên môn, thậm chí cả những quản lý cấp cao cũng đang lựa chọn tham gia. Theo đó, người lao động mong muốn làm việc trong môi trường nền kinh tế Gig và họ coi đó như một cách hấp dẫn hơn để đạt được sự cân bằng trong công việc và đời sống. Bởi nền kinh tế Gig cung cấp cho những người trẻ tuổi khả năng kiếm tiền trong khi vẫn đang đi học; còn đối với những người sắp đến tuổi nghỉ hưu lại giúp họ trì hoãn việc nhận tiền an sinh xã hội. Do đó, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng lựa chọn làm việc tự do một phần hoặc toàn bộ thời gian làm việc đã trở thành một lựa chọn nghề nghiệp chính thức đang có khuynh hướng vượt trội. Sự tăng trưởng về số lượng lao động trong nền kinh tế Gig đã trở nên rõ ràng hơn, khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các doanh nghiệp sa thải nhân viên hoặc cắt giảm giờ làm việc, khiến công nhân đã phải tìm kiếm cơ hội khác để bổ sung dòng tiền của họ hoặc để trở thành người lao động độc lập toàn thời gian. Như vậy, biến đổi hình thức lao động trong nền kinh tế Gig là rất lớn, đòi hỏi phải có những nghiên cứu đánh giá tác động mà nền kinh tế Gig gây ra đối với các quy định về việc làm, đặc biệt, đối với Việt Nam - quốc gia đang phát triển và có độ “mở” nền kinh tế cao là rất cần thiết. Nghiên cứu này tiếp cận từ góc nhìn xã hội học để phân tích, đánh giá cơ hội và thách thức đối với người lao động và người sử dụng lao động Việt Nam trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế Gig hiện nay.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Có khá nhiều tranh luận thế nào là nền kinh tế Gig, thế nhưng chưa có định nghĩa thống nhất về thuật ngữ này. Trong nghiên cứu này, quan niệm nền kinh tế Gig là hoạt động mà mọi người kiếm thu nhập bằng việc cung cấp công việc, dịch vụ hoặc hàng hóa theo yêu cầu và điều đó được thực hiện thông qua một nền tảng kỹ thuật số như một ứng dụng hoặc trang web.
Sự khác biệt của nền kinh tế Gig chính ở hình thức lao động ngắn hạn, không thường xuyên, thường sử dụng lao động dựa trên ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, nền tảng kỹ thuật số và có tính linh hoạt cao hơn. Theo đó, đặc điểm của kinh tế Gig được biểu hiện ra, như:
(i) Nền kinh tế Gig cho thấy, phần lớn các công ty nền tảng trung gian kết nối người yêu cầu (là tổ chức hoặc người tiêu dùng) với nhân viên hợp đồng theo yêu cầu và được sử dụng thông qua các nền tảng kỹ thuật số, ứng dụng di động trong các ngành, như: giao thông vận tải (ví dụ các dịch vụ gọi xe, như: Uber, Grab, Bee…), dịch vụ dọn nhà (ví dụ Helping), lập trình (ví dụ Clickworker) (Kuhn, 2016).
(ii) Nền kinh tế Gig mang đến sự chuyển dịch mạnh mẽ trong việc định hình lại cấu trúc việc làm, tạo ra những cơ hội chưa từng có cho người lao động, doanh nghiệp và xã hội. Dựa trên các nền tảng lao động số, người chủ dịch vụ kết nối khách hàng và người lao động nhằm thực hiện các nhiệm vụ, hoặc các công việc cụ thể. Như vậy, các nền tảng lao động số đang tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là nhóm lao động yếu thế trong thị trường lao động truyền thống gồm phụ nữ, người khuyết tật, người di cư, người thất nghiệp. Theo ILO (2021), năm 2020, toàn cầu có khoảng 777 nền tảng lao động số, tăng gấp 5 lần so với năm 2010.
Như vậy, có thể thấy, nền kinh tế Gig đã phát triển đa dạng những lựa chọn cho những người muốn sự linh hoạt và không bị áp đặt bởi các quy định tại những cơ quan, công ty thông thường (Antonio A. Casilli và Julián Posada, 2019). Các nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm nhân viên của mình với những năng lực cụ thể phù hợp với từng vị trí công việc từ khắp nơi trên thế giới, bất kể giới tính của họ là gì, quốc tịch là gì hay tình trạng kinh tế của họ ra sao. Ngược lại, người lao động cũng có thể đi sâu vào lĩnh vực họ quan tâm, chuyên môn họ có được để kiếm tiền trong một không gian thoải mái và họ có thể trở thành ông chủ của chính mình. Do đó, làm việc trong nền kinh tế Gig có thể làm giảm mức độ căng thẳng và giúp cân bằng cuộc sống với công việc (Manisha Goswami, 2020).
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mang lại của nền kinh tế Gig, người lao động và chủ doanh nghiệp cũng sẽ gặp rất nhiều những thách thức. Trong nền kinh tế Gig, tiến bộ công nghệ sẽ dẫn đến sự thay đổi trong văn hóa và nhận thức của con người rằng, công việc nghiêm túc chỉ có thể xảy ra trong văn phòng. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thấp hơn đối với người lao động và hợp đồng. Người sử dụng lao động hay người lao động có thể dễ dàng chấm dứt hợp đồng, nhưng người lao động sẽ không có trợ cấp thôi việc, không có trợ cấp tàn tật, không nghỉ ốm… Định chế đảm bảo quyền lợi của các chủ thể tham gia và quan hệ lao động trong nền kinh tế Gig chưa được kiến tạo, nên rủi ro xảy ra trong quan hệ lao động, có thể làm tổn thương đến các chủ thể trên thị trường lao động. Như vậy, có thể thấy, môi trường quan hệ lao động trong nền kinh tế Gig mang đến rất nhiều rủi ro của người lao động và người sử dụng so với môi trường lao động truyền thống.
LAO ĐỘNG TRONG NỀN KINH TẾ GIG Ở VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Thực trạng lao động Việt Nam trong nền kinh tế Gig
Sự phát triển của internet, công nghệ số, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19 đã khiến việc làm trong nền kinh tế Gig phát triển nhanh chóng ở Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của Anphabe, có 14% nguồn nhân lực trí thức Việt Nam hiện là lao động tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian bên ngoài. Như vậy, hiện có tới 53% nguồn nhân lực trí thức tham gia vào nền kinh tế Gig (Phương Quỳnh, 2022). Hệ sinh thái trong nền kinh tế Gig ở Việt Nam được chia thành 3 nhóm: (i) Người lao động trình độ thấp, họ sẽ thực hiện lao động chân tay và kiếm tiền trên cơ sở làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu; (ii) Người lao động có kỹ năng trung bình, có kỹ năng hành chính, họ có thể tìm kiếm công việc làm thêm hợp đồng để tăng thêm thu nhập; (iii) Những người có tay nghề cao bao gồm các chuyên gia có kinh nghiệm làm việc chuyên môn cao, họ có thể thực hiện các hợp đồng tư vấn theo đơn đặt hàng để tăng thêm thu nhập.
Ở Việt Nam, sự chuyển đổi kỹ thuật số, khát vọng làm việc độc lập, cộng thêm nhu cầu xã hội gia tăng về số lượng lao động làm trong các ngành dịch vụ đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Gig. Theo đó, các lĩnh vực, như: công nghệ thông tin, sáng tạo nội dung, tiếp thị, truyền thông xã hội, thực phẩm và đồ uống, nghệ thuật và thiết kế, vận tải và hậu cần, bán lẻ và các lĩnh vực dịch vụ cá nhân đã và đang vận hành mô hình này. Có thể nói, tại Việt Nam, nền kinh tế Gig có tiềm năng tạo ra cơ hội việc làm rất lớn cho cá nhân, nhất là giới trẻ am hiểu công nghệ, muốn làm việc độc lập và cải thiện cuộc sống của họ. Điều này vô hình chung đã và đang thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu về thế hệ trẻ Việt Nam do nhóm IRL Việt Nam thực hiện vào năm 2020 cho thấy, có hơn 1/3 người trả lời muốn có kế hoạch kinh doanh riêng, bất kể xuất thân của họ như thế nào, cũng đều có khao khát kinh doanh riêng (Frankie, L và Công ty nghiên cứu IRL, 2020). Bởi họ cho rằng, nếu chỉ thuần túy làm nhân viên, thì họ sẽ không có được tiếng nói, cũng như tự do sáng tạo và họ coi khởi nghiệp chính là cách để tiến thân mạnh mẽ cùng với sự trợ giúp của công nghệ, thương mại điện tử.
Sự gia tăng liên tục của công việc trong nền kinh tế Gig ở Việt Nam là điều có thể nhìn thấy rõ, nhưng không đi cùng với những hiệu quả kinh tế mà người lao động Việt Nam có thể thụ hưởng, có thể nhìn nhận ở các khía cạnh sau:
Một là, người lao động phải đối mặt với những vấn đề, như: tiêu chuẩn lao động, quy định về việc làm, điều khoản hợp đồng, quyền cơ bản của việc làm, sự công bằng và tính bền vững là những trở ngại đối với người lao động trong nền kinh tế Gig. Bên cạnh đó, những thách thức liên quan đến khuôn khổ pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ thể tham công việc trong nền kinh tế Gig cũng làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Hai là, thu nhập thấp và điều kiện để lao động là vấn đề nổi cộm mà người lao động trong nền kinh tế Gig phải đối mặt. Theo kết quả nghiên cứu thực nghiệm về “sự tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm của lái xe công nghệ Grab” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn sức khoẻ và Phát triển cộng đồng thực hiện cho thấy, có 2/3 các lái xe công nghệ (cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ (xe máy và ô tô) cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa được điều hành trên nền tảng công nghệ) đã có gia đình và 60% đang phải làm kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên, nhưng thu nhập từ nguồn lái xe công nghệ khá thấp, bình quân lái xe máy là 318.000 đồng/ngày và 7 triệu đồng/tháng; lái xe ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng (đã trừ phí, xăng). Trong khi đó, tài xế xe máy phải làm việc khoảng 9,2 giờ/ngày, còn tái xế ô tô làm việc khoảng 11,2 giờ/ngày và họ dường như không có ngày nghỉ, ngay cả dịp lễ, tết; đồng thời, họ luôn phải đối mặt với điều kiện làm việc khắc nghiệt. Một điều đáng lưu ý về phía người lao động là phần lớn các tài xế công nghệ không chú ý tới việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là nhóm lái xe ít tuổi, thâm niên lái xe thấp, chỉ có 42% đã được nghe đến các chế độ an sinh xã hội và 67% không rõ gồm những chế độ gì (Thanh Tùng, 2022).
Ba là, người lao động tự do (freelencer) phải đối mặt với rất nhiều căng thẳng và dễ bị tổn thương. Sự linh hoạt của những hợp đồng ngắn hạn, tính tạm thời có thể phá vỡ sự cân bằng cuộc sống công việc, giờ giấc và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Tính linh hoạt trong nền kinh tế Gig đồng nghĩa với việc người lao động phải sẵn sàng bất cứ khi nào có hợp đồng tạm thời và luôn phải đi tìm kiếm những bản hợp đồng tiếp theo, vì vậy mà luôn phải đối mặt với sự bấp bênh, không ổn định. Với nhiều freelancer, sự quan tâm đến các khoản tiết kiệm, kế hoạch tài chính cũng hạn chế hơn so với những nhân viên truyền thống. Trong thực tế, khả năng để những người này tiếp cận với các khoản hỗ trợ, vay nợ tín dụng cũng ít hơn so với những người có công việc ổn định vì họ không chứng minh được thu nhập ổn định từ một công ty (Minh Đức, 2020).
Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong việc điều chỉnh các mối quan hệ lao động ở nền kinh tế Gig
Sự vận hành của nền kinh tế Gig ở Việt Nam mang đến nhiều cơ hội và kèm theo vô số thách thức mà người lao động và người sử dụng lao động phải đối mặt; đồng thời đi cùng với những tác động từ những thách thức đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước, điều đó được biểu hiện ra ở những phương diện sau:
Thứ nhất, thừa nhận về tính linh hoạt, đa dạng trong cơ cấu ngành nghề nhưng cơ hội phát triển nghề nghiệp của các cá nhân sẽ bị hạn chế, đặc biệt là về mặt thăng tiến. Sự phổ biến của các hợp đồng lao động ngắn hạn có thể làm giảm động lực của người lao động để có được các kỹ năng chuyên môn. Nếu người lao động đầu tư nỗ lực để đạt được các kỹ năng cụ thể cho công ty hoặc ngành của họ, điều này sẽ làm tăng năng suất của họ, nhưng cũng khiến họ dễ bị tổn thương hơn - họ sẽ mất nhiều thứ hơn nếu mất việc làm hiện tại. Kết quả là, người lao động không chắc chắn liệu họ có thể ở lại công việc hiện tại ở mức độ nào và trong bao lâu, nên các khoản đầu tư vào việc cải thiện bộ kỹ năng cụ thể cho công việc của họ sẽ ít sinh lợi hơn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là đầu tư cho năng lực bản thân để tạo động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội sẽ bị chi phối lớn bởi nhận thức chủ quan của cá nhân.
Thứ hai, sự hiện diện của các nền tảng công nghệ với tư cách là người trung gian trong thị trường việc làm khiến cho chúng ta đặt câu hỏi về tính hợp pháp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Các công ty khi phát triển các ứng dụng độc quyền (app), họ sẽ giữ quyền kiểm soát đối với việc phân bổ công việc, điều kiện làm việc và mức giá quy định cho nhân viên (Scheiber, N., 2017). Họ áp đặt các tiêu chuẩn tối thiểu có thể chấp nhận với người lao động (ví dụ, như: thời gian giao hàng, số chuyến…) và có thể thực thi các tiêu chuẩn này thông qua hình thức kỷ luật từ nhẹ đến nghiêm trọng (tước quyền trở thành nhân viên). Còn những người lao động họ sẽ phải cung cấp sức lao động, thời gian và không có khả năng định giá cá nhân. Tỷ lệ trả tiền lao động thay đổi theo cung - cầu phụ thuộc vào các thị trường do mỗi ứng dụng tạo ra, do vậy các công ty sẽ có những quyền kiểm soát đáng kể. Những người lao động trong nền kinh tế hợp đồng có quyền tự chủ hạn chế ở 2 khía cạnh, như: họ có thể chọn có làm việc hay không (rời khỏi khi không đáp ứng được nhu cầu) và có thể cung cấp dịch vụ (sức lao động, thời gian, kĩ năng) của họ cho nhiều ứng dụng cùng lúc. Đồng nghĩa, cho phép các công ty/doanh nghiệp từ chối một số trách nhiệm của “người sử dụng lao động”. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhóm người lao động trình độ thấp và đặc biệt là những công việc trong ngành dịch vụ như vận tải… Bởi nguồn thu nhập chính của người lao động trong những nhóm ngành này không cố định, làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, nếu không làm sẽ không có nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, người lao động còn phải chịu những chi phí công việc tiềm ẩn, như: bảo trì, chi phí cho thiết bị… Do đó, bài toán sinh kế với nhóm người lao động dễ bị tổn thương càng trở nên khó khăn hơn.
Thứ ba, những người lao động trong nền kinh tế Gig luôn phải đối mặt với mức độ bảo vệ thấp trước các rủi ro. Việc không được hưởng các phúc lợi an sinh xã hội liên quan đến mô hình công việc họ tham gia, với tư cách là người lao động tự do, họ sẽ không bắt buộc phải đóng góp các khoản bảo hiểm khiến cho việc tiếp cận các lợi ích là điều không thể. Hơn nữa, những vấn đề liên quan đến ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra bất cứ khi nào đối với họ, làm cho tình hình của họ càng trở nên bấp bênh và dễ bị tổn thương hơn. Có thể nói, người lao động đang phải đối mặt với một hình thức lao động phi tiêu chuẩn mới với sự đảm bảo yếu kém về mặt bảo trợ xã hội.
Thứ tư, mô hình lao động của nền kinh tế Gig khiến sự gắn kết xã hội bị ảnh hưởng. Các tác động tiêu cực trong nền kinh tế hợp đồng đó là sự suy yếu của tính liên kết xã hội. Sự không ổn định của việc làm dẫn đến sự phụ thuộc tương đối nhiều của lao động hợp đồng vì trong nền kinh tế Gig, các việc được chia nhỏ thành nhiều nhiệm vụ khác nhau và được đảm nhiệm bởi những cá nhân khác nhau trong thời gian ngắn. Thêm nữa, đó là mức độ tham gia của cá nhân vào kế hoạch tập thể của một tổ chức sẽ tạo thành mối đe dọa với sự gắn kết xã hội./.
TS. Phạm Văn Hiếu
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 16, tháng 6/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Antonio A. Casilli and Julián Posada Gutiérrez (2019), The Platformization Of Labor and Society, in M. Graham & W. H. Dutton (eds.), Society and the Internet, How Networks of Information and Communication are Changing Our Lives, (2nd edition), Oxford, UK: Oxford University Press.
2. Frankie, L và Công ty nghiên cứu IRL (2020), Báo cáo Nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam, truy cập từ https://www.britishcouncil.vn/sites/default/files/nghien-cuu-the-he-tre-viet-nam.pdf.
3. Kuhn, K.M. (2016), The rise of the "Gig economy" and implications for understanding work and workers, Industrial and Organizational Psychology, 9(1), 157-162.
4. Manisha Goswami (2020), Revolutionizing employee employer relationship via gig economy, Materials Today: Proceedings, https://doi.org/10.1016/j.matpr.2020.09.436.
5. Minh Đức (2020), Nỗi lo của freelancer mùa đại dịch: Thu nhập bấp bênh, chẳng còn việc để "bán máu, bào sức", truy cập từ https://kenh14.vn/noi-lo-cua-freelancer-mua-dai-dich-thu-nhap-bap-benh-chang-con-viec-de-ban-mau-bao-suc-20200331234330705.chn
6. ILO (2021), World Employment and Social Outlook 2021 The role of digital labour platforms in transforming the world of work, retrieved from https://www.ilo.org/global/research/global-reports/weso/2021/WCMS_771749/lang--en/index.htm.
7. Phương Quỳnh (2022), Freelancer: xu hướng việc làm hay trào lưu?, truy cập từ https://tuoitre.vn/freelancer-xu-huong-viec-lam-hay-trao-luu-20220924084724085.htm.
8. Scheiber, N. (2017), How Uber Uses Psychological Tricks to Push Its Drivers’ Buttons, retrieved from https://www.nytimes.com/interactive/2017/04/02/technology/uber-drivers-psychological-tricks.html
9. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2022), Báo cáo Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm.
10. Thanh Tùng (2022), Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ lợi ích của người lao động, truy cập từ https://phapluat.tuoitrethudo.com.vn/hoan-thien-he-thong-an-sinh-xa-hoi-bao-ve-loi-ich-cua-nguoi-lao-dong-66189.html.
Bình luận