Các KCN tỉnh Bắc Giang bứt phá trong thu hút đầu tư
Toàn cảnh KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang |
Thu hút đầu tư mạnh mẽ
Năm 2022, mặc dù các KCN tỉnh Bắc Giang còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; song Ban Quản lý các KCN Tỉnh (Ban Quản lý) đã chủ động, sáng tạo trong công tác quảng bá, vận động thu hút đầu tư vào các KCN Tỉnh với nhiều hình thức xúc tiến đa dạng, phong phú, đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý đã cấp mới chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án (trong đó có 11 dự án FDI và 08 dự án DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 244,2 triệu USD và 4.356 tỷ đồng, tăng 03 dự án so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời cấp điều chỉnh cho 67 lượt dự án, trong đó có 18 lượt điều chỉnh tăng vốn với số vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm là 248,8 triệu USD và 19,59 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh (quy đổi) đạt khoảng 683,3 triệu USD, đạt 68,3% kế hoạch Chủ tịch UBND Tỉnh giao năm 2022.
Lũy kế đến nay, trong các KCN trên địa bàn Tỉnh có 432 dự án đầu tư thứ cấp đang còn hiệu lực (trong đó có 320 dự án FDI và 112 dự án DDI), với số vốn đầu tư đăng ký (quy đổi) đạt 7,61 tỷ USD Mỹ. Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án ước đạt khoảng 4.754 triệu USD, bằng 62,47% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước
Trong 06 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được phân cấp: Quản lý đầu tư, quy hoạch, xây dựng, môi trường, doanh nghiệp, lao động, cải cách hành chính…
Hiện nay tỉnh Bắc Giang có 09 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất quy hoạch là 1.877,5 ha. Trong đó có 05 KCN đang hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy KCN gồm: KCN Đình Trám, diện tích 127,4 ha, lấp đầy 100%; KCN Quang Châu, diện tích 426ha, lấp đầy 100%; KCN Song Khê - Nội Hoàng, diện tích 149,8ha, lấp đầy 100%; KCN Vân Trung, diện tích 349,6ha, lấp đầy 100%; KCN Hòa Phú, diện tích 207,5ha, lấp đầy trên 85%. |
Song song với công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư được Ban Quản lý quan tâm chú trọng. Ban thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai các dự án sau khi được cấp chứng nhận đầu tư; kịp thời đôn đốc, hỗ trợ các dự án chậm tiến độ, vướng mắc về đầu tư; phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý các dự án vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, kiên quyết xử lý các dự án không thực hiện đầu tư theo cam kết, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Trong công tác quy hoạch, phát triển KCN được đặc biệt quan tâm chú trọng. Bắc Giang hiện có 05 KCN đang hoạt động, hầu hết các KCN có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Để tạo quỹ đất sạch, kịp thời đón các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế thế giới thuộc chuỗi cung ứng của Apple, Sangsung, các công ty thuộc chuỗi cung ứng của Tập đoàn Honda... Ban Quản lý đã đôn đốc các nhà đầu tư nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN tập trung, đẩy nhanh tiến độ của dự án đầu tư đã được duyệt tại 04 KCN (KCN Việt Hàn, huyện Việt Yên, diện tích 50ha; KCN Tân Hưng, huyện Lạng Giang, diện tích 105,3ha; KCN Yên Lư, huyện Yên Dũng, diện tích 377ha, KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1, diện tích 85ha).Theo kế hoạch đến quý III/2022 các KCN sẽ đảm bảo quỹ đất sạch để tiếp nhận các dự án đầu tư thứ cấp. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang hiện có 02 dự án đầu tư hạ tầng KCN đang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ Chấp thuận chủ trương đầu tư thành lập mới và mở rộng, bao gồm 01 KCN mới (KCN Yên Sơn- Bắc Lũng, thuộc huyện Lục Nam, diện tích 300ha) và 01 KCN mở rộng (KCN Quang Châu diện tích mở rộng 90ha).
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong KCN tỉnh Bắc Giang |
Ban Quản lý các KCN Bắc Giang cho biết, các năm tiếp theo chắc chắn tỉnh Bắc Giang sẽ luôn đảm bảo quỹ đất công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư xây dựng nhà máy tại Bắc Giang.Với tốc độ thu hút đầu tư vào các KCN mạnh mẽ như vậy, việc thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN là một trong các nhiệm vụ quan trọng cần thiết phải thực hiện ngay. Hiện Ban Quản lý đang tích cực phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng và đôn đốc UBND các huyện có KCN thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Về công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN, đối với các KCN đang hoạt động, Ban đôn đốc các chủ đầu tư tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phần diện tích đã được bàn giao mặt bằng. Đối với các KCN mới được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2022, Ban đã kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND Tỉnh thành lập KCN, ban hành Kế hoạch triển khai dự án; đồng thời chủ động đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư triển khai trình tự thủ tục đầu tư theo quy định.
Cùng với đó, công tác quản lý trật tự xây dựng được theo dõi, giám sát chặt chẽ để đảm bảo các dự án được đầu tư theo đúng quy định. Trong 06 tháng đầu năm 2022, Ban đã tổ chức kiểm tra chất lượng công trình đối với 08 doanh nghiệp; kiểm tra trật tự xây dựng đối với 08 doanh nghiệp. Thẩm định phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) cho 07 dự án; thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi: 09 dự án; cấp 15 Giấy phép xây dựng mới, 01 Giấy phép sửa chữa cải tạo; điều chỉnh 05 Giấy phép xây dựng; kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng cho 25 doanh nghiệp.
Công tác quản lý doanh nghiệp và lao động luôn được tăng cường đẩy mạnh. Ban tích cực theo dõi, giám sát các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách và quy định về tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội… đối với người lao động theo đúng quy định của pháp luật về Lao động và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với công nhân lao động. Thời gian qua Ban đã đôn đốc các doanh nghiệp triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, công tác quản lý doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm đặc biệt. 06 tháng đầu năm 2022, Ban đã tham mưu UBND Tỉnh thành lập Tổ kiểm tra liên ngành rà soát các điều kiện, tiêu chí hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp chế xuất trong các KCN trên địa bàn Tỉnh; tham mưu Chủ tịch UBND Tỉnh tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời; tổ chức Hội nghị gặp mặt các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân Hàn Quốc; Tham mưu cho UBND Tỉnh tổ chức đón tiếp các đoàn thăm, làm việc tại các KCN. Cùng với đó, Ban thường xuyên quan tâm rà soát những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong KCN trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu Trung Quốc.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN Tỉnh tương đối ổn định và phát triển, cụ thể: Đã phát triển thêm 18 doanh nghiệp mới trong các KCN. Đến nay, trong các KCN trên địa bàn Tỉnh có 395 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 12 doanh nghiệp hoạt động so với năm 2021. Tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 127.000 tỷ đồng, đạt 50,8% kế hoạch; thuế phát sinh phải nộp ước đạt khoảng 2.450 tỷ đồng, đạt 61,25% kế hoạch.
Tính đến hết tháng 6/2022, trong các KCN có 177.423 lao động (tăng 27.323 lao động so với cùng kỳ năm 2021) với thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được Ban quan tâm đẩy mạnh; duy trì, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành của Tỉnh, đảm bảo các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết luôn thông thoáng, đơn giản, nhanh chóng, tạo mọi điều kiện thuận tiện cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Công tác quản lý môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm theo dõi chặt chẽ. Ban thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra các chủ đầu tư hạ tầng KCN, các doanh nghiệp trong KCN thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; kịp thời nắm bắt tình hình và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiến nghị xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường, Cùng với đó thực hiện tốt công tác tuyên truyền về công tác môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm bằng các việc làm thiết thực như: Chỉ đạo các doanh nghiệp hưởng ứng “Tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2022; tổ chức hướng dẫn thực hiện 09 mô hình điểm “Bếp ăn an toàn thực phẩm” trong các KCN; tổ chức “Hội nghị tập huấn Luật Bảo vệ Môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành” cho chủ doanh nghiệp và cán bộ phụ trách môi trường của các doanh nghiệp trong KCN.
Mặt khác, công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy luôn được tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ. Tổ chức giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp bố trí và phân luồng phương tiện vận tải trong các tuyến đường nội bộ các KCN; chấn chỉnh tình trạng dừng đỗ xe sai quy định, gây ách tắc giao thông tại các KCN; tăng cường phối hợp kiểm soát và xử lý tình trạng bán hàng rong trong các KCN. Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông trong các KCN; kịp thời nắm tình hình, phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết các vụ việc phức tạp phát sinh về an ninh trật tự trong các KCN.
Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các KCN tiếp tục được quan tâm chú trọng. Ban thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 Tỉnh về công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp. Đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong các KCN. Tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động, đề cao cảnh giác, tránh tư tưởng chủ quan; chủ động phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân, doanh nghiệp và cộng đồng. Phối hợp với Trung tâm Y tế các KCN giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới và xử lý các ổ dịch phát sinh. Tập trung đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động.
Phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quản lý và phát triển KCN
Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Ja Solar, KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang |
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022, theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, 06 tháng cuối năm 2022, Ban phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, chủ động tham mưu UBND Tỉnh rà soát, đánh giá các quy định, cơ chế, chính sách của Tỉnh liên quan tới công tác quản lý, thu hút đầu tư vào các KCN, đảm bảo đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của Tỉnh.
Tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các KCN, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đảm bảo các thủ tục hành chính thông thoáng, đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Trước mắt trong tháng 8/2022 Ban tham mưu UBND Tỉnh ban hành sửa đổi, bổ sung Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các KCN và Quy chế phối hợp quản lý đối với các KCN theo đúng quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý các KCN, Khu kinh tế.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý quy hoạch đối với các KCN theo Quy hoạch Tỉnh đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt; tham mưu UBND Tỉnh bám sát tiến độ, đề nghị Bộ KHĐT trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với KCN Yên Sơn-Bắc Lũng và KCN Quang Châu (mở rộng); Hướng dẫn, phối hợp đẩy nhanh tiến độ khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng các KCN mới đã được Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND Tỉnh cho phép.
Chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng KCN đẩy nhanh tiến độ, sớm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật bên trong các KCN theo quy hoạch chi tiết được duyệt, nhất là các công trình công cộng, phúc lợi phục vụ người lao động và các hạng mục cây xanh, bảo vệ môi trường trong KCN.
Thứ ba, phối hợp, đôn đốc các địa phương hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các KCN theo đúng tiến độ, kế hoạch của UBND Tỉnh giao, sớm tạo quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư. Đề nghị các huyện, thành phố liên quan tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc liên quan đến mặt bằng của các KCN cũ ( Vân Trung, Song Khê-Nội Hoàng (phía Nam), Quang Châu, Hòa Phú) để sớm bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư hoàn thành xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Phối hợp kết nối, đồng bộ hạ tầng bên trong KCN với hạ tầng bên ngoài hàng rào KCN, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động và doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Thứ tư, phối hợp nghiên cứu, tham mưu UBND Tỉnh xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn thu hút dự án đầu tư vào KCN phù hợp với tình hình mới; trong đó, tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, xác định các ngành nghề trọng điểm phát triển công nghiệp của Tỉnh.
Đẩy mạnh các giải pháp vận động, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng thẩm định đầu tư vào các KCN nhằm lựa chọn được các nhà đầu tư thứ cấp đáp ứngđủ cáctiêu chí:Suất đầu tư dự án; năng lực kinh nghiệm-pháp lý; năng lực tài chính; tiến độ thực hiện dự án; yêu cầu về bảo vệ môi trường... Phấn đấu hoàn thành kế hoạch UBND Tỉnh giao về thu hút tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm 01 tỷ USD. Kiên quyết xử lý các chủ đầu tư vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất và môi trường đầu tư của Tỉnh.
Thứ năm, thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sau khi được chấp thuận đầu tư; kịp thời nhắc nhở, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chậm tiến độ và vướng mắc về trình tự đầu tư; trong công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng và thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động.
Thứ sáu, thường xuyên nắm bắt, phối hợp giải quyết, ổn định tình hình ANTT, ATGT, PCCC trong các KCN, chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng phối hợp với các địa phương, các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết tình trạng bán hàng rong, xử lý tình trạng ùn tắc giao thông trong và ngoài cổng các KCN.
Thứ bảy, tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Kịp thời chỉ đạo triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong các KCN. Tập trung cao công tác tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4 cho người lao động trong các KCN./.
Bình luận