Đỗ Thị Mỹ Hạnh

Học viên cao học chuyên ngành Quản trị kinh doanh Khóa 8 (CH8QTKD) – Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Email: hanh150398@gmail.com

PGS, TS. Nguyễn Văn Tiến

Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến Quyết định học Chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao của sinh viên tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 nhân tố, gồm: Chương trình giảng dạy; Đội ngũ cán bộ giảng viên; Cơ hội việc làm; Danh tiếng; Tài chính và Marketing đều có ảnh hưởng đến Quyết định lựa chọn học Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao của sinh viên. Qua đó, nhóm tác giả đề xuất 6 hàm ý quản trị cho Nhà trường nhằm nâng cao chất lượng và góp phần nâng cao kết quả công tác tuyển sinh.

Từ khóa: chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV), Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, quyết định học Chương trình PFIEV

Summary

The research aims to identify factors influencing the decision to study the training program of excellent engineers in Vietnam. Research results show that there are 6 factors, including: Curriculum; Faculty and staff; Job opportunities; Reputation; Finance and Marketing both affect students' decisions to choose to study the excellent engineer training program. Thereby, the authors propose 6 management implications for the School to improve quality and contribute to improving enrollment results.

Keywords: Vietnam-France Excellent Engineer Training Program (PFIEV), Ho Chi Minh City University of Technology, decision to study PFIEV

ĐẶT VẤN ĐỀ

Năm 1986, Việt Nam trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và nhằm đạt mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, Chính phủ đã ban hành Quyết định 14/2005/NQ-CP nhằm đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, tạo được chuyển biến cơ bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Để hội nhập tốt, người học phải chuẩn bị một hành trang tri thức đầy đủ về kiến thức, kỹ năng và ngôn ngữ để tự tin hòa nhập môi trường quốc tế, việc tiếp xúc với môi trường học tập đa văn hóa đã phát triển như minh chứng bằng sự phổ biến ngày càng tăng. Theo đó, sinh viên có thể lựa chọn hình thức đi du học, nhằm nắm bắt cơ hội tiếp thu nguồn tri thức mới từ những đất nước có nền giáo dục tiên tiến, được tiếp xúc với nền văn hóa, hệ thống giáo dục mới, tạo cơ hội học hỏi ngôn ngữ mới và tìm kiếm các mối quan hệ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những bất cập của du học là chi phí cao, rào cản về ngôn ngữ và sốc văn hóa khi mới tiếp xúc, nỗi nhớ nhà và các vấn đề liên quan khác, nhất là trong thời kỳ biến động của dịch bệnh, nhiều tổ chức giao dục trên thế giới vẫn bắt buộc sinh viên học online.

Bên cạnh đó, sinh viên có thể lựa chọn hình thức tham gia học tại các trường đại học có Chương trình Đào tạo chất lượng cao. Đây là một trong những cách tiếp cận mà Việt Nam đã áp dụng cho xu hướng "quốc tế hóa trong nước". Sinh viên có nhiều cơ hội hơn để khám phá, phát triển bản thân và có nhiều trải nghiệm học tập. Bằng cách tích hợp các phương pháp giảng dạy và chương trình quốc tế vào giảng dạy, sinh viên sẽ được tiếp cận, làm quen những nhân tố mới, sẵn sàng cho những thách thức và cơ hội trong cuộc sống và làm việc ở mọi quốc gia. Sinh viên sẽ không phải chi trả số tiền lớn để đi du học, từ đó giảm bớt một phần gánh nặng về tài chính.

Để khẳng định vị thế trong ngành giáo dục, các trường đại học cần có chiến lược tuyển sinh phù hợp đề thu hút người học. Công tác tuyển sinh giữa các trường ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các trường cần nắm rõ nhân tố nào và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến quyết định học của sinh viên. Do vậy, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định học Chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam là điều rất cần thiết, qua đó đưa ra các hàm ý quản trị nhằm giúp các tổ chức giáo dục hiểu rõ hơn về các nhân tố giúp sinh viên đưa ra quyết định, góp phần xây dựng chiến lược nhằm thu hút sinh viên trong công tác tuyển sinh Nhà trường.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH LIÊN QUAN

Cơ sở lý thuyết

Quyết định: Theo Từ điển Tiếng Việt, quyết định chỉ các hành động đưa ra ý kiến cuối cùng cho một vấn đề, quyết định thể hiện kết quả của sự lựa chọn giữa các nhân tố khác mà người đưa ra quyết định sau khi xem xét và cân nhắc lỹ lưỡng.

Quy trình ra quyết định: Theo Philip Kotler (2001) như Hình 1.

Hình: 1 Mô hình quy trình 5 bước trong quyết định lựa chọn của Philip Kotler

Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định học Chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao của sinh viên tại Việt Nam

Nguồn: Philip Kotler, 2001

Hành vi người tiêu dùng của Philip Kotler là mô hình giải thích cách mà người tiêu dùng tìm kiếm, lựa chọn, sử dụng và phản hồi về sản phẩm và dịch vụ. Mô hình này bao gồm 5 giai đoạn: Nhận thức về nhu cầu; Tìm kiếm thông tin; Đánh giá; Quyết định mua; Hành vi sau mua. Hành vi người tiêu dùng là sự tương tác qua lại của nhiều nhân tố tác động trực tiếp đến ý định và hành động thực tế của con người, gồm những hành vi mà họ thực hiện trong quá trình thu nhập thông tin, xem xét đưa ra quyết định mua và nhận xét về sản phẩm hay dịch vụ (Bennett, 1995).

Một số nghiên cứu liên quan

Theo mô hình nghiên cứu của Chapman (1981) lựa chọn đại học của sinh viên gồm 2 nhân tố chính tác động đến quyết định lựa chọn là: nhóm các nhân tố từ bên trong và bên ngoài cá nhân. Tác giả chia thành hai loại là đặc điểm của trường đại học hoặc cung cấp bởi tổ chức. Mô hình đã được sử dụng rộng rãi, được xem như là một hướng dẫn cho các nhà nghiên cứu khác trong lĩnh vực này.

Mô hình nghiên cứu Burns và cộng sự (2006) gồm: Nhân tố bên trong; Nhân tố bên ngoài; Những thông tin tham khảo từ gia đình, bạn bè và các phương tiện truyền thông khác. Kết quả từ nghiên cứu Burns khẳng định mức độ về danh tiếng của trường, đội ngũ giảng viên chất lượng cao, học bổng, chính sách hỗ trợ tài chính là những nhân tố có tâm ảnh hưởng lớn nhất.

Theo Trần Văn Quý và Cao Hào Thi (2009) nghiên cứu xác định 5 nhân tố: Cơ hội việc làm trong tương lai; Đặc điểm cố định của trường đại học, nhân tố bản thân học sinh; Nhân tố thông tin có sẵn, tất cả có mối tương tác chặt chẽ với quyết định lựa chọn của học sinh và mức độ ủng hộ các giả thuyết đạt mức ý nghĩa 5%.

Mô hình nghiên cứu

Dựa trên cac nghiên cứu có liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định học Chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao của sinh viên tại Việt Nam

Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính kết hơp với định lượng. Tuy nhiên, phương pháp định lượng là phương pháp chính sẽ được áp dụng nhằm xác nhận hoặc kiểm tra lý thuyết hoặc giả thuyết liên quan. Tác giả tổ chức phỏng vấn trực tiếp với 5 giảng viên, chuyên viên của Chương trình PEIEV thuộc Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và gửi phiếu phỏng vấn cho sinh viên đang theo học chương trình PFIEV. Quá trình nghiên cứu gồm các hành động: (1) Xác định vấn đề, mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu; (2) Cơ sở nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu; (3) Xây dựng khung khái niệm và giả thuyết; (4) Thiết kế bảng câu hỏi và cân đo lường; (5) Tiến hành kiểm tra thí điểm và điều chỉnh bảng câu hỏi. Cụ thể: Gửi phiếu khảo sát đã chuẩn bị sẵn cho các chuyên gia - cố vấn, để xem xét và bổ sung các câu hỏi cần thiết. Tiến hành thử nghiệm thí điểm trong một tuần với hơn 100 người trả lời để đánh giá sự chính xác, logic, chuyên môn, sau đó điều chỉnh; (6) Tiến hành khảo sát. Cụ thể: Đến các trường đại học đã chọn và đưa các mẫu đơn cho những người được khảo sát. Giới thiệu về nghiên cứu, sau đó theo dõi họ cho đến khi hoàn thành khảo sát trong trường hợp họ có bất kỳ câu hỏi nào; (7) Phân tích dữ liệu và kiểm tra giả thuyết: Sử dụng SPSS20 để phân tích dữ liệu (8) Kết luận và khuyến nghị. Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 04/2024.

Phương pháp thu thập dữ liệu

Dữ liệu sơ cấp là nguồn thu thập dữ liệu chính, cụ thể thông qua các cuộc khảo sát. Quá trình thu thập dữ liệu khoảng 4 tuần, từ ngày 02/12 đến ngày 31/12/2023. Tập trung đối tượng khảo sát là sinh viên đang theo học chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam của sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cung cấp Google biểu mẫu để nhắm mục tiêu những người được khảo sát, sau đó theo dõi họ để hoàn thành bảng câu hỏi thành công.

Thiết kế lấy mẫu

Cách thức lấy mẫu

Việc lấy mẫu không xác suất sẽ được tiến hành tại trường, Theo Battaglia (2008) lý do để áp dụng lấy mẫu không xác suất là vì nó ít tốn kém hơn so với lấy mẫu xác suất và thường có thể được thực hiện nhanh hơn. Đây phương pháp lấy mẫu sử dụng các đặc điểm không ngẫu nhiên để trả lời các câu hỏi trong bảng khảo sát của nghiên cứu, như thuận tiện về địa lý hoặc kiến thức chuyên môn của các thực thể mà các nhà nghiên cứu muốn điều tra. Mục đích là khám phá các ví dụ, cá nhân hoặc nhóm phù hợp để hỗ trợ trả lời khảo sát.

Kích thước mẫu

Theo Tabachmick và Fidell (1991). để nghiên cứu có kết quả tốt trong phân tích hồi quy thì n ≥ 8k+50 (k là số biến quan sát), trong nghiên cứu này có 37 biến quan sát, do đó kích thước mẫu n ≥ 346 mẫu. Như vậy, để thuận lợi cho việc xử lý dữ liệu, phân tích và tăng độ tin cậy nghiên cứu, nhóm tác giả chọn kích thước mẫu chính thức là 365.

Thang đo

Để đo lường những nhân tố đó, nhóm tác giả sử dụng thang điểm Likert với Điểm số từ 1-5, từ rất không quan trọng đến rất quan trọng, để xác định mức độ quan trọng của từng thang đo. Qua đó, đề xuất một số câu hỏi trong bảng câu hỏi để đảm bảo rằng những câu hỏi này phù hợp với mục đích của nghiên cứu. Nghiên cứu đặt: CU: Chương trình giảng dạy; AS: Đội ngủ giảng viên; RP: Danh tiếng; FA: Tài chính; JO: Cơ hội nghề nghiệp; SA: Dịch vụ; MR: Marketing; PL: Lựa chọn Chương trình PFIEV (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kiểm tra độ tin cậy (Cronbach’s Alpha)

Kết quả phân tích độ tin cậy (Bảng 1) cho thấy, các thang đo đều có hệ số Cronbach’s Alpha tổng > 0.6. Theo kết quả, tại biến quan sát có hệ số Cronbach’s Alpha CU2 = 0.898 > 0.893, giá trị tương quan biến tổng của biến = 0.610 > 0.3. Bên cạnh đó, tại biến quan sát có hệ số Cronbach’s Alpha JO4 = 0.889 > 0.875 và có giá trị tương quan biến tổng = 0.618 > 0.3, do đó biến quan sát này có thể giữ lại cho những kiểm định tiếp theo. Hệ số Cronbach’s Alpha đều > 0.6 và tất cả các biến có tương quan biến tổng > 0.3 do đó, tất cả 37 biến quan sát được đều được chấp nhận để phân tích tiếp theo.

Bảng 1: Kết quả phân tích độ tin cậy thang đo

STT

Yếu tố

Biến quan sát ban đầu

Biến quan sát còn lại

Hệ số Cronbach’s Alpha

Biến bị loại

1

Chương trình giảng dạy (CU)

5

5

0.893

2

Đội ngũ giảng viên (AS)

4

4

0.884

3

Danh tiếng (RP)

4

4

0.804

4

Tài chính (FA)

4

4

0.850

5

Cơ hội nghề nghiệp (JO)

4

4

0.875

6

Dịch vụ (SA)

8

8

0.953

7

Marketing (MR)

8

8

0.935

8

Lựa chọn PFIEV (PL)

3

3

0.823

Tổng

37

37

Nguồn: Phân tích dữ liệu của nhóm tác giả

Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Kết quả phân tích EFA của biến độc lập cho thấy, biến quan sát trong 7 nhân tố độc lập được trích đều có hệ tố tải > 0.5, hệ số KMO là 0.827 (0.5 ≤ KMO ≤ 1), Sig. của Bartlett = 0.000 (Sig. < 0.05) mức ý nghĩa 5%. Vì vậy, các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể và phù hợp để phân tích EFA. Hệ số Eigenvalues = 1.377 > 1, thì nhân tố rút trích có ý nghĩa tóm tắt thông tin tốt. Tổng phương sai trích = 72.68% > 50%, 7 nhân tố rút trích giải thích 72,28% biến thiên của dữ liệu quan sát. Theo kết quả, tất cả 37 biến quan sát được đều có giá trị > 0,5 và không có biến không mong muốn và đảm bảo phân tích FEA là có ý nghĩa.

Phân tích EFA cho biến phụ thuộc cho kết quả như sau: Hệ số KMO = 0.698 (0.5 ≤ KMO ≤ 1), kiểm định Barlett có Sig. = 0.000 (Sig. < 0.05), cho thấy phân tích EFA phù hợp với dữ liệu khảo sát thu thập được. Phân tích EFA rút trích được 01 nhân tố với tổng phương sai trích = 74.093 (> 50%) tại giá trị Eigenvalues = 2.223 > 1. Các biến quan sát trong nhân tố phụ thuộc được trích đều có hệ số tải > 0.5 đạt yêu cầu của kiểm dịnh EFA và phù hợp phân tích hồi quy và có ý nghĩa giải thích cho từng nhân tố trong quyết định lựa chọn của sinh viên.

Phân tích mối tương quan giữa biến độc lập và biến phụ thuộc

Kết quả phân tích (Bảng 2) cho thấy, các biến độc lập đều có tương quan cùng chiều với biến phụ thuộc và mức độ tương quan chặt chẽ với nhau giá trị Sig. = 0.000 (< 0.05) theo mức độ giảm dần là: AS, RP, CU, JO, MR, SA, FA. Do đó, các biến độc lập thỏa mãn điều kiện có thể tiến hành phân tích hồi quy.

Bảng 2: Kết quả phân tích tương quan

CU

AS

RP

FA

JO

SA

MR

PL

Tương quan pearson

0.557**

0.621**

0.571**

0.241**

0.491**

0.438**

0.454**

Sig. (2-tailed)

0.000

0.000

0.000

0.000

0.000

0.000

0.000

N

365

365

365

365

365

365

365

Nguồn: Tổng hợp kết quả trích xuất dữ liệu SPSS

Phân tích hồi quy tuyến tính

Từ kết quả kiểm định hiện tương đa cộng tuyến hệ số phóng đại phương sai VIF của các biến nằm trong khoảng 1,027 - 1,768 (< 2), giá trị Sig. tại các phép kiểm định của 6 biến độc lập gồm: Chương trình giảng dạy; Giảng viên; Danh tiếng của trường; Tài chính; Cơ hội việc làm; Marketing = 0.00 (< 0.05), do đó 6 biến độc lập này này có ý nghĩa thống kê trong mô hình. Biến Dịch vụ có giá trị Sig. = 0.309 (> 0.05), nên không có ý nghĩa thống kê trong mô hình, vì vậy biến Dịch vụ bị loại khỏi mô hình hồi quy. Kết luận loại biến Dịch vụ ra khỏi mô hình và chạy lại mô hình hồi quy lần 2. Kết quả phân tích hồi quy lần 2 cho thấy, giá trị hồi quy của hệ số R2 hiệu chỉnh của mô hình = 0.677, như vậy mô hình hồi quy phù hợp với 67.7% sự biến thiên của biến phụ thuộc được giải thích bởi các biến độc lập: CU, AS, FA, JO, RP, MR. 32.3% còn lại là do tác động của các nhân tố bên ngoài và sai số, mô hình hồi quy đã được kiểm định là phù hợp với dữ liệu thực tế.

Bảng 3: Kết quả phân tích hồi quy

Mô hình

Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa

Hệ số hồi quy chuẩn hóa

t

Sig.

Kiểm tra đa cộng tuyến

B

Sai số chuẩn

Beta

Độ chấp nhận

VIF

1

(Hằng số)

-1.123

.171

-6.564

.000

CU

.214

.029

.252

7.394

.000

.766

1.305

AS

.231

.036

.241

6.347

.000

.615

1.627

RP

.238

.032

.266

7.529

.000

.711

1.407

FA

.170

.027

.192

6.357

.000

.973

1.027

JO

.212

.027

.260

7.976

.000

.833

1.200

MR

.119

.027

.147

4.483

.000

.823

1.215

a. Biến phụ thuộc: PL

Nguồn: Phân tích dữ liệu của nhóm tác giả

Kiểm định sự phù hợp của mô hình với biến phụ thuộc

Qua bảng phân tích phương sai ANOVA, giá trị của kiểm định F = 128.284; Mức ý nghĩa Sig.= 0.000 < 0.05, chứng tỏ R2 của tổng thể khác 0, nghĩa là các biến độc lập có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc, các biến đưa vào đều có ý nghĩa trong thống kê với 5%, mô hình hồi quy tuyến tính xây dựng phù hợp với tổng thể và có thể đưa vào sử dụng. Theo kết quả trên, CU, AS, RP, FA, JO, MR tăng lên 1 đơn vị, thì mức độ ảnh hưởng tăng lên lần lượt là: 0.252; 0.241; 0.266; 0.192; 0.260; 0.147 đơn vị. Phương trình hồi quy được viết như sau:

PL=0.252xCU + 0.241xAS + 0.266xRP + 0.192xFA + 0.260xJO + 0.147xMR

Xem xét sự tương quan

Thông qua hệ số Durbin-Watson (d), mô hình hồi quy với K’ = 6 biến độc lập và n = 365 mẫu quan sát Du = 2.080 (dU ≤ d ≤ 4 – dU) tương đương 1.831 ≤ 2.080 ≤ 4 – 1.831 = 2.169. Vì vậy, không có tự tương quan giữa các phần dư, tức đạt yêu cầu.

Kiểm định sự khác biệt

Với kết quả kiểm định của giá trị Sig. trong kiểm định Levene > 0.05, nên phương sai giữa Nam và Nữ bằng nhau. Giá trị Sig. (2 tailed) trong kiểm định t của tất cả các nhận định đều > 0.05, nên không có sự khác biệt của từng nhận định về quyết định lựa chọn của sinh viên theo giới tính Nam và Nữ.

Sau khi sử dụng kiểm định ANOVA để phân tích sự khác biệt về sự lựa chọn của sinh viên theo năm học, ngành học kết quả giá trị Sig. của tất cả các nhận định trên > 0,05. Như vậy, không có sự khác biệt về quyết định lựa chọn của sinh viên theo năm học và ngành học với độ tin cậy là 95%.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 nhân tố ảnh hưởng đến Quyết định lựa chọn chương trình học PFIEV của sinh viên thứ tự là: Chương trình giảng dạy; Đội ngũ giảng viên; Danh tiếng; Tài chính; Cơ hội nghề nghiệp; Marketing. Các nhân tố: giới tính, năm học, chuyên ngành học của 365 đối tượng khảo sat không có sự khác biệt về quyết định lựa chọn của sinh viên. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị như sau:

Về Chương trình giảng dạy. Chương trình giảng dạy là nhân tố then chốt thu hút sinh viên chọn PFIEV là cơ sở giáo dục hiện đại, chương trình đào tạo chuẩn quốc tế. Do vậy, giảng dạy bằng tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy chính và bắt buộc đối với tất cả các môn học; Chương trình PFIEV cần cung cấp tài liệu học tập quốc tế, đa dạng nguồn tài liệu, như: tạp chí học thuật, sách giáo khoa quốc tế và các bài báo nghiên cứu trong và ngoài nước, các khóa học trực tuyến và các tài nguyên khác.

Về Đội ngũ giảng viên. Cần tổ chức đánh giá thường xuyên giảng viên, như: Bài kiểm tra tiếng Anh như một bài kiểm tra ngoại ngữ trên internet (TOEFL iBT), Hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế (IELTS) và Bài kiểm tra tiếng Anh học thuật Pearson (PTE Academic). Do đó, việc tuyển dụng giảng viên dựa trên tiêu chí ngôn ngữ là vô cùng quan trọng để có giảng viên có trình độ cao trong môi trường quốc tế. Giảng viên có các bài nghiên cứu quốc tế và các bài báo tạp chí khoa học.

Cần tuyển giảng viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Điều rất quan trọng là tuyển dụng giảng viên quốc tế như một cách để mang lại sự đa dạng văn hóa cho PFIEV để sinh viên có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau từ người bản địa.

Về Danh tiếng

Thứ nhất, để thiết lập danh tiếng vững chắc trong nước, các trường đại học phải đạt được chất lượng xuất sắc trong tất cả các lĩnh vực và được công nhận theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có uy tín như Hội đồng đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học cấp cao (HCERES) và Đảm bảo chất lượng mạng lưới đại học ASEAN (AUN-QA).

Thứ hai, danh tiếng của trường đại học gắn liền với chất lượng thành tích của sinh viên tốt nghiệp. PFIEV phải dạy các kỹ năng thực tế và có tính ứng dụng cao để đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm. Sau đó, các chương trình hỗ trợ việc làm và thực tập của sinh viên nên được khuyến khích để cho phép sinh viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của công ty. Với những điều trên, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao sinh viên theo học PFIEV, họ có thể hoàn thiện bản thân và có nhiều kinh nghiệm hơn. Khi họ thành công, danh tiếng của trường đại học sẽ tăng lên.

Về Tài chính. Ở Việt Nam, học phí cho môi trường học tập quốc tế khá cao và phụ thuộc vào địa điểm, giảng viên, chương trình đào tạo. Việc tăng, giảm học phí phải phù hợp với quy định của Chính phủ để tránh phá vỡ chuẩn phổ cập. Hỗ trợ tài chính là nhân tố linh hoạt đối với các trường đại học, có thể nhanh chóng điều chỉnh chính sách tài chính của họ cho sinh viên. Theo mô hình đào tạo đặc thù của từng chương trình đào tạo, mỗi cơ sở sẽ có định hướng và cơ chế tài chính riêng, như: (i) Học phí minh bạch, cần có sự rõ ràng và linh hoạt trong thời hạn đóng học phí, cung cấp một số lựa chọn thanh toán học phí; (ii) Về học bổng: học bổng đầu vào, học bổng học tập tốt, học bổng sinh viên giỏi, học bổng tài năng. Trung chủ yếu vào học bổng đầu vào (dành cho học sinh trung học đã đạt được thành tích đáng kể trong lĩnh vực của họ và có tiềm năng phát triển trong tương lai) và nghiên cứu, học bổng cho sinh viên giỏi (để động viên tinh thần và tạo động lực cho sinh viên nỗ lực trong quá trình học tập).

Cơ hội nghề nghiệp

Một là, chương trình đào tạo cung cấp kiến thức đầy đủ về chuyên ngành đã chọn và thiết lập nhiều triển vọng việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Hai là, PFIEV cần trang bị cho sinh viên những kỹ năng mềm thích nghi với môi trường làm việc, như: hội thảo đào tạo kỹ năng mềm liên quan đến công việc khác nhau, chẳng hạn như các lớp viết CV, viết mail, phát triển đa dạng các chủ đề như làm việc nhóm, thuyết trình, các lớp kỹ năng đàm phán.

Ba là, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, hỗ trợ tìm kiếm cơ hội thực tập, việc làm tại các tập đoàn trong thời gian học tập. Tổ chức các hội thảo để kết nối sinh viên và doanh nghiệp để sinh viên có thể tiếp cận trực tiếp với nhiều công ty hơn.

Về Marketing. Dựa trên kết quả, "Openday" là cần thiết để đầu tư nhiều hơn cho sinh viên đến thăm trường, giới thiệu chi tiết các chương trình học tập, địa điểm và cơ hội tham gia của sinh viên. Sự tham gia tích cực và liên tục của các nhân viên tuyển sinh hoặc nhà tiếp thị về việc tham quan, giới thiệu giúp họ khám phá hành vi của sinh viên tương lai./.

Tài liệu tham khảo

  1. Battaglia, M. P. (2008), Probability Sampling. Encyclopedia of Survey Research Methods. 2008, SAGE Publications, 21(4/5), 318-327.
  2. Bennett, R., and Kane, S. (2011), Internationalization of U.K. university business schools: a survey of current practice, Journal of Studies in International Education, 15(4), 351–373.
  3. Bhandari, P. (2022), Data Collection | Definition, Methods & Examples. Scribbr.
  4. Burns, A. C., and Bush, R. F. (2006), Marketing Research (5th ed.). Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall.
  5. Chapman, David W. (1981), A Model of Student College Choice, The Journal of Higher Education, 37(1), 41–58.
  6. Cronbach, L. J. (1951), Coefficient Alpha and the Internal Structure of Tests. Psychometrika, 16, 297-334.
  7. Dương Thị Bình (2022), Các nhân tố ảnh hửởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của sinh viên ngành quản trị kinh doanh tại một số trường công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng châu Á, số 198.
  8. Hair, J. F. J., Anderson, R. E., Tatham, R. L., and Black, W. C. (1998), Multivariate Data Analysis, New Jersey: Prentice Hall.
  9. Philip Kotler (2001), Marketing 3.0: Từ sản phẩm đến khách hàng và đến các giá trị tinh thần, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
  10. Tabachnick, B., G., and Fidell, L. S. (2007), Using multivariate statistics (5th ed.), Boston: Allyn and Bacon.
  11. Trần Văn Quý và Cao Hào Thi (2009), Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của học sinh trung học phổ thông, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, số 15, 87-102.
  12. Yamane, Y. (1967), Mathematical Formulae for Sample Size Determination.
Ngày nhận bài: 27/3/2024; Ngày phản biện: 01/4/2024; Ngày duyệt đăng: 12/4/2024