ThS. Nguyễn Thị Anh

Email: anhnt2@vhu.edu.vn

Trường Đại học Văn Hiến

ThS. Nguyễn Thị Lài

Email: laint@uel.edu.vn

ThS. Nguyễn Minh Thoại

Email: thoainm@uel.edu.vn

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

ThS. Phan Thị Phương Linh

Email: ptplinh@sgu.edu.vn

Trường Đại học Sài Gòn

Tóm tắt

Xu hướng toàn cầu hóa tài chính ngày càng gia tăng và tác động trực tiếp tới mọi hoạt động kinh tế của các quốc gia. Điều này đã mang lại nhiều cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Bài viết tập trung phân tích làm rõ các tác động của toàn cầu hóa tài chính tới phát triển kinh tế quốc gia trên các lĩnh vực hoạt động trọng yếu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn 2018-2022, như: đầu tư nước ngoài, lưu chuyển dòng vốn, thị trường tài chính quốc gia, hoạt động thương mại quốc tế. Trên cơ sở đề cập, phân tích những lợi ích và khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam khi tham gia vào quá trình toàn cầu hóa tài chính, nhóm tác giả kiến nghị các giải pháp quản lý kinh tế vĩ mô kết hợp quản trị rủi ro trong nước một cách hiệu quả để ứng phó với các thách thức, tối ưu hóa các tác động từ xu thế này, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Từ khóa: toàn cầu hóa tài chính, tăng trưởng kinh tế, Việt Nam

Summary

The trend of financial globalization is increasing and directly impacts all countries’ economic activities. It has brought many opportunities and challenges to the Vietnamese economy. This article analyzes and clarifies the impacts of financial globalization on national economic development in vital areas, promoting Vietnam’s economic growth, especially in 2018-2022, such as foreign investment, capital flow, national financial market, and international trade activities. On that basis, by analyzing the benefits and difficulties for the Vietnamese economy when participating in the process of financial globalization, the authors recommend macroeconomic management solutions combined with effective domestic risk management to respond to challenges and optimize impacts from this trend, contributing to promote Vietnam’s economic growth in the future.

Keywords: financial globalization, economic growth, Vietnam

GIỚI THIỆU

Toàn cầu hóa tài chính được xem là quá trình tăng cường trao đổi dòng vốn giữa các quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế một cách nhanh chóng và linh hoạt. Quá trình này đã có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2022 là giai đoạn được đánh giá có tác động đặc biệt sâu rộng tới tăng trưởng kinh tế quốc gia. Toàn cầu hóa tài chính đã mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, như: thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, phát triển thị trường thị tài chính, đầu tư ra nước ngoài. Điều này giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển và đa dạng hóa các nguồn thu nhập. Tuy nhiên, toàn cầu hóa tài chính cũng mang lại những thách thức đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sự biến động của thị trường tài chính thế giới đã làm thay đổi đáng kể dòng vốn vào và ra trên thị trường. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, việc nghiên cứu các ảnh hưởng của toàn cầu hóa tài chính vào các lĩnh vực kinh tế Việt Nam là rất cần thiết để có các giải pháp tối ưu hóa các cơ hội và ứng phó hiệu quả với các thách thức, góp phẩn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi tham gia vào toàn cầu hóa tài chính.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Khái niệm và đặc điểm của toàn cầu hóa tài chính

Toàn cầu hóa tài chính là một khái niệm tổng hợp đề cập đến việc tăng cường các mối liên kết toàn cầu được tạo ra thông qua dòng tài chính biên giới hội nhập tài chính và mối liên kết của một quốc gia với thị trường vốn quốc tế (IMF, 2023). Toàn cầu hóa tài chính thể hiện một số đặc điểm nổi bật liên quan đến thị trường vốn quốc tế thông qua hiện tượng dòng chảy vốn toàn cầu, cụ thể như sau:

Thứ nhất, dòng vốn xuyên biên giới các quốc gia đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Không chỉ có khối lượng dòng vốn lớn hơn nhiều giữa các nước công nghiệp, mà còn có sự gia tăng đột biến dòng vốn từ các nước công nghiệp sang các nước đang phát triển.

Thứ hai, dòng vốn quốc tế đổ vào các nước đang phát triển tăng vọt là kết quả của cả hai yếu tố “kéo” và “đẩy”. Các yếu tố kéo phát sinh từ những thay đổi trong chính sách và các khía cạnh khác của việc mở cửa ở các nước đang phát triển, như: tự do hóa tài khoản vốn và thị trường chứng khoán trong nước, cũng như các chương trình tư nhân hóa với quy mô lớn. Các yếu tố thúc đẩy bao gồm: các điều kiện của chu kỳ kinh doanh và những thay đổi về chính sách kinh tế vĩ mô ở các nước công nghiệp nhằm hướng tới đầu tư vào các nước đang phát triển.

Thứ ba, toàn cầu hóa tài chính có thể giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng ở các nước đang phát triển thông qua một số kênh. Theo đó, một số ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế, gồm: tăng tiết kiệm trong nước, giảm chi phí vốn, chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến sang các nước đang phát triển và phát triển các khu vực tài chính trong nước. Đồng thời, bản chất của tự do hóa tài chính toàn cầu là một quốc gia có thể chuyển một số rủi ro thu nhập của mình sang thị trường thế giới (IMF, 2023).

Tổng quan nghiên cứu

Trên thế giới, có nhiều nghiên cứu được thực hiện liên quan đến vấn đề toàn cầu hóa tài chính ảnh hưởng lên kinh tế ở một số các quốc gia, bao gồm các nước phát triển và đang phát triển. Nghiên cứu của Brahim và cộng sự (2018) kiểm tra ảnh hưởng của toàn cầu hóa tài chính lên tăng trường kinh tế ở 72 quốc gia đang phát triển qua các năm từ 1972-2011. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra 5 vấn đề chính là: Bất ổn tài chính và nợ nần - toàn cầu hóa làm suy giảm tăng trưởng, toàn cầu hóa tài chính và toàn cầu hóa đầu tư thúc đẩy tăng trưởng; Nợ nần - toàn cầu hóa làm gia tăng tác động của bất ổn tài chính lên tăng trưởng; Toàn cầu hóa đầu tư làm giảm tác động của bất ổn tài chính tới tăng trưởng và Toàn cầu hóa tài chính làm giảm tác động của bất ổn tài chính tới tăng trưởng. Nghiên cứu của Kanish Garayev và cộng sự (2023) đã xem xét vấn đề hội nhập tài chính và tăng trưởng kinh tế bền vững tại 7 quốc gia đang phát triển là Nga, Singapore, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Malaysia và Kazakhstan’s dựa trên chỉ số thị trường chứng khoán giai đoạn 2018-2022. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, hội nhập tài chính vẫn còn thấp ở các nước đang phát triển so với các nước phát triển. Đồng thời chỉ ra rằng quá trình hội nhập tài chính ở 7 quốc gia này sẽ được đẩy nhanh cùng với sự phát triển kinh tế bền vững.

Một số nghiên cứu trong nước trong những năm gần đây cũng đã chỉ ra tác động của toàn cầu hóa tài chính đến tăng trưởng kinh tế quốc gia. Theo nghiên cứu của Hoàng Thị Phương Anh và cộng sự (2015), phát triển tài chính có tác động tích cực lên phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực châu Á. Nghiên cứu của Tran Tho Đat và cộng sự (2018) đã cho thấy được việc toàn cầu hóa tài chính đã tác động đến tăng trưởng kinh tế từ giai đoạn 1995-2014 qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Phạm Xuân Thảo (2022) chỉ ra rằng, tự do hóa tài chính trong giai đoạn 1990-2021 có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo 3 hướng là: (1) Thúc đẩy hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính tham gia vào thị trường tài chính, từ đó, cung cấp cho khách hàng cá nhân và tổ chức có cơ hội tiếp cận tới các sản phẩm và dịch vụ tài chính; (2) Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động đầu tư phát triển của kinh tế Việt Nam; (3) Giảm bớt sự can thiệp và các quy định của Chính phủ, tự do hóa tài chính đã khuyến khích sự đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính, dẫn đến việc sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn và cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong xu hướng toàn cầu hóa tài chính trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã nỗ lực đáng kể trong việc hội nhập với kinh tế thế giới và đã có những thay đổi đáng kể, như: thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hoạt động thương mại gia tăng, phát triển thị trường tài chính nội địa, gia tăng GDP của Việt Nam.

TÁC ĐỘNG CỦA TOÀN CẦU HÓA TÀI CHÍNH TỚI CÁC LĨNH VỰC KINH TẾ CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2018-2022

Toàn cầu hóa tài chính có tác động sâu rộng lên nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018-2022, đặc biệt ảnh hưởng đến các hoạt động và lĩnh vực, như: di chuyển dòng vốn tự do giữa các quốc gia, thị trường tài chính, hoạt động thương mại quốc tế..., góp phần mang lại nhiều lợi ích cho tăng trưởng kinh tế quốc gia trong giai đoạn này.

Gia tăng dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam

Điển hình cho lợi ích của toàn cầu hóa tài chính đối với nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn này là sự gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn và sự tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng nhiều. Trong đó, Việt Nam thu hút các nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Hoa Kỳ đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản và dịch vụ. Bên cạnh đó, do chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam với mục đích tránh thuế quan và tận dụng chi phí sản xuất thấp hơn. Vì vậy, đã làm tăng mạnh dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam.

Hình 1: Tổng vốn đăng ký của FDI vào thị trường Việt Nam

Đơn vị: Triệu USD

Toàn cầu hóa tài chính tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Nguồn: Tổng cục thống kê, 2022

Hình 1 cho thấy, nguồn vốn FDI vào thị trường Việt Nam đạt giá trị cao nhất vào năm 2019 với gần 38.952 triệu USD do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm cho các công ty đa quốc gia di chuyển sang thị trường Việt Nam đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Tổng vốn đăng ký FDI giảm xuống vào năm 2020 vì chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế trên thế giới gián đoạn bao gồm cả Việt Nam. Năm 2021, giá trị vốn đăng ký từ các nhà đầu tư nước ngoài tăng trở lại và đạt mức 38.854 triệu USD. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư giảm vào năm 2022, nguyên nhân là do nền kinh tế của các quốc gia phát triển gặp khó khăn do ảnh hưởng của cuốc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, dẫn tới việc đầu tư ra nước ngoài có dấu hiệu giảm sút so với năm 2021.

Tính tới ngày 31/12/2022, các nguồn vốn nước ngoài tiếp tục nhiều nhất là các quốc gia: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hông Kông, Trung Quốc, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Hà Lan, Thái Lan, Malaysia và cuối cùng là Hoa Kỳ. Trong đó, vẫn tập trung nhiều vào các lĩnh vực, như: công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; dịch vụ lưu trú và ăn uống; xây dựng và bán buôn, bán lẻ, sữa chữa ô tô, xe máy. Trong đó, vốn đầu tư vào hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vào thị trường tài chính Việt Nam đạt giá trị 944.92 triệu USD so với các lĩnh vực đầu tư khác (Tổng cục Thống kê, 2022)

Thúc đẩy dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam

Trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa tài chính ngày càng sâu rộng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và quy định tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài để gia tăng lợi nhuận và mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Hình 2: Tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam

Đơn vị: Triệu USD

Toàn cầu hóa tài chính tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Nguồn: Tổng cục thống kê, 2022

Dòng tiền đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong các năm từ năm 2018 đến 2020, sau đó tiếp tục tăng trở lại sau khi giảm mạnh vào năm 2021 do tác động bởi dịch Covid-19 (Hình 2). Dòng vốn đầu tư ra của Việt Nam chủ yếu tập trung vào 10 thị trường chủ chốt, như: Lào, Campuchia, Venezuela, Nga, Myanmar, Peru, Algeria, Mỹ, Malaysia và Australia. Các lĩnh vực đầu tư ra thị trường nước ngoài chủ yếu tập trung vào khai khoáng; (2) Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; (3) Công nghiệp chế biến, chế tạo; (4) Sản xuất và phân phối điện, khí đốt; (5) Thông tin và truyền thông tính tới ngày 31/12/2022 (Tổng cục Thống kê, 2022).

Tác động tới thị trường tài chính quốc gia

Thị trường tài chính quốc gia được coi là một trong những kênh chịu tác động lớn nhất từ xu hướng toàn cầu hóa tài chính giai đoạn 2018-2022. Sau thời gian ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19, nhờ vào các chính sách hỗ trợ kinh tế và kiểm soát dịch bệnh, thị trường tài chính Việt Nam đã phục hồi khá nhanh chóng và tiếp tục thu hút lại dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào thị trường tài chính quốc gia.

Vũ Nhữ Thăng (2024) nhận định thị trường tài chính được xem là kênh dẫn vốn và phân bổ vốn tới những nơi có nhu cầu sử dụng nguồn vốn. Với dòng chảy toàn cầu hóa tài chính, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra chỉ số phát triển thị trường tài chính Việt Nam năm 2021 đạt 0,382 điểm, tăng so với mức 0,378 điểm năm 2020 và 0,347 năm 2019. Điều này cho thấy, thị trường tài chính Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể trong giai đoạn 2018-2022, thể hiện ở các mặt như sau:

Tăng giá trị vốn hóa và tính thanh khoản của thị trường chứng khoán: Sự gia tăng niêm yết cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường chứng khoán quốc gia giúp giá trị vốn hóa của thị trường tăng mạnh trong giai đoạn này (Hình 3). Tính thanh khoản của thị trường chứng khoán tăng cao nhờ có sự tham gia ngày càng sôi động của các nhà đầu tư nước ngoài.

Hình 3: Giá trị vốn hóa cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường giai đoạn 2018-2022

Đơn vị: Tỷ đồng

Toàn cầu hóa tài chính tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2022

Chuẩn hóa hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam

Nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực quản lý tiền tệ, trước sự gia tăng của xu thế toàn cầu hóa tài chính tác động tới nhu cầu dòng tiền và các giao dịch tài chính, các NHTM trong nước và nước ngoài đẩy mạnh áp dụng chuẩn mực và quản trị rủi ro quốc tế, như: Basel II và đang chuyển đổi sang Basel III nhằm giúp tăng cường khả năng quản lý rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Tổng dư nợ tín dụng đã tăng trưởng đều đặn từ năm 2018 đến 2022 (năm 2019 tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn đại dịch Covid-19 song đã phục hồi nhanh chóng) nhờ vào chính sách tiền tệ của nhà nước, như: điều chỉnh lãi suất, cung ứng tiền tệ và các biện pháp hỗ trợ kinh tế, trong đó, có các gói hỗ trợ tài chính của chính phủ đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của dư nợ tín dụng.

Hình 4: Dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN

Toàn cầu hóa tài chính tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Nguồn: Tổng cục thống kê, 2022

Phát triển công nghệ tài chính (Fintech): Xu thế toàn cầu hóa tài chính đã thúc đẩy hệ thống NHTM đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính ngân hàng, từ việc phát triển ứng dụng ngân hàng số đến thực hiện các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên thị trường. Các lĩnh vực fintech được áp dụng mạnh mẽ trong thanh toán điện tử, như: Momo, ZaloPay, ViettelPay đã trở nên phổ biến; cho vay ngang hàng (P2P lending) với các nền tảng, như: Tima, Vaymuon và Fiin; blockchain và tiền mã hóa. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2022, Việt Nam có hơn 260 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech, trong đó, 81 công ty hoạt động trong mảng dịch vụ thanh toán (chiếm 31,1% tổng số lượng công ty Fintech tại Việt Nam); 42 công ty hoạt động trong mảng cho vay ngang hàng (P2P lending) (chiếm 14,7%); 31 công ty hoạt động trong mảng Blockchain/Crypto (chiếm11,9%) (Đinh Bảo Ngọc và cộng sự, 2023).

Gia tăng sự hiện diện của các NHTM nước ngoài: Tác động của toàn cầu hóa tài chính trong lĩnh vực tài chính còn thể hiện ở sự gia tăng hiện diện của các NHTM nước ngoài tại Việt Nam. Tính tới tháng 12/2022, có 9 ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài hoạt động trên thị trường Việt Nam, như: ANZ, Hong Leong bank, HSBC, Shinhan, Standard Chartered, Public Bank, CIMB, Woori bank, UOB Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước, 2023).

Gia tăng số lượng và giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A)

Số lượng và giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam có nhiều biến động ở giai đoạn 2018-2022 trong bối cảnh các lĩnh vực tài chính, đầu tư ngày càng hội nhập mạnh mẽ. Những thương vụ M&A liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào các tập đoàn lớn, như: Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco… Các nhà đầu tư ngoại vào thị trường Việt Nam nhiều nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Đồng thời, trong giai đoạn này, những thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng thương mại cũng gia tăng đáng kể cả về số lượng và giá trị, trong đó, đáng chú ý là thương vụ Keb Hana của Hàn Quốc mua lại 15% vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Aozora Bank mua lại 15% vốn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB); Công ty tài chính SMBC mua lại 49% vốn của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank); Mcredit sho Shinsei mua lại 49% vốn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank) (Bùi Hồng Điệp, 2022).

Phát triển các quỹ đầu tư và công ty quản lý tài sản

Xu hướng toàn cầu hóa tài chính góp phần thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư và công ty quản lý tài sản tại Việt Nam, với số lượng các quỹ đầu tư gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Đặc biệt, 2018-2022 được xem là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của các quỹ đầu tư và công ty quản lý tài sản tại Việt Nam. Các tổ chức này đã huy động vốn từ trong và ngoài nước để đầu tư vào các tài sản, như: chứng khoán, bất động sản và các dự án hạ tầng khác. Cùng với sự gia tăng về số lượng của các quỹ đầu tư nước ngoài, nhiều loại hình danh mục quỹ tài chính mới cũng đã có mặt tại Việt Nam, như: Quỹ hoán đổi danh mục (Exchange-Traded Fund-ETF); Quỹ trái phiếu và quỹ hỗn hợp, từ đó, đáp ứng như cầu đầu tư đa dạng và giúp tăng cường tính thanh khoản trên thị trường tài chính Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết năm 2022, toàn thị trường đã có 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động, với tổng vốn điều lệ đạt gần 3.500 tỷ đồng, toàn thị trường có 76 quỹ đầu tư tạiViệt Nam, trong đó 43 là quỹ mở, 2 quỹ đóng, 21 quỹ thành viên, 9 quỹ ETF và 1 quỹ bất động sản (UBCKNN, 2024).

Mở rộng hoạt động thương mại quốc tế

Xu thế toàn cầu hóa tài chính góp phần mở rộng hoạt động thương mại quốc tế cho Việt Nam, cùng với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là vào các thị trường lớn, như: EU, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, các thị trường trong khu vực, từ đó mở rộng cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tập trung mạnh vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kế tiếp là ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và cuối cùng là ngành khai khoáng, trong đó ngành thông tin và truyền thông cũng dang dần gia tăng qua các năm.

Như vậy, có thể thấy toàn cầu hóa tài chính đã mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động phát triển kinh tế của nền kinh tế Việt Nam. Những thay đổi và phát triển trong thập kỷ này đã tiếp tục gia tăng nguồn vốn vào thị trường tài chính Việt Nam, từ đó Chính phủ và các doanh nghiệp có nguồn vốn để thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế quốc gia, góp phần gia tăng thu nhập quốc dân (GDP) tương đối qua các năm.

NHỮNG THÁCH THỨC TRONG VẤN ĐỀ TOÀN CẦU HÓA TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Cùng với những lợi ích có được từ toàn cầu hóa tài chính của quốc gia, cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam vẫn phải đối diện với những vấn đề thách thức liên quan đến toàn cầu hóa tài chính, như: (1) Các nhà đầu tư quốc tế có xu hướng tham gia vào giao dịch theo bầy đàn, điều này có thể gây bất ổn cho các nền kinh tế đang phát triển; (2) Rủi ro từ các cuộc tấn công đầu cơ vào tiền tệ của các nước đang phát triển, từ đó gây ra sự bất ổn cho hệ thống tài chính quốc gia và nền kinh tế; (3) Các nhà đầu tư quốc tế có thể rút vốn đầu tư ồ ạt vì những lý do không liên quan đến yếu tố trong nước, dẫn đến rủi ro suy sụp nền kinh tế; (4) Toàn cầu hóa tài chính, bằng cách tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các Chính phủ vay nợ, có thể làm trầm trọng thêm vấn đề "vay quá mức".

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Như vậy, có thể thấy, toàn cầu hóa tài chính đã có những tác động lớn kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018-2022, đặc biệt là tác động tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thể hiện trên các lĩnh vực, như: thu hút FDI, lưu chuyển dòng vốn, đầu tư ra nước ngoài, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính quốc gia, đẩy mạnh hoạt động thương mại quốc tế. Xu thế toàn cầu hóa đã tiếp tục gia tăng nguồn vốn vào thị trường tài chính Việt Nam, cũng như thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, từ đó, Chính phủ và các doanh nghiệp có nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng cường chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Đặc biệt, xu hướng toàn cầu hóa tài chính đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường tài chính nội địa, theo đó, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trở lại nhờ vào dòng vốn đầu tư gián tiếp; tăng cường vai trò của ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trong hoạt động huy động vốn và cho vay, đồng thời thu hút sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài mang đến các sản phẩm và dịch vụ tài chính hiện đại; phát triển và ứng dụng công nghệ tài chính Fintech, giúp nâng cao hiệu quả và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và lợi ích mang lại, thì toàn cầu hóa tài chính cũng tạo ra thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Để ứng phó với các thách thức của xu thế toàn cầu hóa tài chính, đồng thời tối ưu hóa lợi ích từ xu thế này mang lại cho nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh việc tận dụng tối đa các cơ hội từ thu hút dòng vốn đầu tư, gia tăng thu nhập quốc dân, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cần kết hợp với các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị trong nước tốt nhằm giảm thiểu rủi ro từ quá trình này. Việc nâng cao tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa tài chính đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa cải cách thể chế, đầu tư vào hạ tầng và nguồn lực, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế và quản lý rủi ro. Các giải pháp ổn định kinh tế bao gồm: tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài; Nâng cao hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp cùng với các chính sách thuế ưu đãi; phát triển thị trường vốn thông qua mở rộng thị trường chứng khoán và hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết, đa dạng hóa các sản phẩm tài chính; Thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ổn định để kiểm soát lạm phát và tỷ giá hối đoái linh hoạt nhằm hỗ trợ xuất khẩu và thu hút đầu tư; Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ kỹ thuật và tài chính./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Hồng Điệp (2022), Thực trạng hoạt động mua bán và sáp nhập của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm, số 22, 431-440.

2. Brahim Gaies, Stephane Goutte and Khaled Guesmi (2018), What interactions between financial globalization and instability?-Growth in developing countries, Journal of International Development J, Int. Dev, Published online in Wiley Online Library, DOI: 10.1002/jid.3391.

3. Đinh Bảo Ngọc, Trần Nguyễn Hồng Vân (2023), Thực trạng và giải pháp phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, truy cập từ https://tapchinganhang.gov.vn/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-cong-nghe-tai-chinh-tai-viet-nam.htm

3. Hoàng Thị Phương Anh, Đinh Tấn Danh (2015), Tác động của phát triển tài chính đến phát triển kinh tế: Bằng chứng tại các quốc gia khu vực châu Á, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 26 (36).

4. Hải Vân (2022), Ngành quỹ tăng trưởng nhanh, biến động mạnh, truy cập từ https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-quy-tang-truong-nhanh-bien-dong-manh-post309325.html.

5. International Monetary Fund - IMF (Vietnam) (2023), IMF Country Report No.23/338, Article IV Consultation-Press release; Staff Report; And Statement By The Executive Director For Vietnam, July 25, 2023.

5. Kanish Garayev, Yegane Veliyeva (2023), Sustainable Economic Development and Financial Integration in Developing Countries, TURAN-CSR International Scientific, Peer-Reviewed & Refereed Journal, 15, ISCEMR-2023, DOI: http://dx.doi.org/10.15189/1308-8041.

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2022), Danh sách ngân hàng 100% vốn nước ngoài (đến 31/12/2022), truy cập từ https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/m/menu/fm/htctctd/nh/nhtm/nhvnn?dDocName=SBV558612&_afrLoop=55905884421534023#%40%3F_afrLoop%3D55905884421534023%26centerWidth%3D100%2525%26dDocName%3DSBV558612%26leftWidth%3D0%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dj4n2mpovd_4.

6. Phạm Xuân Thảo (2022), Implications of financial liberalization for Vietnam's long‐term growth prospects, Edelweiss Applied Science and Technology, 6(2), 43-5, DOI:10.55214/25768484.v6i2.306.

7. Tổng cục thống kê (2022), Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép phân theo ngành kinh tế (Lũy kế các dự án còn hiệu hiệu lực đến ngày 31/12/2022) chia theo Ngành kinh tế và Số dự án và vốn đăng ký), truy cập từ https://www.gso.gov.vn/px-web-2/?pxid=V0412&theme=%C4%90%E1%BA%A7u%20t%C6%B0.

8. Tổng cục thống kê, Một số chỉ tiêu về tài khoản quốc gia, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/px-web%20%202/?pxid=V0301&theme=T%C3%A0i%20kho%E1%BA%A3n%20qu%E1%BB%91c%20gia.

9. Tran Tho Dat, Nguyen Thi Cam Van (2018), Impact of Globalization on Economic Growth in Vietnam: An Empirical Analysis, Journal of Economics and Development, 20(1),32-47, ISSN 1859 0020.

10. Vũ Nhữ Thăng (2024), Lành mạnh hóa thị trường tài chính, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, truy cập từ https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/nghien-cuu-trao-doi/lanh-manh-hoa-thi-truong-tai-chinh-khoi-thong-dong-von-cho-nen-kinh-te.html.

11. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN (2023), Thống kê thị trường, Số lượng các quỹ đầu tư năm 2022; truy cập từ https://ssc.gov.vn/webcenter/portal/ubck/pages_r/m/thngtinthtrng/thngkthtrng.

Ngày nhận bài: 05/6/2024; Ngày phản biện: 11/6/2024; Ngày duyệt đăng: 19/7/2024