ThS. Lương Thị Mai Loan

Trường Đại học Phú Yên

Tóm tắt

Thời gian qua, Phú Yên đã có nhiều hoạt động thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” phát triển. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tỉnh Phú Yên, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch Phú Yên trong thời gian tới.

Từ khóa: du lịch, Phú Yên, phát triển ngành công nghiệp không khói

Summary

Recently, Phu Yen has performed various activities to promote the development of the “smokeless industry”. Within the scope of this article, the author analyzes the potential and current status of tourism development in Phu Yen province, thereby proposing some solutions to develop Phu Yen tourism in the coming time.

Keywords: tourism, Phu Yen, smokeless industry development

ĐẶT VẤN ĐỀ

Phú Yên sở hữu điều kiện tự nhiên và tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn về vẻ đẹp sinh thái tự nhiên, nền văn hóa đa dạng và truyền thống lịch sử lâu đời. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện Tỉnh đang xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên điểm đến hấp dẫn – thân thiện”; phấn đấu đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của Tỉnh, là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện với du khách. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch Phú Yên hiện nay là làm thế nào để phát huy tiềm năng, lợi thế của du lịch Tỉnh để phát triển nhanh và bền vững.

TIỀM NĂNG VỀ TÀI NGUYÊN DU LỊCH PHÚ YÊN

Tài nguyên du lịch tự nhiên

Phú Yên là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có đường Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam chạy qua, có sân bay Tuy Hòa, cảng biển Vũng Rô; nối liền với vùng Tây Nguyên bằng Quốc lộ 25, Quốc lộ 29, Quốc lộ 19C; bờ biển dài 189 km từ Cù Mông đến Vũng Rô có nhiều bãi tắm đẹp, xen kẽ rất nhiều đầm, vịnh, vũng, mũi, như: đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài… Phú Yên có địa hình khá đa dạng gồm: đồng bằng, đồi núi, cao nguyên, thung lũng xen kẽ nhau và thấp dần từ Tây sang Đông; có 3 mặt là núi gồm: dãy Cù Mông ở phía Bắc, dãy Vọng Phu - Đèo Cả ở phía Nam, phía Tây là rìa Đông của dãy Trường Sơn… Đây là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái và các hoạt động thể thao mạo hiểm gắn với biển, đảo.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Yên nhiều bãi tắm đẹp. Các bãi tắm có sự kết hợp giữa núi non, biển cả, bãi cát trắng mịn, thoai thoải, nước biển trong xanh, lặn sóng. Một số bãi biển tiêu biểu, như: Bãi Bàng, Bãi Bàu, Bãi Rạng, Bãi Nồm, Bãi Tràm, Bãi Từ Nham, Bãi Ôm, Bãi Bình Sa, bãi An Hải, bãi Phú Thường, Bãi Súng, Bãi Xép, bãi Long Thủy, bãi Tuy Hòa, Bãi Gốc, Bãi Bàng, Bãi Môn..., là nơi lý tưởng cho các hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, cắm trại, tắm biển, lặn biển, thưởng thức các món ăn đặc sản biển hoặc tham gia các hoạt động dã ngoại.

Dọc ven bờ có nhiều gành đá và những hòn đảo nhỏ, như: hòn Lao Mái Nhà, hòn Yến, hòn Chùa, hòn Dứa, hòn Nưa... Với diện tích rạn san hô ngầm trên 400 ha, đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển loại hình du lịch sinh thái biển ở Phú Yên trong tương lai.

Tài nguyên du lịch nhân văn

Phú Yên cũng là một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Nét đặc sắc của văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa và hòa hợp của nhiều nền văn hóa khác nhau. Đặc biệt là di sản “Văn hóa Đá” với các di tích danh thắng quốc gia Núi Đá Bia, gành Đá Đĩa, bộ Kèn đá và Đàn đá Phú Yên có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm.

Hơn nữa, Phú Yên có hàng trăm di tích các loại, trong đó có 19 di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật, khảo cổ, kiến trúc, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia. Một số di tích, địa danh đã gắn liền với tên tuổi của các danh nhân lịch sử, như: Núi Đá bia gắn với truyền thuyết về hành trình mở cõi về phương Nam của vua Lê Thánh Tông năm 1471; Đền thờ Lương Văn Chánh, vị khai quốc công thần của Phú Yên năm 1611; Đền thờ nhà chí sỹ yêu nước Lê Thành Phương trong phong trào Cần Vương; Thành An Thổ, Tháp Nhạn cổ kính...

Hàng năm, trên địa bàn Tỉnh có nhiều hoạt động lễ hội với những bản sắc khác nhau. Nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội cầu ngư, Lễ hội đua thuyền đầm Ô Loan, Hội thơ Nguyên tiêu trên Núi Nhạn, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng... và các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ rất đặc sắc như: hô bài chòi, hò khoan, hò bá trạo, hò kéo lưới… là sản phẩm văn hóa độc đáo và thế mạnh của Phú Yên.

Đặc biệt, Phú Yên từ lâu đã nổi tiếng với nhiều món ăn như: cá ngừ đại dương, mắt cá ngừ đại dương hầm thuốc bắc, sò huyết, hàu đầm Ô Loan, gà nướng sông Cầu, gỏi sứa, bánh tráng Hòa Đa, ghẹ đầm Cù Mông, ốc nhảy sông Cầu, chả Giông, bánh hỏi cháo lòng heo, mắm cá thu, tôm hấp nước dừa, các loại nước mắm, rượu Quán Đế, bò một nắng… phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách và làm quà tặng.

Ngoài ra, làng nghề truyền thống ở Phú Yên khá phong phú với nhiều loại hình từ tiểu thủ công nghiệp, đến nông sản và thủy sản. Một số làng nghề truyền thống có thể kể đến như: nghề chế biến nước mắm, bánh tráng, nấu rượu, dệt chiếu, đan đát, gốm, làng rau, làng hoa…; các sản phẩm mỹ nghệ ốc đá, vỏ gáo dừa, đá cảnh… Các làng nghề thủ công truyền thống là điểm đến của khách du lịch để tham quan, mua sắm quà lưu niệm.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH PHÚ YÊN THỜI GIAN QUA

Một số kết quả đạt được

Trong thời gian qua, hoạt động du lịch tại Phú Yên đã ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên năm 2023 đạt 3.200.000 lượt, đạt 133% so với kế hoạch năm, tăng 44% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế là 19.750 lượt, đạt 131,6% so với kế hoạch năm, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú đạt 2.069.964 lượt, tăng 55,02% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 4.917,4 tỷ đồng, tương đương 158,6% so với kế hoạch năm, tăng 76,2% so với cùng kỳ.

Đến năm 2023, toàn Tỉnh có 430 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; trong đó, có 1 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, 38 khách sạn 1 sao, 87 khách sạn, 91 nhà nghỉ và 27 homestay đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu kinh doanh lưu trú du lịch. Một số cơ sở lưu trú khác đang làm thủ tục đăng ký thẩm định công nhận loại hạng theo quy định. Tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có khoảng 7.400 buồng, trong đó có hơn 600 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Tổng số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 6.700 người, lao động gián tiếp khoảng 13.400 người.

Có thể thấy, hoạt động du lịch tại Phú Yên đã và đang giải quyết sinh kế và góp phần tạo cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho cư dân địa phương. Đối với cư dân địa phương Phú Yên khi phát triển du lịch, nghề nghiệp của họ đã thay đổi đáng kể, nhiều gia đình chuyển sang làm dịch vụ du lịch, như: kinh doanh nhà nghỉ lưu trú, quán hàng ăn, kinh doanh xe điện... Du lịch phát triển tạo thêm động lực để phát triển sản xuất, đặc biệt là khôi phục các làng nghề để trở thành điểm đến phục vụ du khách, như: làng nghề nước mắm Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu), làng nghề bánh tráng Hòa Đa, làng rau Ngọc Lãng (TP. Tuy Hòa), làng văn hóa du lịch Lê Diêm (huyện Sông Hinh)… Nhiều doanh nghiệp chủ động liên kết với người dân đầu tư xây dựng mới nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, như: sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại Mộc Miên Rocky Garden; điểm du lịch sinh thái thác Jrai Tang; điểm du lịch văn hóa cộng đồng Buôn Lê Diêm; làng nghề đan lát Vinh Ba, xã Hòa Đồng và một số vườn cây ăn trái đạt tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn Tỉnh.

Những thách thức đặt ra

Như đã phân tích ở trên, Phú Yên được đánh giá có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, so với các tỉnh lân cận như Bình Định hay Khánh Hòa, du lịch Phú Yên còn kém phát triển, lượng du khách đến chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân xuất phát từ:

- Sản phẩm du lịch đơn điệu, nhàm chán chủ yếu dựa vào tài nguyên có sẵn, chưa có sự đầu tư chiều sâu, thiếu các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng. Các di tích, danh thắng ở Phú Yên chưa thu hút được khách du lịch, điển hình là Khu Di tích kiến trúc Tháp Nhạn – một công trình kiến trúc cổ rất đẹp, nhưng nơi đây quanh năm vắng hiu hắt, ít người lui tới.

- Cơ chế, chính sách phát triển du lịch tại địa phương chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch còn thấp, chưa được quan tâm kịp thời. Vì vậy, mặc dù Phú Yên có những bãi biển đẹp, nhưng lại chưa có bãi tắm riêng, nhiều khi du khách phải tự bắt taxi di chuyển đến bãi biển, rất bất cập. Bên cạnh đó, tại các danh lam thắng cảnh cũng chưa có các dịch vụ đi kèm để du khách trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp.

- Sự phối hợp trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng chưa hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch và trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa cao, công tác xúc tiến quảng bá còn hạn chế.

- Kết cấu hạ tầng du lịch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bến cảng, phương tiện vận chuyển du lịch đường bộ, đường thủy, tần suất các chuyến bay ít cũng là những rào cản rất lớn; thiếu các khu vui chơi, khu tổ hợp khách sạn, nhà hàng, công viên, khu giải trí.

- Số lượng cơ sở lưu trú ở Phú Yên cũng hạn chế, chỉ có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao và 3 khách sạn 3 sao… (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, 2024). Vì vậy, dù có cảnh đẹp hấp dẫn, nhưng Phú Yên vẫn chưa phải là điểm đến được nhiều du khách chọn lựa.

- Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, chưa chuyên nghiệp, phần lớn chưa được đào tạo bài bản. Một số doanh nghiệp du lịch chưa chú trọng đến công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực…

- Việc hỗ trợ đầu tư, giải phóng mặt bằng các dự án du lịch còn chậm và thiếu đồng bộ. Một số dự án du lịch đã cấp phép xây dựng nhưng chậm triển khai làm ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và hình thành sản phẩm du lịch của Tỉnh. Kinh phí đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực để phát triển du lịch.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tỉnh Phú Yên, cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư về đất đai, giải tỏa, đền bù..., để triển khai nhanh dự án du lịch sau khi được Tỉnh chấp thuận dự án đầu tư.

Thứ hai, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Phú Yên để tạo lợi thế cạnh tranh. Trong đó, cần tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng; lấy du lịch sinh thái, du lịch biển đảo làm mũi nhọn; kết hợp hình thành và phát triển một số loại hình du lịch chuyên đề; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, sạch, bền vững và chất lượng; kêu gọi các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp (du lịch tàu biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi có thưởng...); phát triển các loại hình du lịch thể thao trên biển, trên cát...; thu hút đầu tư sân golf và đầu tư các dịch vụ du lịch ban đêm (Vuong và Nguyen, 2024).

Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh; Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025”; duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng của các nhóm nghệ nhân, các CLB đàn, hát dân ca, bài chòi, đội cồng chiêng... phục vụ du lịch. Khôi phục các làng nghề để trở thành điểm đến phục vụ du khách: làng nghề nước mắm Gành Đỏ, làng nghề bánh tráng Hòa Đa, làng rau Ngọc Lãng, làng văn hóa du lịch Lê Diêm… Tiếp tục xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Hòn Yến; du lịch cộng đồng Long Thủy; du lịch cộng đồng khu vực ven biển phường Hòa Hiệp Trung.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch. Các cơ sở đào tạo trên địa bàn Tỉnh cần mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng các lớp chuyên ngành du lịch bậc trung cấp, cao đẳng, đại học; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng quản lý nhà hàng, khách sạn, nhân viên lễ tân, buồng, bàn, bếp... nhằm nâng cao trình độ của lao động du lịch. Giải pháp này vừa cấp bách, vừa lâu dài góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân trong tham gia hoạt động du lịch, cũng như phát triển lực lượng lao động ngành du lịch.

Các cấp, các ngành cũng cần thường xuyên tổ chức tập huấn thường kỳ, hướng dẫn người dân cách làm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, bổ sung các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ du lịch cần thiết, như: kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, thuyết minh, kỹ năng cung cấp các dịch vụ du lịch... Qua đó, giúp họ nhận thức được tầm quan trọng, cũng như những hiệu quả phát triển du lịch tại địa phương. Ngoài ra, cần phổ biến kiến thức bảo đảm an toàn cho du khách, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt, cần giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường cho người dân.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Phú Yên với các tỉnh vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm và thân thiện với môi trường, cũng như học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới. Tranh thủ sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế góp phần bảo đảm yêu cầu phát triển du lịch bền vững của vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các phần mềm quản lý du lịch, cổng thông tin du lịch thông minh, trang thông tin điện tử... và một số trang mạng xã hội, như: Youtube, Facebook, Zalo... chuyên biệt về du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối với các công ty du lịch lữ hành; quảng bá du lịch Phú Yên qua các phương tiện thông tin đại chúng.../.

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2017), Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 06/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

2. Machado, A. (2003), Capacitating for tourism development in Vietnam: Training course, Module: Tourism and sustainable development.

3. Quốc hội (2017), Luật Du lịch, số 09/2017/QH14, ngày 19/6/2017.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên (2023), Báo cáo công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

5. Tỉnh ủy Phú Yên (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

6. Tỉnh ủy Phú Yên (2021), Chương trình hành động số 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

7. UBND tỉnh Phú Yên (2023a), Quyết định số 52/2023/QĐ-UBND, ngày 25/10/2023 về quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn.

8. UBND tỉnh Phú Yên (2023b), Kế hoạch số 212/KH-UBND, ngày 06/10/2023 thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn.

9. UBND tỉnh Phú Yên (2023c), Kế hoạch số 75/KH-UBND, ngày 22/3/2023 thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025.

10. UBND tỉnh Phú Yên (2023d), Quyết định số 1322/QĐ-UBND, ngày 02/10/2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

11. UBND tỉnh Phú Yên (2023e), Quyết định số 1663/QĐ-UBND, ngày 11/12/2023 phê duyệt Đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023-2030.

12. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024), Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories, AISDL.

Ngày nhận bài: 6/6/2024; Ngày phản biện: 9/7/2024; Ngày duyệt đăng: 22/7/2024