Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, đặc biệt là việc chính thức tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, thì các chương trình xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2015 đã hỗ trợ 8.850 lượt doanh nghiệp, 14.499 gian hàng tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, thu hút trên 3 triệu lượt khách tham quan, mua sắm và ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế có tổng trị giá trên 858 triệu USD và khoảng 637,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, nghiên cứu thị trường và tư vấn doanh nghiệp cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Trong năm 2015, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan tổ chức 10 diễn đàn doanh nghiệp, hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư và thương mại vào các thị trường, như: Vương quốc Anh, Cộng hòa Italia, Hungary, Liên bang Nga, Đài Loan, Hàn Quốc…

Có thể nói rằng, hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp có nhiều đơn hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Năm 2015, với sự hỗ trợ từ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống, như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng mở rộng.

Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục quay trở lại thị trường Liên bang Nga, các nước Đông Âu, tăng cường hoạt động tại thị trường Myanmar, Lào, Campuchia, một số nước Trung Đông và châu Phi, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ vào thị trường các nước nói trên; xúc tiến đẩy mạnh hoạt động thương mại, đầu tư; nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động này nhiều năm qua vẫn ít thay đổi, mới chỉ dừng ở những hoạt động bề nổi, như: các hội chợ, triển lãm, hội thảo… mà ít nội dung đi vào thực chất. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu thông tin cho doanh nghiệp khi thị trường mở cửa.

Để công tác này có thể thực hiện tốt hơn nữa trong năm 2016, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 206/QĐ-BCT, ngày 18/01/2016 phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016 gồm 177 đề án của 67 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 90 tỷ đồng.

Cũng giống như mọi năm, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2016 đặt mục tiêu hàng đầu cho hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường, mặt hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chương trình xúc tiến thương mại năm nay còn có thêm các hoạt động khác, như: hội chợ chuyên ngành trong nước, hội chợ thực hiện tại nước ngoài, đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài, hội nghị quốc tế ngành hàng, hoạt động đón các nhà nhập khẩu nước ngoài vào giao dịch mua hàng, thông tin thương mại, đào tạo, tư vấn, xúc tiến thương mại của các vùng kinh tế, đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại.

Song song với việc thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016 sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa, nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Như vậy, so với năm 2015, nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại đã giảm 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động trong chương trình xúc tiến thương mại trong năm 2016 sẽ có sự thay đổi trong cách thức thực hiện để phù hợp với yêu cầu mới, bối cảnh mới - hội nhập sâu rộng. Ví dụ như hoạt động đón các nhà nhập khẩu nước ngoài vào mua hàng. Theo Cục Xúc tiến thương mại, việc đưa đoàn đi nước ngoài, mang hàng hóa đi triển lãm vẫn còn hình thức, dàn trải, chưa hiệu quả. Trong điều kiện nguồn kinh phí "eo hẹp", ngày càng "co lại", vì vậy, việc tổ chức đón nhà nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.

Đặc biệt, sẽ xây dựng chiến lược dài hạn và chọn trúng, đúng đối tượng để xúc tiến thương mại có hiệu quả và đi vào chiều sâu./.