NHỮNG KẾT QUẢ “ĐỘT PHÁ”...

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã diễn ra từ ngày 30/10/2021 đến ngày 13/11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Tại Hội thảo công bố kết quả Hội nghị COP26 và hành động của Việt Nam, diễn ra chiều ngày 7/12, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, các bên tham gia COP26 đã rất thành công, nhờ sự cố gắng của nước chủ nhà Anh, cũng như sự dẫn dắt của nhiều nước tiên phong trong vấn đề tài chính, công nghệ.

Cần chung tay trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Trình bày cụ thể hơn Kết quả Hội nghị COP26, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Phó Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu cho biết, tại Hội nghị COP26, 147 quốc gia chiếm gần 90% lượng phát thải khí nhà kính và trên 90% GDP toàn cầu đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; 103 quốc gia (chiếm 40% tổng lượng phát thải mê-tan toàn cầu) đã tham gia Cam kết giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020; 141 quốc gia với hơn 90% diện tích rừng trên thế giới đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Quan trọng nhất là “Gói thỏa thuận khí hậu Glasgow”, lần đầu tiên các bên tham gia cam kết cắt giảm sử dụng và trợ cấp than và nhiên liệu hóa thạch. Gần 50 quốc gia đã ký tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Các nền kinh tế lớn cam kết ngừng điện than trong thập kỷ 30, các nước còn lại sẽ ngừng điện than vào thập kỷ 40 của thế kỷ này. Đã có 25 quốc gia và các định chế tài chính quốc tế tuyên bố không hỗ trợ cho phát triển năng lượng sử dụng nhiên liệu hoá thạch từ cuối năm 2022 trở đi để hỗ trợ năng lượng sạch, một số quốc gia tuyên bố dừng hoạt động khoan dầu khí mới. Tại Hội nghị, có thêm 28 quốc gia đã tham gia Liên minh ngừng sử dụng điện than (PPCA) do Anh và Canada đồng khởi xướng, nâng tổng số quốc gia tham gia Liên minh này lên 48 nước.

Nhiều sáng kiến đã được công bố tại COP26 thu hút nhiều quốc gia tham gia, trong đó có các sáng kiến quan trọng như: Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu; Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; Tuyên bố chấm dứt sản xuất phương tiện giao thông chạy xăng, dầu từ nay đến năm 2040; Liên minh hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu; một số sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng… Mỹ và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, hai nước cam kết hợp tác trong thập kỷ tới để xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”, giảm phát thải mê-tan, chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm phát thải carbon.

Có thể thấy, Hội nghị COP26 đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên thế giới, từ dựa trên năng lượng hoá thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng "0".

Vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì, phát triển rừng và bảo vệ các hệ sinh thái.

Cùng với Gói Thoả thuận khí hậu Katowice được thông qua tại COP24 năm 2018, Gói Thoả thuận khí hậu Glasgow được thông qua tại COP26, Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris đã cơ bản được hoàn thiện.

... CÙNG CAM KẾT MẠNH MẼ CỦA VIỆT NAM

Về phía Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo quyết liệt và kịp thời để tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng như cam kết không xây dựng mới điện than; cam kết về bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý; tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; cùng các quốc gia thảo luận dẫn đến đồng thuận thông qua Gói Thỏa thuận Khí hậu Glasgow.

“Đây là những minh chứng cho thấy sự nhạy bén, nhận thức được tầm nhìn trước những thách thức, nguy cơ. Những cam kết này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, phù hợp với xu thế chung của nhân loại”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Cần chung tay trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26

Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Tấn còn cho rằng, những hành động của Việt Nam đã đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao.

“Việc cam kết đưa phát thải ròng về “0” và tham gia cam kết mê-tan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển”, ông Phạm Văn Tấn khẳng định.

CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA CÁC ĐỐI TÁC

Tuy vậy, ông Phạm Văn Tấn cũng nêu bật những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là sự huy động và duy trì sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, với quyết tâm kiên định thực hiện lộ trình chuyển đổi lâu dài, khó khăn; nguồn lực trong nước rất thiếu, nguồn lực nước ngoài dồi dào nhưng khó vào việt nam do vướng cơ chế, thủ tục hành chính; nguồn nhân lực trong nước hiện chưa đáp ứng để áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến; tâm lý vì lợi ích trước mắt, bỏ qua lợi ích lâu dài còn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của toàn xã hội.

Do vậy, bên cạnh những hành động của Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các đối tác phát triển nhận dạng và xử lý các điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tăng cường, hoàn thiện thể chế, quy định hướng tới phát triển ít phát thải và phát thải ròng bằng “0”, bao gồm chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan khác.

Mặt khác, hỗ trợ thực hiện NDC của Việt Nam, bao gồm tham gia Chương trình hỗ trợ thực hiện NDC; xây dựng kế hoạch giảm mê-tan đến 2030; đầu tư phát triển hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, phát triển đô thị xanh; phát triển công nghệ mới như hydrogen, sóng, thủy triều, thu hồi, sử dụng và lưu giữ carbon…/.