Cần khoảng 666.000 tỷ đồng cho “hồi sinh” nền kinh tế
Cần gói hỗ trợ 666.000 tỷ đồng cho 4 lĩnh vực ưu tiên
“Năm 2021, Việt Nam đã có nhiều giải pháp đổi mới để thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó có cả phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây thiệt hại rất nặng nề, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'', diễn ra hôm nay (ngày 5/2). Sự kiện này do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Chính phủ rất muốn lắng nghe những ý kiến tâm huyết, cởi mở. Ảnh: Quốc hội |
Ông Vương Đình Huệ cho biết, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế và xã hội.
“Đây là diễn đàn mở, ngoài 2 điểm cầu tại Trung ương, còn kết nối với 57 điểm cầu khác trong nước và kết nối 3 điểm cầu quốc tế là Mỹ, Pháp, Thái Lan. Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Chính phủ rất muốn lắng nghe những ý kiến tâm huyết, cởi mở, toàn diện đến từ những người thực thi chính sách và những người tham gia hoạch định chính sách…”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất tổng gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: Quốc hội |
Hiến kế về liều lượng của gói chính sách hồi phục nền kinh tế, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất tổng gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020. Ưu tiên thứ nhất là củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc với gói hỗ trợ khoảng 76.000 tỷ đồng. Thứ hai, cần tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội, với gói hỗ trợ khoảng 58.000 tỷ đồng. Thứ ba, ngoài cần tiếp sức cho doanh nghiệp thiết thực hơn, với gói hỗ trợ khoảng 244.000 tỷ đồng, cần hạ mặt bằng lãi suất. Thứ tư, tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Cần triển khai gói đầu tư với quy mô 288.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm 2022-2023.
Nguồn lực đến từ đâu?
Lượng vốn cầu cho “hồi sinh” nền kinh tế rất lớn, nên câu hỏi đặt ra là huy động nguồn lực từ đâu?
“Cần phải chấp nhận thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 1 điểm % mỗi năm trong 2022-2023, đồng thời thực hiện tiết giảm chi phí, đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, phát hành trái phiếu chính phủ, rà soát các quỹ ngoài ngân sách…”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia hiến kế giải pháp huy động nguồn lực cho gói hỗ trợ phục hội kinh tế.
Để có nguồn lực cho hồi sinh nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị cần chấp nhận thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 1 điểm % mỗi năm trong 2022-2023. Ảnh: Quốc hội |
Bà Carolyn Turk khuyến nghị, Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế, đặc biệt là giảm sự cứng nhắc trong hệ thống phân bổ ngân sách, cho phép nguồn vốn được phân bổ dễ dàng hơn giữa các danh mục chi tiêu… |
Ngoài ra, ông Lực cũng khuyến nghị cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng; giảm phí bảo hiểm xã hội, thuế bảo vệ môi trường; giảm thuế, phí trước bạ ô tô trong nước… Cùng với đó là ứng trước các chi phí như tiền lương, phòng chống dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở (cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp) để hỗ trợ các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất ở mức thấp; cho vay tái cấp vốn các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở; nghiên cứu giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14% trong năm 2022-2023…
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhìn nhận, các gói hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam cho các doanh nghiệp, cá nhân, các hộ gia đình so với khu vực cho tới thời điểm này vẫn còn thấp. Do đó, chúng ta có thể cân nhắc gia tăng hỗ trợ và chúng tôi tin rằng vẫn còn dư địa tài khóa để làm việc này. Tuy nhiên, để các gói hỗ trợ hiệu quả, thì cần quy trình thực hiện mạnh mẽ và mục tiêu cụ thể, rõ ràng.../.
Bình luận