“Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế; công tác quản lý thực hiện một số nơi còn chưa nghiêm...”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Tọa đàm lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng ngày 8/9, theo Văn phòng Quốc hội.

Cần làm rõ hơn tồn tại trong lập quy hoạch sử dụng đất
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, chất lượng quy hoạch sử dụng đất chưa cao. Ảnh: Quốc hội

Theo ông Vũ Hồng Thanh, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 đến nay đã hết hiệu lực và theo thẩm quyền Quốc hội là cơ quan phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn tiếp theo. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra nội dung này.

Đánh giá về thực hiện quy hoạch sử dụng đất 2011-2020, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã góp phần tăng cường quản lý đất đai, khai thác nguồn thu từ đất đóng vai trò quan trọng vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch sử dụng đất chưa cao; đánh giá dự báo chưa sát thực tiễn và chưa bảo đảm khả năng cân đối nguồn lực thực hiện; kết nối liên thông vùng, địa phương, tỉnh còn hạn chế...

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng quy hoạch sử dụng đất quốc gia là quy hoạch nền tảng, toàn diện, đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương tạo tính liên kết vùng, liên tỉnh. Do đó, quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn, hài hòa giữa mục tiêu phát triển và bảo vệ, bảo tồn, đảm bảo tiềm năng, nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả.

Cùng với đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần bảo đảm quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai, sử dụng đất hợp lý, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững... Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc, quy tắc phải tuân thủ khi triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là những việc không được làm…

Cần làm rõ hơn tồn tại trong lập quy hoạch sử dụng đất
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần quan tâm đến kinh nghiệm quốc tế. Ảnh: Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần quan tâm đến yếu tố lịch sử, đặc điểm đất đai từng vùng để có định hướng phù hợp, lưu ý các yêu cầu trong quản lý sử dụng đất, tình trạng đất thoái hóa, mất đất do tác động của sạt lở, biến đổi khí hậu, vấn đề tài chính đất đai, bổ sung cơ chế giám sát thực hiện quy hoạch… Cơ quan chủ trì soạn thảo giúp Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chuyên gia để hoàn thiện hồ sơ, để bảo đảm chất lượng nội dung sẽ trình Quốc hội.

Phát biểu kết luận, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng các đại biểu vẫn còn những băn khoăn về lập các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, nên đề nghị các cơ quan hữu quan thúc đẩy triển khai lập quy hoạch, tránh tình trạng mâu thuẫn; quan tâm đến kinh nghiệm quốc tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, các dự báo, kịch bản, khai thác tiềm năng, cơ hội nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

“Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện các nội dung để có hồ sơ chính thức, sớm gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để tiến hành thẩm tra, trên cơ sở đó hoàn thiện hồ sơ quy hoạch bảo đảm chất lượng trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2021 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2./.