Việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, theo chinhphu.vn.

Theo Chỉ thị, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực, kết quả giải ngân 9 tháng năm 2022 cao hơn khoảng 35.000 tỷ đồng (tăng 16%) so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng đạt 46,7% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng giao. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công, phần nhiều do nguyên nhân chủ quan
Chỉ thị số 19/CT-TTg vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công (ảnh: VGP)

Việc giải ngân chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc thiếu quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trước tháng 11/2022

Để tiếp tục thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 (mục tiêu giải ngân năm 2022 từ 95 - 100%) và cả giai đoạn 2021 - 2025, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng cuối năm 2022 và những năm sau là một trong những nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, trong hai năm 2022 - 2023, chúng ta phải giải ngân số vốn lớn hơn các năm trước (ngoài kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, còn có thêm phần vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), nên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ; các nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương triển khai hiệu quả, quyết liệt Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022; đôn đốc đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tổng hợp phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm việc bố trí vốn năm 2023 tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, chia cắt.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên…; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định.

Xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phải phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công; các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Đối với các dự án dự kiến giao kế hoạch năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo chủ đầu tư chủ động chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2022, để sẵn sàng triển khai các công việc thực hiện, giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023, không để sau khi giao kế hoạch vốn mới bắt đầu triển khai các công việc. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham gia ý kiến kịp thời trong quản lý vốn đầu tư công (phân bổ, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công…) theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đối với việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ, giải pháp hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai một số nội dung, dự án thuộc thẩm quyền được giao của các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản./.