Với chủ đề “Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp” và công bố ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017”, Hội thảo có sự góp mặt của rất nhiều chuyên gia kinh tế, đặc biệt có sự tham gia của 2 vị nguyên và đương nhiệm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) là TS. Võ Trí Thành và ông Phan Đức Hiếu.

TS. Võ Trí Thành phát biểu tại Hội thảo

Đối mặt nhiều rào cản, 48% DN thua lỗ

Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS. TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều tồn tại và thách thức.

Chất lượng tăng trưởng chưa có cải thiện, nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng trong khi chất lượng của các nguồn lực vẫn còn thấp.

Cách thức tăng trưởng hiện nay khiến dư địa tác động chính sách bị thu hẹp, những chính sách quản lý tổng cầu gây sức ép bất ổn như lạm phát hay bất ổn tài chính.

“Khu vực DN còn đối diện nhiều rào cản phát triển. Khu vực DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ hiện lên đến hơn 48% tổng số DN. Trong ba khu vực, các DN tư nhân và DN FDI có tỷ lệ DN thua lỗ cao hơn hẳn so với DN nhà nước”, ông Tô Trung Thành chỉ rõ.

PGS. TS. Tô Trung Thành cho rằng, nếu DN FDI thua lỗ có thể một phần từ hoạt động “chuyển giá”, thì con số hơn 48% DN thuộc khu vực tư nhân thua lỗ, so với hơn 16% DN thuộc khu vực nhà nước thua lỗ đã phản ánh rõ nét những khó khăn rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân.

Theo nhóm nghiên cứu, có 4 vấn đề chính mà tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt. Thứ nhất là rào cản hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay tín dụng của các doanh nghiệp; thứ hai là rào cản gia tăng chi phí lao động của các doanh nghiệp; thứ ba là rào cản gia tăng chi phí cơ sở hạ tầng logistics của doanh nghiệp; và thứ tư là rào cản gia tăng chi phí thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Kết quả phân tích từ dữ liệu điều tra của World Bank cho thấy có 24,7% doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 coi tiếp cận tín dụng là trở ngại lớn nhất khiến cho doanh nghiệp không phát triển được. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với ở Indonesia (6,3%), Thái Lan (4,9%) và Malaysia (0,9%).

“Số liệu điều tra trực tiếp từ 695 doanh nghiệp của chúng tôi cho thấy, có tới 58% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã từng nộp đơn xin vay vốn ngân hàng. Quy mô doanh nghiệp càng lớn thì tỷ lệ này càng tăng”, ông Thành cho biết.
Ngoài thủ tục vay phức tạp thì rào cản về tài sản thế chấp; lãi suất cao và chi phí “lót tay”, quà tặng vẫn là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chi phí sử dụng lao động có xu hướng tăng nhẹ. Tỷ trọng chi phí bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và kinh phí công đoàn tăng đáng kể. Đánh giá tác động của hàng loạt chính sách mới được áp dụng từ năm 2018, chi phí lao động của doanh nghiệp năm nay có thể tăng lên 6,8%; làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp 11,4%.

“Cơ sở hạ tầng logistics chưa hiệu quả về mặt chất lượng và kết nối, làm cho thời gian và chi phí vận chuyển tăng cao, trở thành một điểm nghẽn đối với quá trình tạo thuận lợi thương mại thay vì trở thành một trong những trụ cột để phát triển như kỳ vọng”, PGS. TS. Tô Trung Thành cho biết thêm.

Tháo gỡ các rào cản không dễ!

Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân, để vượt qua những vấn đề tồn tại và thách thức trên, các chuyên gia nhấn mạnh, chính sách gia tăng tổng cung cần được tập trung với quyết tâm lớn trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN cần được coi là một ưu tiên chính sách.

Theo đó, việc tháo gỡ các rào cản làm giảm khả năng tiếp cận hoặc tăng chi phí tiếp cận các yếu tố sản xuất và chi phí thực hiện nghĩa vụ Nhà nước là rất cần thiết nhằm tiết giảm chi phí của DN và đóng góp vào chính sách gia tăng tổng cung. Ưu tiên chính sách trên cũng phù hợp với xu hướng chính sách hiện nay của Chính phủ, đó là quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp thông qua hàng loạt các Nghị quyết quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu Chính phủ kiến tạo.

Kết quả Điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa của CIEM cũng cho thấy thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính (tính thanh khoản, rào cản về tiếp cận tín dụng) vẫn là trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp.

Còn ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM lại cho rằng, Việt Nam đã đưa ra nhiều "đơn thuốc" nhằm tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp từ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ… nhưng "căn bệnh" doanh nghiệp trong nước mãi vẫn không phát triển vẫn không thể khỏi.

Nguyên nhân theo ông Hiếu, việc chưa đạt được các mục tiêu đặt ra là do các giải pháp không được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

"Cắt bỏ điều kiện kinh doanh mới chỉ là điều kiện đầu tiên. Phải tính tới việc thiết kế những chính sách thúc đẩy cạnh tranh bởi chính sách cạnh tranh mới là trái tim của nền kinh tế, giúp nền kinh tế phát triển bền vững và dài hạn", ông Hiếu cho hay.

Với tính thẳng thắn và dí dỏm của mình, TS. Võ Trí Thành ví von: “Tăng trưởng GDP hiện như miếng bánh chỉ dành cho ông to, doanh nghiệp lớn”,

Đồng tình với ông Hiếu, vị nguyên Phó Viện trưởng CIEM chia sẻ quan điểm: "Tôi tin rằng nếu chúng ta bỏ Samsung ra khỏi nền kinh tế và tác động tăng trưởng của Việt Nam, còn lại chỉ có các DN Việt Nam với nhau thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam không có gì quá đặc sắc. Nói vậy không phải là chê xấu, mà chúng ta phải nhìn rõ thực tế các doanh nghiệp Việt đang rất khó khăn".

Ông Thành cho rằng, người làm chính sách nên có đánh giá tích cực để cổ vũ phát triển, nhưng cũng rất thận trọng, bởi chúng ta còn có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trước mắt, nhất là phải tính được đường dài.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, xử lý cái cũ nhưng cũng phải điều chỉnh ngay cái mới. Theo ông, nhiều năm gần đây Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mức lương dành cho lao động chất lượng cao tại Việt Nam rất cao nhưng lực lượng này luôn rất hiếm.

“Vì thế, làm sao để lao động Việt Nam có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh và là lợi thế để các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào Việt Nam là câu hỏi cần các nhà hoạch định chính sách có lời giải”, ông Thành trăn trở./.