Chiến sự Nga - Ukraine: Tìm kiếm cơ hội cho Việt Nam trong thách thức toàn cầu
TS. Cấn Văn Lực dẫn dắt cuộc toạ đàm chiều ngày 7/3/2022

“Để xảy ra chiến sự là thất bại của nền văn minh hiện tại, hệ quả để lại chưa thể lường trước”

Chiến sự Nga - Ukraine: Tìm kiếm cơ hội cho Việt Nam trong thách thức toàn cầu

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Nhân loại bước vào cuộc chiến mới khi mà thách thức của thiên tai, dịch bệnh chưa kịp qua đi. Theo đó, nền kinh tế toàn cầu phải chịu tác động kép, dịch bệnh và chiến tranh. Nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới, như cơ thể con người mới bước đầu phục hồi lại đối đầu với cú sốc mới. Chiến tranh Nga - Ukraine đẩy nhân loại và kinh tế thế giới vào bất ổn, bất an. Dòng người tị nạn, đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên vật liệu hàng hoá cơ bản tăng cao, hệ thống thanh toán đầu rủi ro, chứng khoán chìm sắc đỏ, kinh tế Nga - Ukraine lao dốc mạnh.

Vấn đề trên không chỉ của một nước, mà đang và sẽ lan ảnh hưởng ra toàn cầu. Những ngày qua, thay cho từ nóng nhất trong hai năm qua là Corona là chiến sự Nga - Ukraine. Chưa bao giờ thế giới rơi vào tình trạng này. Để xảy ra chiến tranh, theo tôi, đó là thất bại của nền văn minh, hệ quả để lại ko hề nhỏ, thiệt hại không bù đắp được về sinh mạng con người, vật chất, quan trọng nhất là niềm tin của doanh nghiệp đang bị khủng hoảng.

Kịch bản của tai hoạ kép hiện nay chưa thể tính được thời điểm này. Nếu chiến tranh tiếp tục leo thang thì những biện pháp trừng trị, trừng phạt của phương Tây tiếp tục gia tăng không biết bao giờ dừng lại. Rất khó khép lại ngay cuộc chiến này.

Dù khó, nhưng tôi vẫn hy vọng là cuộc chiến sẽ được giải quyết, hòa bình, biện pháp trừng phạt gỡ bỏ, làm sao cuộc xung đột không trở thành quy mô lớn toàn cầu.

Về tác động của chiến sự Nga - Ukraine, tôi cho rằng, tác động là toàn diện đến nền kinh tế thế giới cả trực tiếp và gián tiếp, trong đó có Việt Nam.

Đầu tiên là xuất nhập khẩu, chúng ta có hoạt động giao thương với cả Nga và Ukraine. Chiến tranh xảy ra khiến vận chuyển khó khăn, chi phí, giá cả tăng lên, thanh toán không được thực hiện. Đó là những tác động trực tiếp. Gián tiếp là đầu tư của Nga - Ukraine tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư với Nga - Ukraine bị ảnh hưởng lớn. Tác động lớn hơn là đẩy lạm phát, chi phí hàng hoá lên, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nền kinh tế ta độ mở cao, ảnh hưởng lớn, lạm phát toàn cầu tăng ảnh hưởng tới Việt Nam. Ứng phó với cuộc chiến này là cần thiết, quan trọng, cấp bách phải làm nhưng chắc chắn phải có chiến lược tổng thế, lâu dài trên cơ sở lắng nghe tình hình thế giới.

Trong khó khăn, tai hoạ, chúng ta cũng thấy cơ hội mở ra và tôi cho rằng, nhìn một cách tích cực, đó cũng là cơ hội kép, chứ không phải cơ hội đơn lẻ. Khi phương Tây căng thẳng với Nga, cơ hội cho doanh nghiệp nước ta có thể tiến vào thị trường Nga trở nên lớn hơn, Nga hướng về châu Á và Việt Nam sẽ là điểm đến quan trọng của Nga.

Phương Tây rút đi cũng mở ra cơ hội hàng xuất nhập khẩu của chúng ta sang Nga. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới rời Nga cũng là những nền kinh tế nước ta có FTA thế hệ mới. Đây là lợi thế ta có thể tăng cường, biến Việt Nam thành cứ điểm cung ứng nguồn cho chuỗi cung ứng toàn cầu, và nước ta có thể tranh thủ được. Tuy nhiên, cơ hội cần đi cùng với sức ép, động lực để đẩy nhanh cải cách thể chế, xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp để tạo động lực cho phát triển.

“Chính phủ cần giúp doanh nghiệp Việt Nam - Nga kết nối tốt hơn, hiểu nhu cầu giữa hai thị trường trong tình hình mới”

Chiến sự Nga - Ukraine: Tìm kiếm cơ hội cho Việt Nam trong thách thức toàn cầu

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Chiến sự giữa Nga – Ukraine khiến tôi rất bất ngờ. Với tư cách là nhà kinh tế thì tôi nghĩ cuộc chiến tranh đó không xảy ra nhưng thực tế nó đã xảy ra.

Tôi quan sát thấy, các biện pháp trừng phạt đối với Nga đang rất mạnh. Điều quan trọng, chưa chắc sự trừng phạt đã dừng lại như bây giờ, mà còn có thể tiếp tục leo thang hơn nữa. Và nhiều khả năng Nga sẽ có những phản ứng nào đó để đáp trả.

Chiến tranh tác động trực diện đến các hoạt động về vận tải, giao dịch hàng hóa, thương mại từ trên không, đường bộ, đường biển… Cùng với đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ tác động đến hệ thống tài chính thế giới, từ đó ảnh hưởng đến Việt Nam. Cụ thể hơn, với Việt Nam, tác động trực diện có thể nhìn thấy trong quan hệ thương mại với 2 nước tham chiến. Quy mô thương mại giữa 2 quốc gia như thống kê Việt Nam với Nga đầu đó khoảng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Với Ukraine là 0,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Không phải toàn bộ quan hệ thương mại bị ngừng trệ hẳn, nhưng đâu đó sẽ có tác động.

Tiếp theo là các tác động gián tiếp, cuộc chiến tranh tác động đến kinh tế toàn cầu và kinh tế toàn cầu luôn ảnh hưởng đến Việt Nam. Rất có thể tác động gián tiếp này sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Chúng ta hình dung, sự phục hồi kinh tế Việt Nam cũng phải phụ thuộc vào sự phục hồi của các thị trường chung, của các nước đối tác. Nay nhiều nền kinh tế ảnh hưởng thì chúng ta không thể yên tâm với các mục tiêu đặt ra.

Đầu tiên, chúng ta thấy rất rõ, những doanh nghiệp trực tiếp có quan hệ thương mại với Nga – Ukraine. Khó khăn ở đây về thanh toán, vận chuyển rồi không bán được hàng thì tồn kho, và hệ luỵ thì cứ cái này kéo theo cái kia. Khó khăn chồng chất khó khăn.

Về các ngành nào sẽ bị tác động, theo tôi các ngành như may mặc, thuỷ sản, nông nghiệp.

Đó là từ phía nước ta xuất đi, còn từ phía Nga với Việt Nam, họ cũng gặp khó khăn tương tự. Tuy nhiên, điểm mà tôi kỳ vọng chúng ta có thể phục hồi nhanh trong bối cảnh này là ngành du lịch.

Với các ngành kinh tế khác, trong góc nhìn lạc quan, chúng ta cũng có thể nhìn thấy cơ hội, nhưng tôi cho rằng, Chính phủ cần tính đến bài toán giúp doanh nghiệp các bên kết nối tốt hơn, hiểu nhu cầu của nhau trong tình hình mới giữa thị trường Nga với Việt Nam. Sự kết nối phải mang đến những thông tin cụ thể, họ cần cái gì và chúng ta có thể đáp ứng được những gì trong bối cảnh mới.

“Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ để giảm tác động tiêu cực từ cuộc chiến và mở rộng cơ hội khai thác thị trường Nga”

Chiến sự Nga - Ukraine: Tìm kiếm cơ hội cho Việt Nam trong thách thức toàn cầu

Ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội

Chúng tôi đang có khách hàng Nga trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu và mảng kinh doanh này đang phải chịu toàn bộ tác động từ cuộc chiến tranh hiện nay. Thứ nhất về lĩnh vực tài chính, một số ngân hàng lớn của Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nên việc thanh toán giữa khách hàng và doanh nghiệp hiện nay đang bị treo lại. Chúng tôi hiện có khoảng 4 triệu USD hàng đã xuất nhưng chưa được thanh toán.

Về vận tải, chúng tôi hiện có lô hàng đã xuất đến Hà Lan, nhưng bị giam ở đó, vì không thể chuyển sang Nga. Vấn đề thứ ba là tỷ giá, mấy hôm nay tỷ giá rớt thảm hại, khi doanh nghiệp ký với khách hàng Nga, chúng tôi ký bằng đồng USD, nhưng nay đồng tiền Nga rớt giá quá sâu, đối tác thua lỗ, chúng tôi cũng phải chia sẻ. Chưa kể, toàn bộ các nguyên phụ liệu để làm ra sản phẩm được nhập khẩu từ nhiều nơi trên thế giới, cũng là một thách thức rất lớn với chúng tôi, trong việc làm thế nào để xử lý bài toán giá nguyên liệu đầu vào… Trong khi đó, chúng tôi đã mua khoảng 40 container nguyên phụ liệu, khi sang thành phẩm tương đương với 100 container, gần giá trị 5 triệu USD. Giờ sẽ phải đàm phán như thế nào, khi khách hàng Nga chắc chắn phải thay đổi kế hoạch. Do chiến tranh, nền kinh tế Nga đang giảm nhu cầu tiêu thụ, người dân Nga thắt lưng buộc bụng, tỷ giá yếu đi thì chi phí sinh hoạt tăng lên, giá bán hàng sẽ cao hơn, sẽ quay lại câu chuyện như khi Mỹ bị dịch bệnh, một loạt các doanh nghiệp may mất đơn hàng và tắc đơn hàng. Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi đang đối mặt với hậu quả rõ ràng từ cuộc chiến và cũng đang loay hoay để giải quyết.

Doanh nghiệp có rất nhiều tâm tư. Ở tầm vĩ mô, chúng ta đang thấy lạm phát có dấu hiệu tăng cao trên toàn cầu, đặc biệt Việt Nam còn bị động hơn, từ lạm phát đương nhiên phải đặt câu hỏi ảnh hưởng thế nào đến người lao động, trước hết người lao động bị phụ thuộc bởi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, kinh tế giảm sút thì thị trường của doanh nghiệp sẽ bị co hẹp lại, chi phí cho người lao động về lương, an sinh xã hội và các chế độ khác đương nhiên sẽ phải cân nhắc và bị ảnh hưởng…

Tuy nhiên, nhìn sang khía cạnh tích cực, chúng tôi cũng thấy có một số cơ hội. Thứ nhất, hiện tỷ trọng giữa Việt Nam và Nga chỉ chiếm 1%, trong mối quan hệ quốc tế, Việt Nam và Nga đang muốn hợp tác phát triển chặt chẽ hơn, đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nga. Nga chắc sẽ bị hạn chế bởi thị trường phương Tây và đang có định hướng mở rộng sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Chúng ta lại có mối quan hệ lịch sử với Nga, nên rất cần phải tận dụng.

Về du lịch, chắc chắn người Nga sẽ không dễ dàng chọn du lịch sang Mỹ hoặc phương Tây, đương nhiên họ sẽ có nhu cầu đi du lịch các nơi khác, đó cũng là cơ hội cho chúng ta. Việt Nam phải tận dụng các cơ hội này, nâng tỷ trọng thương mại hai nước cao hơn nữa, nó sẽ hỗ trợ cho tương lai lâu dài về sau.

Để nắm bắt được các cơ hội đó, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước và chính sách để hiện thực hóa được, còn các vấn đề về thanh toán, vận chuyển, tỷ giá, chúng ta có thể tìm giải pháp bằng kỹ thuật. Vấn đề là không chỉ chúng ta nhìn thấy cơ hội mà tất cả các nước châu Á đều nhìn thấy, ai nhanh sẽ nhận trái ngọt nhiều hơn.