Chính sách hay mà không đi vào cuộc sống, thì cũng vô ích
Nghị quyết 19: Còn sự khác biệt trong thực thi giữa các bộ, ngành, địa phương
Báo cáo về kết quả triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, hoan nghênh những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Nhờ sự cải thiện tích cực trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, hải quan, nộp thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng, mà thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới được cải thiện.
Theo đó, thứ hạng của Việt Nam tăng 3 bậc từ vị trí 93 lên vị trí 90. Sự cải thiện thể hiện ở 5 chỉ số gồm Khởi sự doanh nghiệp (tăng 7 bậc); tiếp cận điện năng (tăng 22 bậc); tiếp cận tín dụng (tăng 8 bậc); nộp thuế và bảo hiểm xã hội (tăng 4 bậc); giải quyết phá sản doanh nghiệp (tăng 2 bậc).
Do đánh giá của Ngân hàng Thế giới ghi nhận những thay đổi tính đến thời điểm 31/5/2015, trong khi một số văn bản như Luật Doanh nghiệp có hiệu lực sau thời điểm đó, vì vậy dự kiến sang năm 2016, các chỉ số này của Việt Nam sẽ được xếp hạng tốt hơn.
Tuy nhiên, đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, còn 5 lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm bậc
Cụ thể: Thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày; Thủ tục đăng ký sở hữu tài sản tăng lên, điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình dưới. Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư chưa được ghi nhận cải thiện do thời điểm kết thúc điều tra thì luật doanh nghiệp chưa có hiệu lực. Giao dịch thương mại qua biên giới liên tục giảm bậc trong 2 năm gần đây, mỗi năm giảm 1 bậc do những bất cập về quản lý chuyên ngành. Chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng không có sự thay đổi về điểm số và thứ hạng…
Phân tích rõ hơn về điểm nay, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ rõ: Những lĩnh vực có sự cải thiện về thứ hạng chủ yếu do các bộ, cơ quan (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã triển khai thực hiện theo yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều chỉ số đề ra tại Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 chưa đạt được yêu cầu, thậm chí một số lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm bậc.
Cụ thể, Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 đặt ra yêu cầu cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh với việc bãi bỏ ít nhất 3.299 điều kiện kinh doanh được quy định trong các văn bản dưới nghị định theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp từ 01/07/2016, tuy nhiên có tình trạng một số bộ đã và đang tiếp tục soạn thảo, ban hành thông tư quy định điều kiện kinh doanh.
Về yêu cầu cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành, Nghị quyết giao trách nhiệm rất cụ thể cho 13 bộ, ngành liên quan; tuy nhiên mới chỉ có 3 bộ (Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ động triển khai theo hướng cải cách này. Các bộ còn lại về cơ bản chưa thực hiện hoặc xây dựng, ban hành văn bản chưa theo tinh thần cải cách của Nghị quyết 19/NQ-CP, dẫn đến thứ hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới giảm bậc, tạo gánh nặng cho DN gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường kinh doanh.
“Thực tế cho thấy ở các ngành, địa phương mà Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, đôn đốc, giám sát thực thi, đơn vị đó sẽ thực hiện các giải pháp, đạt được kết quả như Nghị quyết đề ra. Ngược lại, gần như việc triển khai trên thực tế chưa đạt yêu cầu, các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết không có chuyển biến đáng kể”, ông Nguyễn Đình Cung thẳng thắn.
Cần giải quyết những tiêu chí “âm”
Dù đánh giá cao những kết quả đạt được, song, Phó Thủ tướng cho rằng việc đánh giá triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP trong năm qua cần được nhìn nhận một cách thẳn thắn, cầu thị đối với những bộ, ngành, địa phương thực hiện tích cực và chưa tích cực.
Nhất trí với các ý kiến thành viên Hội đồng về việc cần tiếp tục xây dựng Nghị quyết 19 mới về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho năm 2016, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết có những việc phải làm nhiều năm cần tiếp tục nêu lại; đồng thời, xác định những việc tập trung phải làm, trong đó chú ý đến những việc chưa thực hiện được.
“Tinh thần xây dựng Nghị quyết theo hướng bên cạnh những nội dung vĩ mô, mang tính định hướng cần có những nội dung quy định chi tiết, chỉ rõ việc cần làm, có thời hạn cụ thể. Đối với các tiêu chí ở “mức âm” cần tiếp tục tập trung giải quyết, cụ thể cần những văn bản gì, trách nhiệm thuộc ai. Đối với các chỉ số có thể làm tốt hơn nữa, cần đẩy mạnh để thực hiện tốt hơn. Trong Nghị quyết phải nêu rất rõ mối tương quan về tiêu chí cụ thể cũng như cách đánh giá liên quan tới các nghị quyết về cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, cần đưa thêm vào một số tiêu chí đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Từ ý kiến các thành viên Hội đồng cho rằng nhiều chính sách được Chính phủ đẩy mạnh nhưng thực thi của các cấp dưới còn nhiều vướng mắc, doanh nghiệp lại ngại góp ý, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý và yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục xây dựng cơ chế tiếp thu, xử lý ý kiến, phản hồi của các doanh nghiệp. Việc xây dựng cơ chế này đã được thực hiện nhưng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, tổng hợp lên để đưa ra ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp nói tinh thần ở trên thì rất tốt, nội dung văn bản ban hành tốt hơn nhưng thực thi ở cấp dưới còn khoảng cách rất lớn. Do vậy, chúng ta phải có cơ chế tiếp nhận, xử lý ý kiến, phản hồi của doanh nghiệp. Nếu cứ ra chính sách hay mà không đi vào cuộc sống thì sẽ không có ích lợi gì”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Bình luận