THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CỦA KTTN TRONG THỜI GIAN QUA

Cùng với chính sách Đổi mới kinh tế năm 1986, khu vực KTTN ra đời và chính thức được công nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho đến nay, khu vực KTTN đã phát triển không ngừng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Số lượng và quy mô các doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh cá thể không ngừng gia tăng. Tính riêng cho khu vực DN, đến cuối năm 2020, DN tư nhân đạt 500.000 DN (trong tổng số 600.000 DN trong toàn nền kinh tế) với tỷ trọng của các DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN quy mô vừa và DN lớn lần lượt là 96%, 2% và 2%. Một số tập đoàn KTTN với quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế được hình thành. Vốn đầu tư của khu vực KTTN chiếm khoảng 53% tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng vốn ổn định nhất trong 3 khu vực (giai đoạn 2011-2019, trung bình đạt trên 13%/năm). KTTN thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế (Nguyễn Hùng, 2021), đặc biệt tạo việc làm mới cho những đối tượng bị giảm biên chế hoặc mất việc làm do quá trình tinh giản bộ máy hành chính, cải cách DN nhà nước hay dịch chuyển lao động từ khu vực nông thôn. KTTN cũng góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTTN còn phải đối mặt với nhiều khó khăn dẫn đến hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các DN trong khu vực KTTN quy mô nhỏ (chiếm hơn 96% DNNVV trong nền kinh tế). Các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình cũng đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên hoạt động kinh doanh chỉ phù hợp với phạm vi nhỏ hẹp. Khu vực KTTN chủ yếu hoạt động ở các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ, cũng như gặp trở ngại trong việc tham gia sâu vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu. Những khó khăn trong tiếp cận nguồn đáp ứng nhu cầu kinh doanh là rào cản lớn cho việc thúc đẩy khu vực KTTN phát triển lớn mạnh.

CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN

Kết quả đạt được

Trong thời gian qua, với mục tiêu phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, trong đó chính sách tín dụng đã không ngừng được cải thiện, góp phần nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng của các cá nhân, tổ chức và DN. Thực chất không có một chính sách tín dụng ưu đãi riêng cho từng khu vực kinh tế, mà chính sách tín dụng trong thời gian qua chủ yếu tập trung cho đối tượng DNNVV, DN khởi nghiệp và các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên phát triển.

Chính sách tín dụng phát triển khu vực kinh tế tư nhân
Khu vực KTTN đã phát triển không ngừng và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Để gia tăng dòng vốn, đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức và DN, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung rà soát, hoàn thiện các khung khổ pháp lý tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế được vay vốn theo năng lực tài chính và phương án kinh doanh khả thi, mở rộng và đa dạng hóa các kênh tiếp cận tín dụng. NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, xây dựng và triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi, khuyến khích trong một số lĩnh vực ưu tiên, như: cho vay theo chuỗi giá trị bền vững trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, chính sách hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ.

Một trong những chính sách tín dụng có tác động lớn đến khu vực KTTN đó là, chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần của: Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 25/10/2018 của Chính phủ sửa đổi và bổ sung một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của một số đối tượng khách hàng tăng lên so với mức cho vay cũ để phù hợp với nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp thực tế hiện nay của khách hàng cá nhân và hộ gia đình.

Để triển khai cụ thể những chủ trương của Chính phủ đối với việc triển khai cơ chế, chính sách mới thúc đẩy phát triển KTTN nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng, ngày 24/4/2017, NHNN đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Theo quy định của Quyết định số 813/QĐ-NHNN, KTTN khó khăn trong việc trả nợ vay do nguyên nhân khách quan sẽ được các ngân hàng thương mại chủ động xem xét lại về thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng, tình hình của DN. Trong 3 năm (từ năm 2018 đến năm 2020), số DN tư nhân đầu tư trực tiếp vào khu vực nông nghiệp đã tăng gấp gần 4 lần, từ hơn 3.000 DN lên đến khoảng 11.800 DN tư nhân đầu tư vào khu vực nông nghiệp (Hạnh Nhân, 2020).

Ngày 30/12/2016, NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Hai thông tư này được ban hành tạo lập khuôn khổ pháp lý mới về cho vay vốn theo hướng hoàn thiện chính sách tín dụng, không phân biệt giữa DN nhà nước và DN tư nhân, hộ gia đình, tất cả đều bình đẳng trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Đặc biệt, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay, bổ sung nhiều quy định để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hoá, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD đối với KTTN. Ngoài ra, theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, chính sách mới không giới hạn mục đích vay vốn của KTTN như quy chế cũ mà chia nhu cầu vay vốn thành 2 nhóm: (i) Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; (ii) Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, trừ những nhu cầu vốn không được cho vay.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, NHNN đã triển khai nhiều chính sách về tín dụng và lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN bao gồm khu vực tư nhân thuộc các lĩnh vực du lịch, lữ hành, giao thông vận tải… Theo đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Thông tư số 01/2020/TT-NHNN đã tạo cơ sở pháp lý và hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm trước dịch, tạo điều kiện tiếp tục vay mới để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tính đến cuối tháng 5/2021, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 337.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 677.000 khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các TCTD đã cho vay với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng cho hơn 480.000 khách hàng (Anh Minh, 2021).

Bên cạnh các chính sách tín dụng được thiết lập phù hợp cho từng thời kỳ, nhằm hướng đến đối tượng các DNNVV và các DN khởi nghiệp là thành phần chủ yếu trong khu vực KTTN, Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ tín dụng thông qua việc thành lập các quỹ.

Cụ thể: Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia thành lập theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg, ngày 05/08/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã đi vào hoạt động từ ngày 08/01/2015 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng đã có các mức vay ưu đãi cho DN khởi nghiệp và DNNVV nếu thỏa mãn một số điều kiện về lao động và vốn. Tháng 01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia. Theo đó, Điều lệ đã cụ thể hóa chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn cho các DN, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện, Quỹ đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tài trợ DN đổi mới công nghệ. Các đối tượng được Quỹ xem xét tài trợ là các DNNVV đang hoạt động tại 35 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực được ưu tiên trong nông nghiệp, công nghiệp và y dược (Bảo Yến, 2019).

Năm 2013, Quỹ Phát triển DNNVV được thành lập (theo Quyết định số 601/QĐ-TTg, ngày 17/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ) với số vốn điều lệ là 2 nghìn tỷ đồng nhằm triển khai hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển DNNVV Đến ngày 10/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV với chức năng cho vay, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ tháng 6/2020, Quỹ Phát triển DNNVV đã công bố giảm lãi suất cho vay về mức 2,16%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 4%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Phát biểu tại Hội thảo tham vấn về mô hình cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển DNNVV vào ngày 14/01/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, qua hơn 3 năm chính thức triển khai hoạt động hỗ trợ tài chính cho DNNVV, kết quả ban đầu cho thấy tín hiệu tích cực khi các DNNVV nhận được nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ đã hoạt động hiệu quả, lợi nhuận tăng, tạo thêm việc làm cho người lao động, đặc biệt có nhiều DN sử dụng vốn vượt kỳ vọng đã thực hiện trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ được coi là vốn mồi để thu hút các nguồn lực khác từ bên ngoài cùng chung tay hỗ trợ DNNVV (Lam Phong, 2021).

Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV được thành lập theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg, ngày 20/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính nhà nước do UBND tỉnh, thành phố thành lập và được cấp vốn điều lệ từ ngân sách tỉnh; hoạt động trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, bảo đảm an toàn vốn. Tính đến năm 2020, cả nước có gần 30 Quỹ Bảo lãnh tín dụng được thành lập và đi vào hoạt động với tổng vốn điều lệ thực có khoảng trên 1.400 tỷ đồng, trong đó, có đến hơn 1.300 tỷ đồng là vốn ngân sách. Doanh số bảo lãnh lũy kế các quỹ ước đạt khoảng 4.346 tỷ đồng, dư nợ cam kết bảo lãnh ước đạt 228 tỷ đồng, số trả nợ thay ước khoảng 36 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần hỗ trợ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho DNNVV (Thành Đức, 2020).

Một số khó khăn, hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tín dụng trong phát triển KTTN vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, khu vực KTTN vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với ưu đãi về tín dụng, ưu đãi về lãi suất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các ngân hàng thương mại giới hạn các tài sản bảo đảm để thế chấp. Có nhiều DNNVV, đặc biệt là các DN khởi nghiệp có tiềm năng phát triển lớn, nhu cầu vay vốn cao để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các ngân hàng mới chỉ quan tâm đến các tài sản hiện hữu để thế chấp, qua đó xác định hạn mức cho vay, chứ không căn cứ vào giá trị tiềm năng của DN.

Thứ hai, các chính sách vẫn còn khoảng cách so với thực tiễn, chưa giải quyết triệt để tình trạng quy định, chưa đồng bộ giữa các luật, từ đó khiến tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp KTTN còn rất chậm. Thời gian để xây dựng các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện kéo dài 2-3 năm hoặc nhiều hơn thế. Ví dụ như Quỹ Phát triển DNNVV được thành lập vào năm 2013, nhưng đến năm 2019, Chính phủ mới ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV.

Thứ ba, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến cho hoạt động kinh doanh của các DN gặp khó khăn, thiếu sự chủ động trong kế hoạch kinh doanh dẫn đến sự giảm sút nhu cầu vay vốn.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Hạn chế về tài chính là một trong những rào cản lớn cho việc thúc đẩy khu vực KTTN phát triển lớn mạnh. Mặt khác, trong điều kiện tình hình kinh tế tiếp tục có nhiều biến động phức tạp do đại dịch Covid-19, thì nhu cầu gia tăng nguồn vốn tín dụng cho khu vực KTTN lại càng cần thiết hơn nữa trong việc giúp khu vực này cải thiện sản xuất, khắc phục khó khăn và dần dần tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Vì vậy, theo tác giả, cần có những giải pháp thiết thực trong chính sách tín dụng đối với khu vực KTTN như sau:

Một là, các TCTD cần tiếp tục tập trung vốn vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế theo định hướng của Chính phủ, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến các dự án hiệu quả, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học, công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và thị trường thế giới; các DN sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, các DNNVV và DN khởi nghiệp.

Hai là, nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD đối với KTTN. NHNN cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các TCTD trong việc cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn, tăng cường cho vay tín chấp điều kiện thuận lợi cho các DN, nhất là DNNVV trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.

Ba là, NHNN tiếp tục cân nhắc, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khu vực tư nhân gặp khó khăn trong điều kiện kinh tế khó khăn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bốn là, có thể thành lập thêm các tổ chức tài chính nhằm thực hiện hỗ trợ vốn cho các DNNVV đồng thời xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng, các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để mở rộng kênh hỗ trợ vốn cho DN.

Năm là, hoàn thiện quy chế hoạt động và các quy chế của các tổ chức bảo lãnh tín dụng. Cần đa dạng hóa nghiệp vụ bảo lãnh nhằm đáp ứng tốt nhất những nhu cầu bảo lãnh ở các hoạt động khác của DNNVV như: bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng…

Sáu là, cần có các chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tiếp cận, sử dụng các kênh huy động vốn khác thông qua thị trường vốn, nhằm giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn thông qua thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) theo quy mô DN. Do đó, việc phân loại nhóm DN theo vùng quy mô, ban hành các quy định riêng về phát hành và niêm yết cho từng nhóm DN sẽ giúp phân loại rủi ro, hàng hóa trên thị trường chứng khoán, giúp DN có phương án huy động nguồn vốn phù hợp. Cần hỗ trợ khu vực KTTN tiếp cận được các hình thức huy động vốn khác, như: thuê tài chính, vay nợ quốc tế, tín dụng qua các tổ chức tài chính vi mô, nâng cao nhận thức tài chính của kinh tế cá thể và các DN siêu nhỏ./.

Tài liệu tham khảo

1. Ngân hàng Nhà nước (2019-2020). Thông tin hoạt động ngân hàng công bố định kỳ

2. Vũ Đình Ánh (2019). Khu vực KTTN trong nền kinh tế thị trường Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, Chuyên đề đặc biệt 2019

3. Thành Đức (2020). Cải tổ Quỹ Bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn, truy cập từ http://www.m.baokiemtoannhanuoc.vn/tai-chinh---ngan-hang/cai-to-quy-bao-lanh-tin-dung-de-ho-tro-doanh-nghiep-hieu-qua-hon-145072

4. Nguyễn Hùng (2021). Định vị và phát triển kinh tế tư nhân, Kỳ 1: Tạo niềm tin từ hành trình đổi mới, truy cập từ https://nhandan.vn/baothoinay-kinhte/dinh-vi-va-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-639465/

5. Anh Minh (2021). Nhiều ngân hàng triển khai tín dụng ưu đãi hỗ trợ nền kinh tế, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Tai-chinh/Nhieu-ngan-hang-trien-khai-tin-dung-uu-dai-ho-tro-nen-kinh-te/435419.vgp

6. Hạnh Nhân (2020). Gỡ rào cản, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, truy cập từ http://daidoanket.vn/kinh-te/go-rao-can-thu-hut-dau-tu-vao-nong-nghiep-tintuc458840

7. Lam Phong (2021). Nhận diện rủi ro cho vay trực tiếp trong hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, truy cập từ https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhan-dien-rui-ro-cho-vay-truc-tiep-trong-hoat-dong-cua-quy-phat-trien-doanh-nghiep-nho-va-vua-post259845.html

8. Bảo Yến (2019). Làm rõ định hướng phát triển Quỹ Phát triển khoa học – công nghệ và Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, truy cập từ https://quochoi.vn/_catalogs/masterpage/TVPortal.Publishing.Subsite.aspx?ItemID=39614

Vũ Hoàng Mai - Học viện Tài chính

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 22, tháng 8/2021)