Chống buôn lậu trên biển: Cũng lắm gian nan!
Thủ đoạn buôn lậu tinh vi, phức tạp
Trong năm 2017, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện, xử lý 49 vụ/56 tàu/254 đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, thu giữ trên 24 nghìn tấn quặng, 15 triệu lít dầu DO; tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 4 tỷ đồng, tiền phát mại số hàng hóa trên 162 tỷ đồng. Về tội phạm ma túy đã phát hiện, xử lý 161 vụ/340 đối tượng, tang vật thu giữ 299 bánh heroin.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn chưa thực sự tạo được chuyển biến căn bản, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, theo thống kê của nhiều tổ chức, hiệp hội, tình trạng buôn lậu xăng dầu, than, khoáng sản làm thất thu ngân sách mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng.
Điển hình như tình trạng buôn lậu xăng dầu, do mức chênh lệch giữa giá bán xăng dầu trong nước so với xăng dầu nhập lậu ở mức cao, vào khoảng 10 nghìn đồng/lít, khiến các đầu nậu bất chấp các thủ đoạn, sẵn sàng mua bán trái phép xăng dầu trên biển nhằm đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ, kiếm lời bất chính.
Theo thông tin từ Đoàn Đặc nhiệm miền Nam, trong năm 2017, tình hình buôn lậu xăng dầu tại khu vực biển Tây Nam diễn biến hết sức phức tạp. Tàu buôn lậu của nước ngoài thường vận chuyển xăng dầu đến đây sang mạn cho các tàu cá cải hoán của Việt Nam hoặc bán trực tiếp cho các tàu đánh bắt cá trên biển, tính chất quy mô và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.
Năm 2017, Đoàn Đặc nhiệm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm bộ đội biên phòng chủ trì và phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hơn 1.500.000 lít xăng, 116.982 lít dầu, 2.000.000 lít Pluto Condentsate, 1.000.000 lít dung môi Solmix (chất dung môi pha chế xăng dầu), trị giá hàng chục tỷ đồng. Những con số này cho thấy tính chất, mức độ và quy mô buôn lậu xăng dầu trên vùng biển phía Nam ngày càng nghiêm trọng.
Nội cộm lên là tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển
Ngoài khơi, các đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp về xăng dầu, sử dụng tàu có trọng tải lớn chạy vượt tuyến, móc nối với các đối tượng người nước ngoài để mua bán, vận chuyển xăng dầu lậu với số lượng lớn, cặp mạn ngay trên biển, khu vực giáp ranh để sang “hàng”, sau đó vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Mọi hoạt động mua, bán, chuyển tiền đều được thanh toán trực tiếp hoặc chuyển khoản.
Gần bờ, một số doanh nghiệp lợi dụng chủ trương của Nhà nước cho vay vốn đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/07/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, nhưng khi ra khơi, họ chỉ mua một lượng xăng dầu vừa đủ đến điểm hẹn, sau đó móc nối với các tàu nước ngoài để mua xăng dầu lậu với số lượng lớn, rồi bán lại, sang cất cho các tàu cá khác đang hoạt động trên biển.
Trên tuyến cảng biển, một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu số lượng lớn về nhập vào cảng chia nhỏ để bán, nhưng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng hoặc sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ để trốn thuế. Đặc biệt, thời gian gần đây, Đoàn Đặc nhiệm miền Nam đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu, mua bán chất dung môi Solmix, Pluto Condentsate (chất phụ gia pha chế xăng dầu) sau đó sản xuất xăng giả bán ra thị trường thu lợi nhuận cao, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người tiêu dùng.
Để thực hiện hành vi buôn lậu, các đối tượng hình thành các đường dây khép kín, cả trên bờ và ngoài biển, phân chia thành các cung đoạn. Đặc biệt, hầu hết các phương tiện vận chuyển xăng dầu lậu đều trang bị ra-đa định vị hiện đại để rà quét, phát hiện từ xa và sẵn sàng lẩn trốn khi có tàu của lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên biển.
Nguy hiểm hơn, các tàu buôn lậu xăng dầu của nước ngoài còn được trang bị vũ khí nóng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động cũng như địa điểm giao nhận hàng. Thường chúng thực hiện tại khu vực không có sóng điện thoại, chỉ sử dụng điện thoại vệ tinh hoặc máy thu phát sóng ngắn để liên lạc, vì vậy rất khó khăn cho lực lượng chức năng khi tổ chức bắt giữ.
Phân tích về tình trạng buôn bán xăng dầu lậu vẫn diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí, có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, dẫn lời Trung tá Nguyễn Hùng Sơn, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu trên Báo điện tử Tuổi trẻ cho biết, hầu hết các phương tiện chở xăng dầu lậu đều trang bị ra-đa, định vị hiện đại để rà quét, phát hiện từ xa và sẵn sàng lẩn trốn khi có “biến”.
Trong đó, các đối tượng sử dụng nhiều “chiêu trò” như khi giao nhận hàng có thể thả neo, cặp mạn để bơm dầu hoặc vừa chạy chậm vừa bơm xăng dầu, khi phát hiện nghi vấn liền rút ống bơm rồi tăng tốc chạy trốn. Mặt khác, các đối tượng liên hệ với nhau bằng sim rác, thường xuyên giao nhận hàng vào ban đêm. Đặc biệt, các tàu cá mua dầu của tàu nước ngoài trên biển về bán lại thì lực lượng chức năng càng khó phát hiện.
Khó khăn trong phòng chống đấu tranh
Dẫn lời Thượng tá Khổng Phi Trường, Hải Đoàn trưởng Hải đoàn 38 (đơn vị cơ động của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng), những năm qua, Hải đoàn 38 đã tổ chức các đợt cao điểm tấn công tội phạm buôn lậu trên biển, đặc biệt là buôn lậu xăng dầu, vận chuyển khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, đối tượng bị bắt giữ được chỉ là người vận chuyển, hoặc buôn bán nhỏ lẻ.
Việc mở rộng điều tra đối với các vụ buôn lậu, gian lận thương mại rất khó khăn do địa bàn rộng, liên quan đến nhiều địa phương, thủ đoạn của các đối tượng tinh vi, việc xác minh đòi hỏi nhiều thời gian, nhất là việc điều tra truy xét các phương tiện vận chuyển khoáng sản.
Trong khi đó, các trang thiết bị, phương tiện để phát hiện đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại của đơn vị vừa thiếu, vừa lạc hậu.
Theo Thượng tá Khổng Phi Trường, trước tình hình đó, mỗi khi tổ chức cho biên đội làm nhiệm vụ dài ngày trên biển, chỉ huy Hải đoàn đều tổ chức quán triệt cho anh em và thường xuyên duy trì trao đổi tin tức với các lực lượng chức năng có liên quan như bộ đội biên phòng các tỉnh tuyến Đông Bắc, Vùng I Hải quân, lực lượng Cảnh sát Biển, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng như bảo vệ chủ quyền trên khu vực vịnh Bắc Bộ nên chuyến công tác nào, biên đội được cử đi cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, phương tiện.
Trong khi đó, chia sẻ về khó khăn trong công tác chống buôn lậu trên biển, dẫn lời Thượng tá Bùi Văn Quyết, Hải đội trưởng Hải đội 1 trên Báo điện tử Biên phòng chia sẻ, mỗi khi ra biển, các biên đội của Hải đoàn phải sẵn sàng đối mặt với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp khó lường; khí hậu khắc nghiệt, sóng gió thất thường, sương mù dày đặc, nơi địa hình có nhiều bãi cạn, đá ngầm, luồng lạch nông sâu khác nhau.
Đặc biệt nhất là mùa mưa bão và vào dịp cuối năm, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng thời tiết xấu để vận chuyển hàng hóa trái phép. Chúng lợi dụng sóng to, gió lớn, trời tối sương mù, luồng lạch hẹp, địa hình phức tạp để trốn tránh, cố tình bỏ chạy, gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát.
Song, với tinh thần quyết tâm tấn công tội phạm đến cùng, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã khôn khéo vận dụng mọi biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu đã được Hải đoàn 38 phát hiện, xử lý.
Cần gia tăng chế tài xử phạt
Trước tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng hoạt động kinh tế và an ninh quốc gia, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã ban hành kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt đấu tranh ngăn chặn tình trạng này. Theo đó, thời gian kế hoạch được phát động và triển khai sâu rộng, kéo dài trong một năm từ tháng 06/2017 đến tháng 06/2018.
Đặc biệt, tại Thông báo số 75/TB-VPCP, ngày 26/02/2018, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển.
Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Trong đó có đóng góp quan trọng của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển, đặc biệt là đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển.
Vì vậy, để phát huy hết vai trò là lực lượng chủ công chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển, Phó Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh các Vùng phải luôn xác định bên cạnh công tác trọng tâm là bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của lực lượng; phải tổ chức quán triệt và triển khai quyết liệt, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo 1389/BQP về công tác này.
Phải thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển của lực lượng. Nhất là trong bối cảnh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép đối với các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, than khoáng sản, thuốc lá, pháo nổ vẫn diễn biến phức tạp, nhưng các vụ việc được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý chưa phản ánh hết và đúng với tình hình thực tế; số vụ khởi tố, điều tra xử lý hình sự chiếm tỷ lệ rất thấp. Từ đó đề ra các giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Tăng cường giáo dục về tư tưởng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng. Củng cố lực lượng theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực, đề cao vai trò người đứng đầu. Xây dựng và ban hành chế độ, quy trình luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, chiến sỹ tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngay trong nội bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, chiến sỹ chưa hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển. Kiên quyết “không có vùng cấm” trong công tác này. Quá trình xử lý các vụ việc cụ thể phải có biện pháp nghiệp vụ giám sát, kiểm tra chặt chẽ, không để nảy sinh trường hợp người xử lý vi phạm thông đồng, móc ngoặc với đối tượng vi phạm để kê khai không trung thực về hàng hóa bị thu giữ nhằm hợp thức hồ sơ làm giảm mức vi phạm.
Nhận diện, dự báo kịp thời các thủ đoạn, phương thức buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển để chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án đấu tranh phù hợp, cụ thể; triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tạo sức răn đe, phòng ngừa chung. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch 410/KH-BCĐ389, ngày 10/06/2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các lực lượng chức năng liên quan, (Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan...) làm tốt công tác thu thập, chia sẻ thông tin, điều tra cơ bản, nắm chắc đối tượng, địa bàn, phương thức, thủ đoạn để cùng xác lập các chuyên án lớn, làm chuyên sâu và phải mở rộng điều tra sau khi phá án nhằm đảm bảo đánh đúng, đánh trúng các đầu nậu buôn lậu, lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất để vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển, trọng tâm là các đối tượng trong nước.
Kịp thời tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng trong việc sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách, các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển. Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện Luật Cảnh sát biển Việt Nam, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2018./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://www.bienphong.com.vn/gian-nan-chong-buon-lau-tren-bien-qzg/
http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Tang-cuong-dau-tranh-chong-buon-lau-tren-bien/330382.vgp
https://tuoitre.vn/buon-lau-xang-dau-tren-bien-bang-thu-doan-tinh-vi-20180102084109173.htm
http://www.bienphong.com.vn/nhuc-nhoi-buon-lau-xang-dau-tren-bien-phia-nam/
Bình luận