Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sửa sai
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, cũng không khỏi có sự chạnh lòng vì sự chậm trễ của cơ quan có thẩm quyền, bởi chính Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận phí đó là sai và đã yêu cầu sửa vào tháng 01/2015.
Thực tế đã thấy sai
Vụ việc một con gà thịt “cõng” trên mình 14 loại phí thực tế đã được báo chí đưa thông tin từ rất lâu, nhưng chính thức đến tai Bộ trưởng Cao Đức Phát là vào chiều ngày 06/01/2015, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh về góp ý cho dự thảo Luật Thú y.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Trực, Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn thông tin: một con gà đang phải “cõng” tới 14 loại phí, lệ phí.
Ông Trực cho biết hiện phí, lệ phí kiểm dịch trên gia cầm còn khá nhiều, đôi lúc trùng lắp làm tăng chi phí sản xuất và lưu thông.
Chẳng hạn, đối với con gà, từ lúc nuôi đến lúc xuất thịt, giết mổ phải chịu khoảng 14 loại phí, lệ phí (phí kiểm dịch gà con mới nở, phí cấp giấy kiểm dịch xuất gà con khỏi trại ra ngoài tỉnh/nội tỉnh, phí tiêu độc sát trùng, phí kiểm soát giết mổ... ). Trong quá trình chăn nuôi, định kỳ 3-6 tháng cơ sở phải lấy mẫu nước, phân để kiểm tra kháng thể một số bệnh cũng phải đóng phí.
Doanh nghiệp và người dân phản ánh, một con gà, từ lúc nuôi đến lúc xuất thịt, giết mổ phải chịu khoảng 14 loại phí, lệ phí
Thực tế còn những quy định trái khoáy của ngành nông nghiệp, như: giấy phép kiểm dịch trứng có giá trị 01 ngày ở Lào Cai; quy định kiểm dịch mật ong, giống thủy sản theo kiểu “ngó qua một cái, cấp cái giấy và thu tiền”. Với hình thức kiểm dịch này, một quả trứng tăng chi phí thêm 5 đồng. Liên quan đến những vấn đề này, chính Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã cho rằng giấy phép kiểm dịch trứng có giá trị 01 ngày là “dứt khoát không thể chấp nhận được”.
Tại cuộc họp giao ban trung tuần tháng 12/2014, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định: “Những quy định đó dù là chính thức, nhưng không đúng đắn, thì nên dẹp bỏ”. Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các ngành thú y, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng nông lâm thủy sản phải tham mưu cho bộ hai việc: một là cắt bỏ những giấy phép bất hợp lý; hai là cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng giao Vụ Tài chính chủ trì phối hợp với Cục Thú y và cơ quan liên quan của Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi các thông tư liên quan quy định chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y, hoàn thành dự thảo trước ngày 30/01/2015.
Thế nhưng, vẫn chưa… thể sửa ngay
Mặc dù hành động quyết liệt của Bộ trưởng Cao Đức Phát về vấn đề phí và lệ phí trong công tác thú ý vào tháng đầu tiên của năm 2015, nhưng từ đó đến nay… dư luận vẫn chờ đợi Thông tư sửa đổi, mà vẫn… chẳng thấy đâu.
Sốt ruột, tại phiên chất vấn ngày 11/06/2015 (tức là 06 tháng sau khi Bộ trưởng Cao Đức Phát giao cho các đơn vị ở dưới phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư), đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) đã phải cất lời chất vấn.
Ông Đương đánh giá câu trả lời của Bộ trưởng Phát vẫn còn chung quá. Cũng giống như trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh về một con gà thịt phải chịu tới 14 loại phí kiểm dịch. Không biết đó là những loại phí gì?
“Hôm nay, trước cử tri cả nước, trước Quốc hội, đề nghị đồng chí Bộ trưởng nói rõ ra có đúng là có 14 loại phí kiểm dịch đối với gà thịt không? Nếu đúng như vậy thì gây ra rất nhiều hệ lụy tới vấn đề chi phí sản xuất và lưu thông và giải pháp khắc phục”, đại biểu Đương chất vấn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đã cử đồng chí Cục trưởng Cục thú y và đoàn công tác vào kiểm tra.
“Các đồng chí có báo cáo lại rằng, về cơ bản cơ quan thú y thực hiện theo những quy định của luật pháp hiện hành, không có sai. Tôi nói với đồng chí Cục trưởng ngay cả luật, pháp hiện hành cũng do các đồng chí đề xuất, có những việc bất hợp lý thì phải sửa. Ví dụ, thu phí theo quả trứng, tôi không đồng ý. Tôi đã yêu cầu các đồng chí là kiểm dịch thú y chỉ thu tại nơi xuất phát một lần và chấm hết. Thứ nữa, thu phải hợp đạo lý, người ta chở trứng đi mà mình chỉ đến nhìn xong đếm theo quả để thu là không được”, Bộ trưởng giải trình.
Về biện pháp khắc phục, Bộ trưởng Phát cho biết đã có công văn gửi cho Bộ Tài chính đề nghị cùng sửa lại Thông tư quy định về phí thú y.
“Tôi yêu cầu Cục thú y chủ động, xây dựng để gửi sang Bộ Tài chính một dự thảo mới với tinh thần đó, giảm đến mức tối thiểu những phiền nhiễu và chi phí của người dân”, Bộ trưởng Phát nói thêm.
Nghe xong câu trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi: “Phí thu theo quả trứng này do ai ban hành?”. “Do Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đề xuất và Bộ Tài chính ban hành”, Bộ trưởng Phát đáp.
“Bây giờ đồng chí nói không đúng, thì hứa ngay với Quốc hội là tuần sau thay đổi bảo hủy đi”, Chủ tịch Hùng sốt ruột.
“Thưa Quốc hội, tôi đã có văn bản gửi sang Bộ Tài chính và tôi xin đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng với tôi trong một quý sẽ sửa lại thông tư này”, Bộ trưởng Phát đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình với đề nghị này, ông yêu cầu: “Vấn đề gì Bộ trưởng thấy không hợp lý, thì hủy ngay. Phải sửa ngay!”.
Trước yêu cầu này, Bộ trưởng Phát cho biết sẽ đề xuất dừng ngày thông tư này. Thông tư do Bộ Tài chính ban hành, còn Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn không có thẩm quyền./.
Bình luận