Có 101 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2022
Trong 11 tháng năm 2022, có 101 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 395,8 triệu USD. Ảnh minh họa |
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 474,1 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 236,4 triệu USD, chiếm 49,9% tổng vốn đầu tư; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 42,8 triệu USD, chiếm 9%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 41,1 triệu USD, chiếm 8,7%.
Trong 11 tháng năm 2022, có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Singapore là nước dẫn đầu với 79,5 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư; Lào: 70 triệu USD, chiếm 14,8%; Hoa Kỳ: 38,2 triệu USD, chiếm 8,1%; Đức, Hà Lan, Pháp cùng đạt 34,7 triệu USD, cùng chiếm 7,3%.
Mới đây, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho biết: Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các dự án là 6,61 tỷ USD (bằng 55% số vốn đăng ký).
Trong đó, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất (gần 4 tỷ USD, chiếm 60% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài); tiếp theo là Viettel (1,46 tỷ USD, chiếm 22%); VRG đứng thứ ba (770,80 triệu USD, chiếm 12%). Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 3 doanh nghiệp này chiếm 94% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Năm 2021, số vốn thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài là 509,75 triệu USD (trong đó lợi nhuận chuyển về nước là 278,56 triệu USD). Số tiền này chủ yếu là từ các dự án của các tập đoàn, tổng công ty (công ty mẹ, công ty con): PVN (288,34 triệu USD), Viettel (147,12 triệu USD), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (35 triệu USD)...
Lũy kế đến ngày 31/12/2021, có 62 dự án đầu tư ra nước ngoài của 14 doanh nghiệp đã phát sinh thu hồi vốn đầu tư, với tổng số vốn đã thu hồi lũy kế là 3,64 tỷ USD (bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là 1,74 tỷ USD), bằng 55% tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, PVN có số vốn đầu tư thu hồi lớn nhất, là 2,63 tỷ USD (chiếm 72% tổng số vốn đã thu hồi của khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước), đứng thứ hai là Viettel với 853,41 triệu USD (chiếm 23%).
"Số vốn đã thu hồi của hai doanh nghiệp này chiếm 95% tổng số vốn thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Năm 2021, có 88 dự án đầu tư ra nước ngoài phát sinh doanh thu, với tổng doanh thu là 7,78 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2020. Trong đó: 62 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 810,2 triệu USD (tăng 90% so với năm 2020). Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 284,82 triệu USD (tăng 166,3 triệu USD, gấp 2,4 lần năm 2020).
Bên cạnh các dự án có lãi, báo cáo của Chính phủ ghi nhận có 30 dự án bị lỗ, tổng số lỗ phát sinh trong năm là 335,53 triệu USD (tăng 42% so với số lỗ của các dự án báo lỗ trong năm 2020).
"Đến 31/12/2021, vẫn còn 44 dự án có lỗ lũy kế, với tổng số lỗ lũy kế là 1,33 tỷ USD (giảm 2 dự án nhưng tăng 164,04 triệu USD so với năm 2020)", Báo cáo nêu rõ./.
Bình luận