Cơ bản thay đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm
Đây là một trong những thông tin được đưa ra Hội nghị phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (Nghị định 15) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa được tổ chức vào ngày 23/02 tại Hà Nội.
Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm
Nghị định 15 được ban hành để thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, ngày 25/04/2012 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Nghị định 15/2018 NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm gồm có 13 chương 44 điều có hiệu lực ngày từ ngày ký 02/02/2018.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Nội dung mà doanh nghiệp, người kinh doanh quan tâm nhất tại Nghị định 15 chính là quy định về thực hiện tự công bố sản phẩm bởi thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ngày 02/02/2018 đã thay đổi cơ bản phương thức quản lý an toàn thực phẩm
Khi tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chỉ cần nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Thứ trưởng lưu ý, ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.
Đặc biệt, với Nghị định mới này, Bộ Y tế chỉ yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký bản công bố sản phẩm với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Cùng với đó, Nghị định 15 còn có những thay đổi quan trọng trong việc quản lý thực phẩm nhập khẩu. Theo đó, cơ quan hải quan chỉ kiểm tra xác suất khoảng 5% số lượng mặt hàng. Đáng chú ý, việc kiểm tra không phải dùng cảm quan như trước đây mà chỉ kiểm tra hồ sơ, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cơ quan hải quan mới tiến hành kiểm tra chặt. Do đó, Nghị định 15 giúp giảm đáng kể số lượng thủ tục hành chính. Đặc biệt, nếu như trước đây, việc kiểm tra lô hàng thực phẩm cần tới 3 bộ thực hiện, thì hiện nay chỉ cần cơ quan hải quan thực hiện. Thứ trưởng ví von, đây là cuộc cách mạng trong cải cách thủ tục hành chính.
Đáng chú ý, Thứ trưởng thông tin thêm, hiện tại, Bộ Y tế đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn thực phẩm để người dân, doanh nghiệp tra cứu. Dự kiến đến tháng 06/2018 sẽ “khai trương”.
Ngoài ra, Thứ trưởng thông tin thêm, quan trọng nhất là Nghị định sẽ giúp chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý rủi ro và quản lý nguy cơ phù hợp với thông lệ quốc tế, theo kịp tiến độ quản lý của các nước tiên tiến.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, Nghị định 15 chuyển cho doanh nghiệp nhiều quyền lợi, do vậy, cần lưu ý đến việc nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện đúng và đủ theo các quy định, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Món quà” đầu năm tặng doanh nghiệp
Cũng tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định đây chính là món quà đầu năm cho cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ. Bởi lẽ, Nghị định số 15 đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Việc thực thi Nghị định 15 về an toàn thực phẩm sẽ giúp tiết kiệm 10.000 ngày công, tiết kiệm 10 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được 90% thời gian và công sức trong việc thực thi thủ tục hành chính. Thêm vào đó, sẽ góp phần hạ giá thành của thực phẩm mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Lộc chia sẻ thêm, trước đây, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm chính là “giấy phép con” trong lĩnh vực y tế. Điều đó, khiến doanh nghiệp phải xếp hàng chờ đến cả tháng để xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nhưng Nghị định mới đã thay đổi tư duy cách thức quản lý của Nhà nước, đưa việc quản lý đến gần hơn với thông lệ quốc tế.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo Hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI khẳng định, sự ra đời của Nghị định 15/2018 về an toàn thực phẩm là một nỗ lực lớn của Chính phủ và Bộ Y tế, giảm cấp phép tiến tới xóa bỏ thủ tục rườm rà, đảm bảo an toàn cho dân và doanh nghiệp.
Ông Tuấn đánh giá, đây là bước tiến lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói riêng. Sự kiện này được doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông sản đánh giá cao bởi Nghị định giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức cho doanh nghiệp.
Nhà nước đã trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm phải chịu trách nhiệm về vi phạm của mình. Tôi được biết, tới đây, Bộ Y tế sẽ soạn thảo một khuân khổ pháp lý phạt nặng hơn để xử lý những doanh nghiệp vi phạm, ông Tuấn cho biết thêm./.
Bình luận