Cơ hội và thách thức ngành logistics năm 2022 trong bối cảnh nguy cơ lạm phát kinh tế
Chương trình sẽ có sự tham dự của lãnh đạo các UBND, Sở Công Thương của nhiều tỉnh, thành phố; các cơ quan ngoại giao của các nước khu vực Âu- Mỹ; đại diện thương mại của Việt Nam tại khu vực Âu – Mỹ; các diễn giả, chuyên gia uy tín ngành logistics của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cùng đại diện của các hiệp hội và doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Việt Nam (HAWA) và hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, xuất nhập khẩu hàng hóa sang khu vực Âu- Mỹ.
Hiện cả nước đã có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp. Logistics cũng là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4 đến 5%.
Theo Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng Top 50 quốc gia đứng đầu thị trường logistics mới nổi, đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển của ngành logistics Việt Nam gắn liền với những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mang tới nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp logistics nói riêng.
Để có cái nhìn đa chiều về tình hình của các tuyến vận tải đi khu vực châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đã mời các chuyên gia nghiên cứu, các doanh nghiệp logistics, xuất nhập khẩu chia sẻ về những cơ hội và thách thức của ngành logistics Việt Nam. Khó khăn mà ngành này đã và đang phải đối mặt trong thời gian qua gồm từ những ảnh hưởng của áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế, cho đến những tác động của dịch Covid-19, xung đột địa chính trị lên dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư toàn cầu, gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng, làm xáo trộn các tuyến vận tải container, đặc biệt là các tuyến vận tải đi khu vực châu Âu – châu Mỹ, cho đến nỗi lo mới của ngành vận tải toàn cầu mang tên tình trạng dư thừa container./.
Bình luận