CPI tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước

Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 do người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng tích trữ; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020.

CPI 7 tháng đầu năm 2021 tăng thấp: Không thể chủ quan trong điều hành giá
7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 7 có 7 nhóm (nhóm giao thông; giá gas; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm giáo dục; nhóm thuốc và dịch vụ y tế) tăng giá so với tháng trước, 3 nhóm (nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép0 giảm giá, riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giữ giá ổn định.

Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 7 tháng tăng 0,89%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 7/2021 giảm 0,06% so với tháng trước, tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,64%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng.

“Mức lạm phát cơ bản tháng 7 và 7 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011”, cơ quan thống kê quốc gia thông tin.

Không thể chủ quan trong điều hành giá năm 2021

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho rằng, thực trạng lạm phát thấp hiện nay có một phần nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu.

Cần cẩn trọng trong điều hành trong tình trạng lạm phát thấp hiện nay
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính

Số liệu CPI của cơ quan thống kê cho thấy, sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới thu nhập, đời sống của người dân là rất lớn.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước sau khi loại trừ yếu tố giá, nghĩa là thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế là 5,64%. Hơn nữa, chỉ số này của năm 2020 đã giảm 5,77% so với cùng kỳ năm 2019, nên theo TS. Độ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn thấp hơn giá trị tuyệt đối so với mức của năm 2019, nghĩa là đã giảm trong 2 năm qua.

TS. Nguyễn Đức Độ cũng cho biết, số liệu nói trên của cơ quan thống kê cho thấy, sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới thu nhập, đời sống của người dân là rất lớn.

Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021” tổ chức ngày 2/7 vừa qua, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cảnh báo, dù tình hình lạm phát bình quân nửa đầu năm khá thấp, nhưng không thể chủ quan trong điều hành giá.

PGS, TS. Ngô Trí Long cho biết, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới, ví dụ như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu. Trong khi đó, dịch bệnh diễn biến khó lường có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia cho rằng, trên thị trường có nhiều yếu tố khó đoán định, chẳng hạn tình hình địa chính trị thế giới hay công tác chống dịch đang có những khó khăn dẫn đến một số diễn biến trái chiều và phức tạp ở từng khu vực... Tất cả đều có thể tác động đến công tác điều hành giá.

Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, các ngành, các cấp không nên chủ quan trong kiểm soát lạm phát. Nhằm giảm bớt áp lực lạm phát vào cuối năm 2021, kiểm soát bền vững lạm phát năm 2022, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu; chủ động trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đúng thời điểm với liều lượng phù hợp.

Mặt khác, liên Bộ Công thương - Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đến CPI chung./.