CPI dự báo cả năm chỉ khoảng 3%: Lo nhiều hơn mừng
11 tháng: CPI mới tăng 2,08%
Theo cơ quan thống kê, mặc dù trong tháng 11, có tới 7/11 nhóm hàng hóa dịch vụ trong giỏ hàng tính CPI tăng giá, song mức tăng đều rất thấp chỉ từ 0,03% đến 0,34%. Trong đó tăng cao nhất là nhóm: may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,34% chủ yếu do yếu tố mùa vụ do nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép, mũ nón tăng mạnh khi thời tiết đã bắt đầu chuyển mùa.
Trong khi lại có 4 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm giá khá mạnh. Giảm mạnh nhất là nhóm giao thông, giảm tới 2,7% do tác động của các đợt giảm giá xăng dầu liên tục gần đây. Đứng thứ hai về mức độ giảm là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, giảm 0,74% do giá dầu hỏa và giá gas giảm.
Đáng chú ý, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI - cũng giảm 0,03% (trong đó lương thực tăng 0,12%; thực phẩm giảm 0,1% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,03%). Ngoài ra, nhóm hàng bưu chính viễn thông cũng giảm nhẹ 0,01%.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2014, CPI mới chỉ tăng 2,08% - thấp nhất trong vòng ít nhất là 10 năm trở lại đây (11 tháng năm 2005 tăng 7,6%; 2006 tăng 6%; 2007 tăng 9,45%; 2008 tăng 20,71%; 2009 tăng 5,07%; 2010 tăng 9,58%; 2011 tăng 17,5%; 2012 tăng 6,52%; 2013 tăng 5,5%).
Cần thận trọng trong điều hành
Với mức tăng như trên thì đây không chỉ là chỉ số CPI tháng 11 thấp nhất trong hơn 10 năm qua, mà chỉ số này còn có diễn biến khá bất thường, bởi trong nhiều năm qua, cứ vào các tháng cuối năm, chỉ số CPI thường tăng mạnh nhất.
Trả lời báo Kinh tế và Đô thị, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, với việc giá xăng dầu tiếp tục giảm thêm 1.140 đồng/lít vào hôm 22/11 vừa qua thì CPI tháng 12 chắc chắn sẽ không có gì đột biến, dự báo cả năm 2014 chỉ tăng khoảng 3%.
Ông cũng đánh giá, mục tiêu tăng trưởng GDP ở khoảng 5,8% của năm 2014 đã trong tầm tay, nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối tiếp tục tăng vào cuối năm. Tuy nhiên, lạm phát giảm lúc này có 2 mặt, cả tích cực và tiêu cực. Thông thường CPI biến động từ 4,5% - 5% thì lưu thông bình thường. Còn nếu dự báo CPI cả năm dừng ở mức 3%, chưa bằng nửa chỉ tiêu Quốc hội đặt ra thì không phải là tích cực. Lúc này, sức mua kém, tồn kho cao, cầu đầu tư giảm, tiêu dùng tăng chậm, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, việc làm, thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế.
Ông Long cũng cho rằng, cần phải nhìn nhận rằng, bối cảnh giảm CPI đang diễn ra không phải do năng suất, chất lượng mà do tồn kho lớn, nợ xấu cao, tổng cầu giảm là điểm nghẽn trong thị trường hiện nay. Chính vì sức mua kém, tổng cầu kinh tế giảm mạnh nên sản xuất đình trệ, giá cả không thể lên được. Do đó, thực hiện lộ trình tăng giá lúc này là không nên. Nếu điều chỉnh tăng giá sẽ càng làm cạn kiệt sức mua, từ đó không có khả năng phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc giảm lạm phát như hiện nay sẽ mang lại niềm vui cho người tiêu dùng, nhưng đối với các doanh nghiệp lại là nỗi lo về cầu tăng thấp. Điều này cũng có nghĩa sản xuất của doanh nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế thời gian tới sẽ còn khó khăn do sức mua hạn chế.
Do vậy, trong điều kiện lạm phát như hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, nên tận dụng dư địa điều hành chính sách tiền tệ, thúc đẩy mạnh hơn tăng trưởng tín dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế./.
Bình luận