Cuộc giao lưu trực tuyến do Báo điện tử Trí Thức Trẻ phối hợp với Kênh thông tin Kinh tế - Tài chính CafeF.vn tổ chức vào ngày 29/3.

Buổi giao lưu trực tuyến diễn ra vào 14h chiều ngày 29/03/2018

Cần thêm những số liệu cụ thể để khẳng định chiến tranh thương mại sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam

Nhận định về việc liệu chiến tranh thương mại toàn cầu có xảy ra không, theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chiến tranh thương mại là cuộc chiến không có bên thắng cuộc. Tất cả các bên tham gia cuộc chiến này đều sẽ chị thiệt hại. Nhìn từ lợi ích, một cuộc chiến tranh thương mại chỉ xảy ra trong trường hợp vô cùng hãn hữu. Đó là khi một trong các bên muốn phá bỏ và thiết lập lại luật chơi mới.

Theo quan điểm của TS. Thắng, khó có thể xảy ra chiến tranh thương mại quy mô lớn. Xung đột nhỏ có thể xảy ra nhưng tất cả các bên đều ý thức được thiệt hại. Và kể cả khi chiến tranh thương mại nổ ra, đó cũng là vì lợi ích. Đe dọa chiến tranh thương mại cũng có thể là công cụ trong bài toán lợi ích đó.

Tuy nhiên, những diễn biến hiện nay chỉ cho thấy, nguy cơ chiến tranh thương mại là lời đe dọa để Mỹ đạt lợi thế. Mấu chốt của vấn đề là do Mỹ thâm hụt thương mại lớn với các nước khác, trong đó có Trung Quốc.

"Với chiến lược từ bỏ các hiệp định đa phương chuyển sang ký hiệp định song phương, nguy cơ từ chiến tranh thương mại là công cụ tốt để Tổng thống Trump kiếm lợi khi đàm phán song phương cũng như quá trình đàm phán lại các FTA", TS. Thắng nói.

Nhận định về ngành nghề của Việt Nam bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất nếu chiến tranh thương mại toàn cầu xảy ra, TS. Trần Toàn Thắng nhận định, ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại sẽ có hai chiều, kể cả ngành thép hay các ngành khác. Nếu chỉ chiến tranh thương mại chỉ xảy ra cục bộ trong mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, khi không xuất khẩu được sang Mỹ, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Trong trường hợp giá thép, việc thép Trung Quốc đổ vào Việt Nam có thể khiến giá thành giảm xuống, gây tác động tới cá doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, người dùng sẽ được hưởng lợi nếu nhìn theo nhu cầu.

Chiến tranh thương mại cũng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên tăng trưởng năm 2018 có nhiều thuận lợi từ tác động của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại nổ ra, Việt Nam có thể khó đạt được các mục tiêu tăng trưởng.

Hiện tại, Mỹ tuyên bố đánh thuế vào lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 60 tỷ USD từ Trung Quốc nhưng Bắc Kinh chỉ đáp trả bằng việc áp thuế các mặt hàng trị giá 3 tỷ USD. Động thái này chỉ mang tính biểu tượng. Nếu trả đũa, Trung Quốc có thể đánh vào các mặt hàng xuất khẩu có tính biểu tượng của Mỹ như đầu tư, máy bay, công nghệ cao....

"Hiện tại, cần thêm những số liệu cụ thể để khẳng định chiến tranh thương mại sẽ tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam", chuyên gia kinh tế đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Ngành thép sẽ chịu ảnh hưởng nhất định nếu chiến tranh thương mại toàn cầu xảy ra

Những ngành nào bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu chiến tranh thương mại xảy ra?

Riêng về ảnh hưởng đối với ngành thép, ông Nguyễn Huy Độ, Giám đốc Marketing CTCP Thép Việt Ý cho rằng, đối với công ty Việt Nam, nguồn nguyên liệu nhập khẩu quặng chiếm 70%, phế liệu chiếm 60%.

Vì vậy, nếu có chiến tranh thương mại xảy ra thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Mỹ đang thiếu khoảng 30 triệu tấn thép/năm. Theo nghiên cứu, Mỹ cần 6-7 tháng bù đắp thiếu hụt. Trong thời gian tới việc Mỹ nhập khẩu vẫn bình thường để sử dụng. Người Mỹ phải mua thép chịu thuế cao.

Riêng đối với Công ty Thép Việt Ý, vì nguồn nguyên liệu phụ thuộc nên chắc chắn bị ảnh hưởng. Nhưng Việt Nam cũng là nước đang phát triển nên nhu cầu xây dựng cơ bản lớn, sức cầu nội tại trong nước làm cho sức ảnh hưởng bị giảm đi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xuất khẩu ít, tiêu thụ nội địa đang là chủ yếu.

Ông Độ cũng chia sẻ, nếu chiến tranh thương mại chỉ gói gọn giữa Mỹ và Trung Quốc thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Trên thế giới hiện chỉ có một số nước xuất khẩu, bao gồm cộng đồng các quốc gia độc lập – CIS, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Các nước CIS, EU, Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu dùng công nghệ lò điện, cho ra giá thành tương đương thép Việt Nam.

Như vậy mức độ cạnh tranh thì Việt Nam lo ngại nhất là Trung Quốc. Do đó, chỉ là căng thẳng Mỹ - Trung Việt Nam sẽ bớt được đối thủ lớn là Trung Quốc, dẫn đến thị phần xuất khẩu sang Mỹ tăng lên.

Về rủi ro, vấn đề quan trọng nhất là Việt Nam vẫn đang nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc, đặc biệt trong sản xuất thép công nghiệp. Thép này khi về Việt Nam chỉ được gia công chỉ 30%. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ nhằm đến hàng hoá sản xuất ở Trung mà còn là hàng hoá xuất xứ từ nước này. Do đó, có khả năng Mỹ có thể sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với các nước có hàng hóa sử dụng nguyên vật liệu xuất xứ từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một rủi ro khác là có khả năng làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp thép từ Trung Quốc sang Việt Nam gia tăng, điều này khiến doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn phân tích về ảnh hưởng đối với thị trường chứng khoán, về yếu tố tâm lý, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và bất kỳ quốc gia nào cũng đẩy rủi ro tại thị trường chứng khoán tăng lên. Khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu sẽ kéo theo tâm lý lo ngại trên toàn cầu, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường chứng khoán quốc gia khác.

Bên cạnh đó, khi thị trường chứng khoán Mỹ có biến động và rủi ro lên cao thì các nhà đầu tư trên thế giới có xu hướng giảm bớt tài sản rủi ro như cổ phiếu, các thị trường mới nổi. Thay vào đó, họ đầu tư vào các tài sản ít rủi ro hơn như vàng.

Do đó, các thị trường mới nổi sẽ dễ bị rút vốn và đó là điều có thể xảy ra. Theo dõi dòng vốn toàn cầu từ tháng 2 đến nay đã chững lại và đang có dấu hiệu bị rút ra. Như thời gian gần đây, các thị trường như Mỹ, Trung Quốc bị rút vốn mạnh.

"Các thị trường mới nổi mặc dù vẫn thu hút vốn, nhưng quy mô giảm mạnh, chỉ khoảng 100 triệu USD, thay vì hàng tỷ USD như trước", ông Linh nói.

Việt Nam là thị trường cận biên, cũng sẽ bị ảnh hưởng cả tâm lý và dòng vốn. Theo dõi dòng vốn vào Việt Nam từ tháng 2 tới nay, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng. Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) rất nhạy với xu hướng thế giới, đầu tháng 1, họ mua ròng 5,4 nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, tuy nhiên, từ đầu tháng 2 tới nay, các quỹ ETF rút khoảng 1 nghìn tỷ. Rõ ràng có sự liên thông giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và dòng vốn thế giới. Sự đảo chiều của dòng vốn này có thể đến từ 2 việc: (1) chiến tranh thương mại và (2) FED có khả năng nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến (4 lần so với dự kiến là 3). Và FED nâng lãi suất cũng là hệ quả của chiến tranh thương mại. Bởi chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến lạm phát tăng và FED càng có lý do nâng lãi suất.

Tựu chung lại, vẫn là rủi ro toàn cầu tăng cao khi có chiến tranh thương mại và ảnh hưởng tới dòng vốn vào Việt Nam.

Ông Linh cũng cho biết, điều lo lắng tiếp theo là sau chiến tranh thương mại của Mỹ với Trung Quốc có lan tới Việt Nam hay không. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong danh sách các quốc gia nhập siêu vào Mỹ. Trong các quốc gia trong top 5 xuất khẩu mạnh vào Mỹ hiện có khá nhiều quốc gia đồng minh, có hiệp định NAFTA với Mỹ do đó có lẽ không ảnh hưởng nhiều.

Việt Nam hiện không theo đồng minh với quốc gia nào. Nếu Tổng thống Trump nhắm đến các quốc gia nào khác để hạ nhập siêu thì Việt Nam có khả năng sẽ là mục tiêu. Rủi ro với Việt Nam (nếu có) là vấn đề này. Mặc dù nó tương đối xa nhưng nếu diễn ra thì sẽ nghiêm trọng hơn nhiều cuộc chiến Mỹ - Trung Quốc bởi Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và độ mở của kinh tế của Việt Nam hiện rất lớn.

"Nếu chiến tranh thương mại nhắm đến Việt Nam, chúng ta có thể sẽ lo ngại với một số ngành như giày dép, đồ điện tử. Biện pháp trước mắt là chúng ta nên mua thêm hàng của Mỹ, để tránh tình trạng xuất siêu vào Mỹ sẽ giúp thay đổi cán cân thương mại vào Mỹ hơn", Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn nói.

CPTPP không phải là nơi trú ẩn an toàn

Theo TS. Trần Toàn Thắng, ở thời điểm chuẩn bị ký CPTPP, Mỹ có động thái cho thấy họ sẵn sàng trở lại nếu có một thỏa thuận đủ tốt. Điều này cho thấy, với Mỹ, CPTPP hay nguy cơ thổi bùng một cuộc chiến tranh thương mại cũng chỉ bởi lợi ích.

Ở thời điểm này, nhắc tới chiến tranh thương mại, chúng ta chỉ nghĩ tới mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. TPP trước đây hay CPTPP hiện nay đều không có bất cứ liên quan gì tới Trung Quốc. Với những gì đang diễn ra, Mỹ muốn lấy lại cân bằng quan hệ thương mại, giảm thâm thụt. Chiến tranh thương mại hay rút khỏi TPP cũng chỉ là công cụ nhằm vào một mục tiêu.

Giống TPP, ngành thâm dụng lao động vẫn hưởng lợi với mức tăng trưởng khoảng 15%. Ngược lại, những ngành thâm dụng vốn, mức độ lợi ích giảm nhiều. Chăn nuôi vẫn sẽ chịu thiệt hại. Lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp không nhiều dù có một số thị trường mới.

CPTPP cũng sẽ giúp cắt giảm thuế quan dài nhưng tiến trình này kéo dài tới 7 năm. Sau đó, còn những hạn ngạch. Lợi ích tức ngay lập tức không nhiều nhưng nhà nước phải thay đổi thủ tục, thuận lợi hóa thương mại, thay đổi thể chế tức thời, tạo kỳ vọng chung để kéo theo tăng trưởng. Đó là lợi ích chung dù lợi ích rõ ràng chưa nhiều.

Xét về lĩnh vực chứng khoán, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định, thời điểm CPTPP được công bố, thị trướng chứng khoán Việt Nam đang hưng phấn và thông tin này góp phần giúp thị trường sôi động hơn. Tuy nhiên, cần chờ xem tác động cụ thể của hiệp định này đến đâu bởi hiệp định này thực tế không được kỳ vọng nhiều như TPP, do không có Mỹ. Theo tôi, doanh nghiệp xuất khẩu như thép, dệt may, da giày, thủy sản được hưởng lợi từ hiệp định này, nhưng cũng cần lưu ý đánh giá lại tác động từ thuế quan từ hiệp định so với các thị trường khác.

Còn đối với ngành thép, ông Nguyễn Huy Độ cho biết, CPTPP có 11 nước thành viên, Việt Nam là nước có điều kiện thuận lợi nhất để xuất khẩu thép, đó là điều có thể khẳng định được. Hơn nữa gia nhập CPTPP lại tránh được đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc.

Lộ trình cắt giảm thuế của CPTPP tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho Việt Nam xuất khẩu thép. Việt Nam hiện nay đã là nước xuất siêu thép sang một số thị trường như Hàn Quốc, nên việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lô trình của các nước CPTPP càng thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, một số thị trường có đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa như Nhật Bản khi gia nhập CPTPP sẽ mở cửa tạo điều kiện cho những sản phẩm thép chất lượng cao của Thép Việt Ý xuất khẩu vào thị trường này. Thép Việt Ý là công ty toàn cầu, 20% vốn từ Nhật Bản, nhắm tới Nhật Bản là chính.

Cuối cùng, gia nhập CPTPP tạo điều kiện thuận lợi cho Thép Việt Ý có cơ hội được khai thác thêm những thị trường mới trong bối cảnh nguồn cung trong nước đã bão hòa.

Trước những cơ hội và thách thức mà CPTPP đem lại, theo TS. Trần Toàn Thắng, với CPTPP, Việt Nam có lợi thế hơn. Nếu tranh chấp nổ ra, trình tự giải quyết rõ ràng hơn. Với CPTPP, giải quyết tranh chấp thương mại có thể được thực hiện nghiêm túc hơn.

"Lợi ích trực tiếp từ CPTPP trong việc cắt giảm thuế quan không nhiều. Chính vì thế, hiệp định này không thể trở thành nơi trú ẩn khi chiến tranh thương mại nổ ra. Nó phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp trong việc thích nghi và tìm các thị trường mới", TS. Thắng đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp Việt Nam./.