Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến hết tháng 8/2016 tăng trưởng tín dụng đạt mức 9,67%. Trong đó, tín dụng ngoại tệ giảm 0,33%; tín dụng bằng VND tăng 10,76%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến tháng 8/2016 ước đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, tăng 6,64% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Đối với hoạt động cho vay theo Nghị định 67, tính đến ngày 15/8/2016, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới 590 tàu, nâng cấp 73 tàu với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay 6.574 tỷ đồng. Doanh số cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đạt 4.294 tỷ đồng, dư nợ đạt 4.288 tỷ đồng.

Nguồn vốn tập trung cho doanh nghiệp thông qua hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được đẩy mạnh. Đến hết quý II/2016, có trên 540 hội nghị đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt hơn 800.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần mức cam kết cho vay mới tại thời điểm cuối năm 2014.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào. Về lý thuyết đây là yếu tố tiềm năng giúp lãi suất có cơ hội giảm trong những tháng cuối năm để các doanh nghiệp tiếp cận vốn trong mùa kinh doanh cao điểm. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cho vay còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt phải kể tới “sức khỏe” của các doanh nghiệp. Hầu hết các ngân hàng đều mong muốn đẩy được lượng vốn ra nền kinh tế, nhưng nếu doanh nghiệp không đảm bảo đủ các yêu cầu vay vốn thì rất khó giải ngân.

Ngoài ra, công tác quản lý và kiểm soát nợ xấu tại các ngân hàng cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ thận trọng để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát của NHNN cũng là những nguyên nhân tác động tới chính sách lãi suất trong thời gian tới.

Mặc dù cho rằng có yếu tố để có thể giảm lãi suất nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận cơ hội để lãi suất tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm là không cao, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng tăng huy động kỳ hạn dài nhằm đáp ứng vốn vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, đồng thời tăng huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng quy định cơ cấu lại nguồn theo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN của NHNN.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình điều này và cho rằng, lãi suất huy động có lẽ khó có thể giảm từ nay đến cuối năm vì càng ngày các ngân hàng càng cần vốn huy động hơn. Tuy nhiên lãi suất huy động tăng bao nhiêu thì rất khó có thể dự đoán được tại thời điểm này, khả năng tăng từ 0,5% trở lên. Nếu mức lãi suất huy động tăng như vậy thì lãi suất cho vay khó có thể duy trì được ở mức hiện tại chưa nói là có thể giảm.

Ghi nhận trên thị trường kể từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9, một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ đã tăng lãi suất huy động, như Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng từ 7%/năm lên 7,1%/năm, kỳ hạn 13 tháng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm.

Từ ngày 1/9, VPBank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 4,8%/năm lên 5%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 5,2%/năm lên 5,3%/năm. Tại Ngân hàng Eximbank, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng đều ở mức 5%/năm, kỳ hạn 3 tháng 5,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng 6,1%/năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nếu lãi suất huy động tăng thì việc lãi suất giảm sẽ là rất khó, ngoại trừ một vài ngân hàng có thanh khoản rất tốt mới có thể làm được điều đó. Đặc biệt, các ngân hàng lớn không phải tăng lãi suất huy động để huy động mà tự uy tín của họ trên thị trường để huy động lãi suất và họ có khả năng giảm lãi suất. Còn các ngân hàng hạng trung và nhỏ vẫn cần tăng huy động nên lãi suất có thể tăng. Nhìn chung, các ngân hàng lớn sẽ giảm lãi suất, còn các ngân hàng nhỏ sẽ tăng.

Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Về lãi suất cho vay USD hiện phổ biến ở mức 2,8-6,2%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-5,0%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,1-6,0%/năm./.

Nguồn tham khảo:

1. http://vov.vn/kinh-te/van-kho-giam-lai-suat-cho-vay-551576.vov

2. http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/vang-tien-te/lai-suat-cho-vay-kho-giam-91608.html

3. http://cafef.vn/lai-suat-cho-vay-giua-cac-nhom-ngan-hang-hien-nay-ra-sao-20160917110356348.chn