Đã chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí của 19/24 hội
Nhiều thương hiệu báo sẽ thay đổi sau khi quy hoạch báo chí được triển khai
Năm 2019, 24 tổ chức hội Trung ương phải chuyển đổi mô hình, sắp xếp cơ quan báo, tạp chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019; theo đó, mỗi tổ chức hội có 01 tạp chí.
Triển khai thực hiện quy hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch.
Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan chủ quản báo chí thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng mục tiêu, tiến độ quy hoạch báo chí.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, về cơ bản, các tổ chức hội đã thực hiện triển khai quy hoạch báo chí.
Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí đối với 19 tổ chức hội, gồm:
- Báo điện tử Tri thức trẻ thành chuyên trang của Báo điện tử Tổ quốc: Hoạt động từ 01/02/2020.
- Cấp phép cho 18 tạp chí của 18 tổ chức hội, giấy phép có hiệu lực từ ngày 01/4/2020: Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam); Tạp chí Người cao tuổi (Hội Người cao tuổi Việt Nam); Tạp chí Bóng đá (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam); Tạp chí Thời đại (Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam); Tạp chí Chất lượng và cuộc sống (Hội Khoa học và Kỹ thuật về tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam); Tạp chí Thương hiệu và Công luận (Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam); Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam); Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị (Hội Marketing Việt Nam); Tạp chí Kinh tế và Đồ uống (Hiệp hội Chè Việt Nam); Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Hội Xuất bản Việt Nam); Tạp chí điện tử Kinh tế chứng khoán Việt Nam (Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam); Tạp chí Kinh tế nông thôn (Hội Làm vườn Việt Nam); Tạp chí Một thế giới (Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam); Tạp chí Đời sống và Pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam); Tạp chí Năng lượng mới (Hội Dầu khí Việt Nam); Tạp chí Sức khỏe cộng đồng (Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam); Tạp chí Làng nghề Việt Nam (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam); Tạp chí Mê Kông - ASEAN (Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN).
Cục Báo chí cũng cho biết, hiện nay, còn 05 báo thuộc 05 tổ chức hội (02 báo đang tạm dừng xuất bản để triển khai thực hiện quy hoạch, 01 báo chuyển đổi cơ quan chủ quản, 02 báo đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục), Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai theo quy định.
Trước đó, ngày 3/2, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã có quyết định về việc hợp nhất báo Thiếu Niên Tiền Phong và báo Nhi Đồng thành báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Đồng kể từ ngày 1/2/2020. Ban biên tập mới của báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Đồng gồm nhà báo Nguyễn Phan Khuê - tổng biên tập và 5 phó tổng biên tập.
Ngày 19/2/2020, theo quyết định của Trung ương Đoàn, báo Sinh Viên Việt Nam sáp nhập vào báo Tiền Phong. Báo Tiền Phong tiếp nhận, kế thừa toàn bộ tài sản, tài chính, nhân sự, các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của báo Sinh Viên Việt Nam, có trách nhiệm tiếp nhận bàn giao từ báo Sinh Viên Việt Nam, đảm bảo ổn định trong xuất bản, phát hành các ấn phẩm và các hoạt động khác.
Ban bí thư Trung ương Đoàn cũng quyết định điều động 59 nhân sự của báo Sinh Viên Việt Nam sang làm việc tại báo Tiền Phong từ ngày 19/2./.
Bình luận