Nên có cơ chế kiểm tra để giảm bớt các sai sót

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng nay (ngày 10/6), Quốc hội thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, theo Văn phòng Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Lê Hoài Trung (Thừa Thiên Huế) nhất trí với chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Hai dự án gắn với những đột phá về cơ sở hạ tầng, để thực hiện tầm nhìn chiến lược đến năm 2025, 2030 và là những khu vực có ý nghĩa chiến lược.

Đầu tư 2 dự án đường vành đai, đề nghị làm rõ trách nhiệm của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Đại biểu Quốc hội Lê Hoài Trung (Thừa Thiên Huế) đề xuất cần có một khoá đào tạo về những vấn đề pháp lý, quy trình, kỹ thuật cho các đơn vị và các địa phương…, từ đó giúp giảm bớt những sai sót (ảnh: Quốc hội)
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện 2 dự án này. Đối với các gói thầu liên quan, có nhiều địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, nên việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn là do Thủ tướng quyết định giao cho nơi nào thực hiện. Cần quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu…

“Tuy nhiên, qua kinh nghiệm quốc tế, khi xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng đều nảy sinh các vấn đề về hiệu quả, vi phạm… Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai các dự án, nên có cơ chế về chuyên môn. Ví dụ, có thể thành lập các nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật, các địa phương và các nơi khi có vấn đề...”, ông Trung đề xuất.

Ông cũng cho rằng, cần có một khoá đào tạo về những vấn đề pháp lý, quy trình, kỹ thuật cho các đơn vị và các địa phương, kể cả các cơ quan, các nhà đầu tư…, từ đó giúp giảm bớt những sai sót không cần thiết. Cũng nên có cơ chế giám sát, kiểm tra để giúp giảm bớt các sai sót, đồng thời nên quan tâm đến lợi ích thích đáng của các nhà đầu tư.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đồng ý với đề xuất của Chính phủ về giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh một lần đối với cả 2 Dự án, cũng như giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh với nút giao liên thông, bởi phương án này sẽ tránh được các tình huống phức tạp, gây mất ổn định đời sống cho người dân khi thực hiện giải phóng mặt bằng nhiều lần. Tuy nhiên, cần có biện pháp bảo đảm không tái lấn chiếm trong giải phóng mặt bằng…

Làm rõ trách nhiệm của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Để triển khai 2 dự án thành công, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần làm rõ vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội

Nhìn nhận đây là 2 Dự án liên vùng đi qua nhiều tỉnh, mà mỗi tỉnh, thành phố có chính sách đền bù tái định cư khác nhau, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất Chính phủ giao cho TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là đầu mối tổ chức thực hiện, nhưng cũng cần làm rõ vai trò đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi. Chính phủ cần có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau.

Đầu tư 2 dự án đường vành đai, đề nghị làm rõ trách nhiệm của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Hà Nội) lo ngại, việc không xây dựng khung giá chung cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn dự án sẽ có nguy cơ gây ra khiếu kiện (ảnh: Quốc hội)

Cùng góc nhìn trên, Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Hà Nội) đề nghị, Chính phủ cần cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tại dự thảo Nghị quyết của các dự án, khi pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm, cũng như trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, vai trò để tổ chức thực hiện và quản lý dự án được thông suốt và hiệu quả. Để 2 dự án trên có thể triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả, cần rút kinh nghiệm từ các công trình đường bộ trước đây về công tác quy hoạch. Cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa công tác quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư; khu tái định cư; quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước, tránh tình trạng ô nhiễm, mất cảnh quan và ngập lụt thường xuyên xảy ra như hiện nay.

“Việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương nào do địa phương đó thực hiện, mà không xây dựng khung giá chung cho toàn dự án sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng so bì, khiếu kiện, đặc biệt là đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương…”, ông Thi cảnh báo./.