Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong ba tháng đầu năm 2023 giảm 37,2%
Cũng trong 3 tháng đầu năm, có 07 lượt dự án đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh vốn tăng 6,2 triệu USD, giảm 80,1%.
Tổng giám đốc Masan Group Danny Le nhận chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư tại Singapore từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (phải) |
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 119,5 triệu USD, giảm 43,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thông tin và truyền thông đạt 105,4 triệu USD, chiếm 88,2% tổng vốn đầu tư; dịch vụ khác đạt 5 triệu USD, chiếm 4,2%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 4,4 triệu USD, chiếm 3,7%; các ngành còn lại đạt 4,7 triệu USD, chiếm 3,9%.
Trong 3 tháng đầu năm 2023 có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Singapore là nước dẫn đầu với 105,5 triệu USD, chiếm 88,3% tổng vốn đăng ký; Israel 5 triệu USD, chiếm 4,2%; Campuchia 2,1 triệu USD, chiếm 1,7%; Australia 1,6 triệu USD, chiếm 1,3%; Thái Lan 1,3 triệu USD, chiếm 1,1%.
Nếu tính lũy kế đến 20/3/2023, Việt Nam đã có 1.625 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 21,9 tỷ USD. Trong đó, có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỷ USD, chiếm gần 53,3% tổng vốn đầu tư cả nước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,8%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,7%).
Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,5%); Campuchia (13,5%); Venezuela (8,3%)…/.
Bình luận